Cải cách hành chính chính là xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN; cũng là tổ chức bộ máy tinh gọn và xây dựng đội ngũ công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương.
Với mục tiêu như vậy, tháng 10 năm 2002, UBND tỉnh Bình Định ban hành kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2002-2005. Sau hơn một năm thực hiện kế hoạch này, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan.
Trước tiên là những nỗ lực nhằm tinh gọn bộ máy. Các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh; các huyện, thành phố; sở, ngành đã được tinh giảm đáng kể. Cấp tỉnh từ 35 đầu mối còn 24 đầu mối, cấp huyện từ 21 đến 23 đầu mối còn 8 phòng với huyện miền núi, 10 phòng với huyện đồng bằng và 12 phòng với thành phố Quy Nhơn. 155 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có bộ máy ổn định, cán bộ xã được đưa vào định biên để thực hiện chính sách của tỉnh. Chúng ta cũng đã tinh giảm đợt 1 hơn 80 biên chế và chuyển đổi từ khu vực hành chính sang sự nghiệp cho một số tổ chức, đơn vị trực thuộc. Tỉnh cũng đã xây dựng đề án bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đến 2005, trong đó, ưu tiên cho chính quyền cơ sở, tập trung đào tạo cán bộ chủ chốt cấp xã. 5 đơn vị sở, ngành cấp tỉnh cũng đã thí điểm thực hiện khóa biên chế và kinh phí quản lý hành chính…
Bên cạnh đó, các mục tiêu khác như quy trình lập quy, chất lượng của công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng được đổi mới. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan hành chính và sự nghiệp được phân định rõ. Nhiệm vụ cán bộ, công chức đã được phân công gắn với công vụ cụ thể… Tất nhiên, tất cả những kết quả đó hãy còn khá trừu tượng với người dân. Vấn đề mà người dân quan tâm là những thủ tục hành chính khi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước có được đơn giản hóa? Và cơ chế một cửa đã được xây dựng.
Từ ngày 11-8-2003, cơ chế này triển khai thí điểm tại UBND thành phố Quy Nhơn. Tại đây, các thủ tục hành chính, các khoản thu tiền phí - lệ phí của từng loại hồ sơ, từng loại chứng thực đã được niêm yết công khai trước phòng tiếp nhận. Đây là vấn đề này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn vì trên thực tế, do người dân không biết các loại thủ tục, giấy tờ cho mỗi loại hồ sơ nên hồ sơ phải nộp đi, trả lại nhiều lần vì làm sai, hoặc làm thiếu thủ tục. Thời gian trả kết quả cũng được ghi rõ trong phiếu tiếp nhận hồ sơ. Việc công chứng - chứng thực đã được tập trung một đầu mối, rất nhanh, gọn, từ khâu kiểm tra đến việc chứng thực, thu phí, lệ phí, đóng dấu. Do vậy, cơ chế này đã tạo thuận lợi hơn với người dân, được nhân dân đồng tình, tin tưởng.
Sau thành phố Quy Nhơn, từ ngày 15-10, cơ chế "một cửa" sẽ tiếp tục được triển khai tại ba huyện An Nhơn, Tuy Phước và Hoài Nhơn. Đây chính là một bước tiến tới thực hiện cơ chế "một cửa" tại các cơ quan hành chính cấp huyện từ 1-1-2004 cũng như triển khai cơ chế này đến cấp xã từ 1-1-2005 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ chế một cửa nói riêng và cải cách hành chính nói chung sẽ tạo ra một nguồn cộng năng có sức mạnh to lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước, quê hương.
. Khải Nhân
|