Ngày 7-1, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 07/2005/QĐ-UB về những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2005. Theo đó, để thực hiện vượt mức mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2005 từ 11 - 11,5%, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ để tạo bước phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2005. Cụ thể như sau:
Về phát triển kinh tế, cải thiện căn bản môi trường đầu tư và kinh doanh nhằm huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển của các thành phần kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy các đơn vị kinh tế nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung phát triển CN-TTCN và làng nghề nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp tăng 23%. Đẩy mạnh xuất khẩu với tổng kim ngạch đạt 230 triệu USD và đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành dịch vụ với mức tăng 11%. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển toàn diện nông lâm ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất tăng 5,5%. Đẩy mạnh tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước.
Về phát triển văn hóa - xã hội, tăng cường công tác quản lý, giữ nghiêm kỷ cương trong giảng dạy, học tập ở nhà trường đi đôi với chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Nâng cao chất lượng các đề tài, dự án khoa học công nghệ gắn với sử dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. Thúc đẩy nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, đẩy mạnh việc thực hiện tin học hóa. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác y tế dự phòng, vệ sinh và an toàn thực phẩm. Nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế và y đức trong chăm sóc sức khỏe cho mọi đối tượng. Nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao nhất là ở cơ sở. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa thông tin, nhất là các hoạt động dịch vụ và kiểm tra, xử lý các hoạt động văn hóa không lành mạnh. Tiếp tục giải quyết có hiệu quả và vững chắc vấn đề giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hộ gia đình nghèo thuộc diện có công.
Chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư đối với các chương trình, dự án phát triển kinh tế miền núi, nhất là chương trình 135 của Chính phủ.
Phấn đấu thực hiện tổng thu ngân sách đạt 1.100 tỉ đồng. Đảm bảo tỉ lệ huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt 38% GDP. Nâng cao hiệu quả và chống thất thoát trong đầu tư, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách. Chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ dự toán ngân sách năm 2005 ngay từ đầu năm theo đúng quy định của luật ngân sách nhà nước. Tiếp tục huy động vốn với nhiều hình thức thích hợp để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng đổi mới phương pháp xây dựng quy hoạch, làm cho sản phẩm của quy hoạch phát huy được lợi thế của địa phương.
Tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, khắc phục đầu tư dàn trải nhằm tránh gây lãng phí và nâng cao hiệu quả trong đầu tư. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong sử dụng ngân sách, quản lý chặt việc sử dụng ô tô công, năm 2005 tạm ngừng việc mua sắm mới xe ô tô con phục vụ nhiệm vụ công. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng. Kiện toàn, củng cố và sắp xếp tổ chức bộ máy cấp tỉnh, huyện và thành phố và nâng cao đạo đức ý thức chấp hành kỷ luật của đội ngũ cán bộ công chức nhà nước. Hoàn thiện mô hình "một cửa". Loại bỏ những phiền hà về thủ tục hành chính khi giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo và quản lý tại các cơ quan hành chính công sở, thể hiệ trước hết trong trách nhiệm và thái độ ứng xử khi giải quyết công việc của dân. Tích cực giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân, đảm bảo đến hết năm 2005 giải quyết về cơ bản các vụ khiếu nại còn tồn đọng. Về quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội chú trọng công tác xây dựng lực lượng, thế trận phòng thủ và tinh thần sẵn sàng chiến đấu trong quân đội nhằm giữ vững quốc phòng.
. Thúc Giáp |