Chuyện rằng: 69 hộ dân có nhà trước Bảo tàng Quang Trung, sau khi thống nhất về phương án đền bù, đã tự di dời, ngay cả trong thời điểm họ hãy còn chưa nhận được tiền đền bù.
Trước đó, trong năm 2000, rải rác tại một số tuyến đường của thành phố Quy Nhơn như Nguyễn Lạc, Trần Độc, Lý Tự Trọng, hẻm 126 Hai Bà Trưng, hẻm 250 Tăng Bạt Hổ; đường vào Bệnh viện Tâm thần, đường vào KV5 và KV6 phường Bùi Thị Xuân, đường vào KV7 phường Nhơn Phú, đường vào HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Bình, đường vào KV1 và KV2 phường Ghềnh Ráng, hẻm 548 Nguyễn Thái Học… không ít người dân cũng đã tự tháo gỡ tường rào, cổng ngõ, nhà tạm, cây cối, vật kiến trúc và đóng góp phần đất nằm trong lộ giới đường để giải phóng mặt bằng thực hiện đầu tư xây dựng.
Những việc làm nói trên, có thể mới dừng mới ở số lượng nhỏ các hộ dân, và cũng chưa thường xuyên, song đã thể hiện một tinh thần đáng quý: tự nguyện. Nó trái ngược với điều chúng ta thường nghĩ về những phức tạp trong công tác đền bù, giải tỏa.
Mà không phức tạp sao được, bởi giải tỏa là đụng đến cuộc sống của những số phận cụ thể, ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Tuy nhiên, thực tế trên cũng cho thấy rằng, bản thân người dân cũng sẽ rất sẵn lòng di dời, nhường chỗ cho những công trình vì lợi ích công cộng. Vấn đề là làm sao cho người dân thông suốt từ nhận thức và thấy được rằng quyền và lợi ích của mình được tôn trọng.
Bởi tinh thần tự nguyện chỉ có được một khi người dân đã được giải thích và nhận thức một cách đầy đủ lợi ích và nghĩa vụ của mình. Một tinh thần tự nguyện chỉ hình thành khi cơ quan Nhà nước tôn trọng và đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân.
Ngược lại, người dân sẽ không thể tự nguyện khi cơ quan Nhà nước không giữ được lời hứa với dân. Sẽ không thể có tinh thần tự nguyện khi những công bộc của nhân dân hành xử không công tâm, không bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của người dân.
Và như vậy, sẽ thật dễ hiểu khi có những công trình, người dân tự nguyện tháo gỡ, di dời, nhưng lại có những công trình, việc giải tỏa, di dời lại trở thành một bài toán khó. Khi mà người dân được bố trí tạm cư trong khu nhà tạm đã gần ba năm nay thay vì chỉ một năm như lời hứa của các cơ quan công quyền; khi mà những khu chung cư, nơi họ sẽ được bố trí định cư, vẫn chỉ nằm im trên những tờ thiết kế thì việc di dời những hộ dân khác tất nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cách đây chưa lâu, HĐND thành phố Quy Nhơn đã thông qua nghị quyết Về công tác giải tỏa và chỉnh trang đô thị, trong đó, đề ra phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Nghĩa là, trong việc bồi thường khi giải tỏa xây dựng các tuyến đường không khai thác quỹ đất, nhân dân sẽ được vận động tự nguyện không nhận tiền đền bù tường rào, cổng ngõ, nhà tạm, cây cối, vật kiến trúc và phần đất trong diện giải tỏa để Nhà nước có điều kiện xây dựng, nâng cấp đường. Nếu thành phố Quy Nhơn áp dụng thành công phương thức này, thì sẽ mở ra hy vọng đẩy mạnh công tác giải tỏa, đền bù và chỉnh trang đô thị ở Quy Nhơn, trong điều kiện kinh phí cho công tác này khá eo hẹp.
Nhưng để áp dụng thành công, trước hết, phải làm sao để dân hiểu, dân tin và tự nguyện hưởng ứng bởi "Dễ trăm lần không dân cũng chịu / Khó vạn lần dân liệu cũng xong"!
. Khải Nhân |