Ngày 26-5-2004, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành chỉ thị về việc nghiêm cấm các tàu thuyền chưa đăng ký, đăng kiểm hoạt động nghề cá trên vùng biển, vùng đầm tỉnh Bình Định.
Theo đó, hiện nay trên vùng biển, vùng đầm tỉnh Bình Định có khoảng hơn 2.000 phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không có biển số hoặc mang biển số giả đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực của nghề cá như khai thác, dịch vụ, vận chuyển thủy sản, tranh giành ngư trường, trốn tránh các khoản nghĩa vụ thuế hàng năm. Hoạt động của các tàu thuyền nêu trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển, làm mất an ninh trật tự trên vùng biển và gây khó khăn cho cơ quan chức năng quản lý tàu cá.
Để nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn kỹ thuật cho người và các phương tiện nghề cá trên biển, tăng cường công tác quản lý tàu thuyền, giúp các địa phương nắm được số lượng, chất lượng tàu thuyền, đưa hoạt động nghề cá vào nề nếp ổn định, tạo điều kiện cho ngư dân có đầy đủ các loại giấy tờ hoạt động trên biển; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1- Giám đốc Sở Thủy sản chủ trì phối hợp với UBND các huyện ven biển và TP Quy Nhơn, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định tập trung tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho ngư dân các văn bản quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chỉ đạo Chi cục BVNL thủy sản tổ chức kiểm tra, hướng dẫn tại các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục về đăng ký, đăng kiểm cho các tàu thuyền nghề cá.
2- Các lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy), Chi cục BVNL thủy sản chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ, Đồn, Trạm, lực lượng kiểm tra trên biển tiến hành kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và liên tục trên biển, trên đầm; xử lý nghiêm minh các trường hợp tàu thuyền không đăng ký, trễ hạn đăng kiểm; kiên quyết không cho các tàu thuyền không có số đăng ký hoặc vi phạm về đăng ký, đăng kiểm hoạt động trên biển, trên đầm và buộc các chủ phương tiện hoàn tất các giấy tờ cần thiết theo quy định mới được đưa tàu vào hoạt động.
3- Chủ tịch UBND các huyện ven biển và TP Quy Nhơn chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, phường ven biển rà soát lại toàn bộ danh sách tàu thuyền, số lượng thuyền viên hiện có tại địa phương, phân loại các tàu thuyền đăng ký và chưa đăng ký để cùng phối hợp với Chi cục BVNL thủy sản tiến hành tổ chức đăng ký, điều tra tàu cá và thuyền viên trên địa bàn toàn tỉnh theo nội dung của Chỉ thị số 04/2003/CT-BTS ngày 03/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về Điều tra tàu cá và thuyền viên.
4- Để tạo thuận lợi cho ngư dân đăng ký, đăng kiểm tàu cá và tạo điều kiện để quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cho phép lập thủ tục đăng ký, đăng kiểm đối với các tàu cá thực tế đã đóng mới và đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/1997 nếu ngư dân tiến hành đăng ký, đăng kiểm từ nay đến ngày 31/7/2004. Giao Giám đốc Sở Thủy sản chỉ đạo Chi cục BVNL thủy sản kiểm tra bảo đảm an toàn mới làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu cá. Sau thời hạn nêu trên, các tàu cá không thực hiện đăng ký, đăng kiểm mà đưa vào hoạt động thì bị xử lý theo quy định hiện hành.
5- Giám đốc Sở Thủy sản chỉ đạo Chi cục BVNL thủy sản lập kế hoạch triển khai việc đăng ký, đăng kiểm các tàu thuyền nghề cá chưa đăng ký, đăng kiểm cho từng địa phương và tổng hợp, báo cáo số liệu thống kê tàu cá cho UBND tỉnh và Bộ Thủy sản theo các biểu mẫu đã ban hành.
6- Đề nghị Hội Nông dân tỉnh, Hiệp hội Thủy sản phối hợp với chính quyền các cấp thường xuyên tuyên truyền giáo dục và vận động các hộ có tàu thuyền nghề cá thực hiện các quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá để quản lý theo quy định.
Chủ tịch UBND các huyện ven biển, TP Quy Nhơn và Thủ trưởng các sở, ban liên quan có trách nhiệm thực hiện tốt chỉ thị này. Giao Giám đốc Sở Thủy sản chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện ở các địa phương và thường xuyên nắm tình hình, đề xuất giải quyết các vấn đề nảy sinh báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo. |