Ngày 23-9-2004, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tình trạng say do dùng rượu, bia. Nội dung chỉ thị như sau:
Những năm qua, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội ở Bình Định do nguyên nhân say từ việc uống rượu, bia gây ra tăng lên đáng kể, tính trung bình hàng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 45% số vụ phạm pháp hình sự và tai nạn giao thông có nguyên nhân do uống rượu, bia say. Trong đó, tội phạm cố ý gây thương tích chiếm hơn 70%, tội phạm hủy hoại tài sản chiếm gần 60%, các vụ gây rối trật tự công cộng chiếm khoảng 75%, tai nạn giao thông chiếm khoảng 40% số vụ. Tệ uống rượu, bia say xảy ra rất phức tạp ở tất cả các địa phương trong tỉnh, kể cả trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Trong vác vụ phạm pháp có nguyên nhân từ việc uống rượu, bia gây ra, số lượng thanh thiếu niên chiếm khoảng 60%. Nhiều vụ, việc uống rượu, bia say có hành vi vi phạm pháp luật đã được phát hiện xử lý, tuy nhiên tính chất ngày càng nghiêm trọng và phức tạp hơn, gây ra hậu quả trên nhiều mặt, chỉ tính từ năm 2001 đến nay đã làm chết 144 người, bị thương hàng nghìn người, làm thiệt hại tài sản ước tính hàng tỉ đồng; ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống tội phạm; là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra mâu thuẫn căng thẳng trong các tầng lớp dân cư, làm tổn hại đến hạnh phúc của nhiều gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng lao động, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên; trái với truyền thống văn hóa và nếp sống lành mạnh của dân tộc ta. Dư luận xã hội rất bất bình, phẫn nộ với tệ nạn này.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do: Sự chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật của chính quyền các cấp về vấn đề này còn buông lỏng; công tác phòng ngừa tội phạm có nguyên nhân từ rượu, bia chưa thật tốt; việc tuyên truyền vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh còn rất hạn chế, nhiều người chưa biết được các quy định của pháp luật để thực hiện; công tác xử lý các hành vi vi phạm theo những quy định của pháp luật chưa được coi trọng; việc sản xuất, buôn bán rượu, bia còn tràn lan, ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Nhằm kiềm chế, tiến tới làm giảm đến mức thấp nhất tội phạm và các tệ nạn xã hội do nguyên nhân uống rượu, bia say gây ra, UBND tỉnh chỉ thị:
1- Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng giúp UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội có nguyên nhân từ rượu, bia gây ra từ năm 2000 đến nay và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong những năm đến trên địa bàn toàn tỉnh.
2- Tăng cường công tác tuyên truyền, công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật có nguyên nhân từ rượu, bia trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức thi tìm hiểu những quy định của pháp luật về tác hại của rượu, bia. Công an tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp biên soạn tài liệu tuyên truyền vấn đề này đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhằm làm cho mọi người nắm bắt được và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
3- Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh hệ thống các loại văn bản pháp luật có liên quan đến việc uống rượu, bia say gây rối trật tự trị an để phục vụ cho công tác xử lý vi phạm hành chính của các ngành, các cấp. Tổ chức xử phạt triệt để, nghiêm minh tất cả các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng; người điều khiển phương tiện giao thông say rượu, bia. Tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật các loại tội phạm có nguyên nhân từ rượu, bia để răn đe, giáo dục chung.
4- Tổ chức cho tất cả cán bộ, viên chức nhà nước, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội làm cam kết không uống rượu, bia say. Đưa nội dung cấm uống rượu, bia say trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để phân loại, xét các danh hiệu thi đua của các cơ quan, đơn vị và của cán bộ, viên chức nhà nước. Chính quyền và Công an các xã, phường, thị trấn lên danh sách những người nghiện rượu, bia ở địa phương mình có biện pháp quản lý, giáo dục.
Các địa phương xã, phường, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện việc bắt buộc lái xe ô tô, xe mô tô làm cam đoan không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia.
Các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, các quán karaoke... phải niêm yết công khai những quy định của pháp luật có liên quan đến rượu, bia trên lĩnh vực đang kinh doanh và làm cam kết thực hiện đúng những quy định của pháp luật trên lĩnh vực này. Đưa nội dung cấm uống rượu, bia say vào Hương ước, Quy ước của thôn, khối phố, làng và trong nội quy của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức kinh tế - xã hội. Cấm uống rượu, bia say phải được xem là một trong những nội dung quan trọng trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng khu phố văn hóa, thôn văn hóa, cơ quan có văn hóa.
5- Giao Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn uống rượu, bia say. Sáu tháng một lần, các sở, ban, các huyện, thành phố phải báo cáo kết quả thực hiện việc phòng ngừa, đấu tranh loại tệ nạn này cho UBND tỉnh theo dõi chỉ đạo.
6- Ban chỉ đạo 138 và Ban An toàn giao thông tỉnh trích một phần kinh phí phòng, chống tội phạm và kinh phí an toàn giao thông để đảm bảo cho công tác phòng ngừa đấu tranh với các hành vi vi phạm do uống rượu, bia say gây ra.
Nhận được Chỉ thị này, các sở, ban, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc.
. Theo Văn phòng UBND tỉnh |