Về Bình Định, bạn hẳn đã qua những cổ tháp lặng lẽ vươn mình trên đồi cao còn lại sau ngàn năm mặc cho nắng, gió miền Trung khắc nghiệt. Những cổ tháp mang trong mình bao bí ẩn, chưa có lời giải, dẫu đã có không ít nhà khoa học lưu tâm nghiên cứu.
Và có lẽ bạn cũng đồng ý với tôi, rằng hẳn cái ánh trăng từng ám ảnh bao thi nhân Bình Định như Hoài Thanh đã từng viết, cũng đã khởi phát từ những đêm trăng dãi dầu trên cổ tháp. Những cổ tháp đã trở thành thi hứng để Chế Lan Viên mới 17 tuổi xuất hiện cùng với Điêu tàn (1937) trong làng thơ đương thời "như một niềm kinh dị". Những cổ tháp này cũng đã đi vào tâm thức người Bình Định như một trong những hình ảnh đặc trưng nhất khi nói về quê hương, nơi có Biển đông sóng vỗ dạt dào/ Tháp kia làm bút, ghi tiếng anh hào vào mây (Ca dao Bình Định).
Lại nữa, là một mẫu mực công trình kết cấu gạch mang tính nghệ thuật và độ bền vững cao, 13 đền tháp Champa hiện còn tại Bình Định được đánh giá là bảo tàng ngoài trời về kiến trúc, điêu khắc và kỹ thuật xây dựng độc đáo. Đây sẽ là những địa chỉ du lịch văn hóa trong tương lai không xa nếu được khai thác tốt.
Vậy nhưng, liệu những cổ tháp kia liệu có còn mãi với thời gian trước sức tàn phá của thiên nhiên và nhất là những hành vi vô ý thức của con người? Tháp Bình Lâm (Phước Hòa - Tuy Phước) là một ví dụ. Cảnh quan và môi trường xung quanh của ngôi tháp này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vẫn còn những hộ dân đang sinh sống rất gần chân tháp và họ trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm bừa bãi. Mặt tiền tháp lại bị che khuất bởi cây cối, rào giậu, gạch đá, rơm rạ... Thêm vào đó, tuy mới được trùng tu chống xuống cấp năm 2001, nhưng thân tháp đã lộ một vết nứt khá lớn và sâu chạy dài từ chân tháp đến vòm trên cửa phía bắc tháp, đe dọa đến sự tồn tại của tháp. Còn tại cụm tháp Dương Long (Bình Hòa và Tây Bình - Tây Sơn) hiện có một cụm phù điêu bằng đá nằm bên trên, phía sau thân tháp giữa, đang trong nguy cơ sụp đổ. Phía sau cụm tháp khoảng 50m về hướng tây có những vết đào lớn, dài 25m, sâu 40-50cm, rộng 50cm, do người dân địa phương thăm dò để khai thác đá ong…
Những hành động cấp thiết, cứu nguy di tích và tiến tới trả lại phần nào vẻ đẹp của những ngôi cổ tháp này đã được tiến hành. Tháp Đôi (Hưng Thạnh), chỉ cách trung tâm thành phố Quy Nhơn hơn một km, là một cụm tháp vào loại độc đáo nhất của kiến trúc cổ Champa, vì hoàn toàn không giống với bất cứ một ngôi tháp nào. Sau khi được trùng tu, hai ngôi tháp này phần nào đã được phục nguyên trở lại hình dáng xưa. Rồi cụm tháp Bánh Ít đã được chống xuống cấp và sau đó là trùng tu, từ năm 1999. Các hạng mục được gia cố chống sụp đổ từ móng đến đỉnh, xây dựng phục hồi thân tháp bằng gạch Chăm, phục hồi đai đá và chi tiết đá bị hư hỏng ở thân tháp, phục hồi khuôn viên và đường lên, xây nhà đón tiếp... đã hoàn thành.
Còn vào những ngày này, người Bình Định lại đang náo nức với một tin vui. Đó là việc cụm tháp Dương Long và tháp Cánh Tiên đang được xây dựng dự án, để trình Bộ Văn hóa - Thông tin phê duyệt. Nếu được thông qua, hai cụm tháp này sẽ được trùng tu trong thời gian tới. Như vậy, cùng với tháp Đôi và tháp Bánh Ít, lại sẽ có thêm hai cụm cổ tháp được hồi sinh.
Tất nhiên, để được trả lại mùa xuân cho những cổ tháp, vẫn còn cần có sự lưu tâm, trước hết là của các cơ quan hữu trách. Hai cụm tháp này sẽ do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) đảm nhận thiết kế, thi công. Một câu hỏi được đặt ra là liệu việc trùng tu hai cụm tháp Dương Long và Cánh Tiên có dẫn đến việc làm mới di tích như đã xảy ra với tháp cổ Bình Thạnh - Tây Ninh, vốn đã bị một số nhà khoa học đánh giá là trùng tu tùy tiện, vô căn cứ khoa học.
. Khải Nhân
|