Thứ bảy, ngày 5/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
TÌNH NGƯỜI TRONG LŨ
16:6', 22/10/ 2003 (GMT+7)

Hẳn các bạn đã theo dõi những thông tin về đợt mưa lũ đang hoành hành ở Bình Định và các tỉnh miền Trung. Theo đánh giá, đây là một trong những cơn lũ lớn trong gần 10 năm trở lại đây.

Cũng không cần phải nhắc lại với các bạn thông tin về những thiệt hại do cơn lũ gây ra với người dân Bình Định. Con số 20 người chết; hàng ngàn ngôi nhà bị ngập nước và mức thiệt hại do cơn lũ gây ra tại Bình Định lên đến hơn trăm tỉ đồng đã nói lên điều đó.

Đi qua những vùng ngập lũ, trước mắt chúng tôi là những cánh đồng mênh mông nước, và ánh mắt những người dân đang lo lắng dõi theo biến động của từng con nước. Những giọt nước mắt trước cảnh mất người thân, trước gia sản một đời chắt chiu nay đang chìm theo con nước.

Và chính trong cơn mưa lũ tình người mới được thể hiện một cách rõ ràng nhất. Ngay khi lũ xảy ra, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có mặt tại những nơi xung yếu, những vùng thiệt hại nặng và trực tiếp chỉ đạo chính quyền địa phương và cùng với nhân dân khắc phục hậu quả, làm tất cả những gì có thể vì cuộc sống người dân.

Quyết định mở rộng cửa An Dũ thêm 500 mét để thoát lũ kịp thời và tháo dỡ hai đầu cầu tạm phục vụ thi công cầu Diêu Trì trên sông Hà Thanh là những quyết định kịp thời, đúng đắn, với tinh thần như vậy. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 20 giờ lũ trên sông Lại đã hạ thấp gần 3 mét, hạn chế ngập lụt ở các lưu vực sông Lại, cứu được hàng ngàn ngôi nhà của nhân dân dọc theo sông Kim Sơn, An Lão, Lại Giang.

Những chiến sỹ Công an, Quân đội đã được huy động giúp đỡ người dân vùng lũ thoát qua những khó khăn. Đội thanh niên xung kích Chữ thập đỏ kịp thời đem lương thực, chăn màn xuống các vùng dân cư bị thiệt hại và xử lý kịp thời các vùng bị sạt lở ở các nơi xung yếu. Hàng cứu trợ đã đến tay người dân, đảm bảo cho người dân không bị đói. Một tấm màn, những gói mì tôm, chục ký gạo, trong hoàn cảnh này, trở nên ấm áp tình người hơn bao giờ hết.

Hơn 10 tấn mì tôm, 25 tấn gạo cùng một số nhu yếu phẩm khác đã được cứu trợ cho đồng bào vùng lũ. Hàng tỉ đồng đã được dùng để cứu trợ cho người dân khắc phục hậu quả bão lụt. Với những gia đình có người chết do nước lũ cuốn trôi, mức hỗ trợ là 1-2 triệu đồng; các gia đình bị sập nhà hoàn toàn được hỗ trợ 3 triệu đồng, gia đình có nhà bị hư hỏng được hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Riêng những hộ có nhà bị lũ cuốn trôi tài sản, lương thực hỗ trợ mỗi nhân khẩu 3 tháng lương thực, với mức hỗ trợ 10kg gạo/người/tháng.

Và ngay giữa những người dân vùng lũ với nhau, tinh thần lá lành đùm lá rách càng thể hiện một cách cụ thể nhất. Chẳng hạn, tại thôn Vinh Quang, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, đã nhiều ngày bị cô lập trong nước lũ. Ngay trong đêm lũ lớn, đã có hàng chục ngôi nhà bị sập. Chính bà con trong thôn, trong xã đã góp công, góp sức cùng nhau vận chuyển đồ đạc cho các hộ này và cho những người có nhà sập tá túc. "Không có họ, chúng tôi sẽ không biết xoay trở thế nào" - tâm sự ấy của những hộ dân này đủ nói lên tất cả nghĩa tình ấy.

Khi bức thư này đến với các bạn, những công việc cứu trợ, khắc phục hậu quả lũ lụt tiếp tục được thực hiện. Và đã có những tấm lòng hảo tâm, chia sẻ với bà con vùng lũ bằng sự đóng góp, dù nhỏ, ngõ hầu cùng với chính quyền địa phương cứu trợ đồng bào qua cơn hoạn nạn. Một em học sinh lớp hai tại TP Hồ Chí Minh bỏ ống tiết kiệm được 76.000 đồng, đã gửi ủng hộ học sinh vùng lũ miền Trung, chính quyền và nhân dân tỉnh thành trong nước đã kịp thời ủng hộ cho Bình Định hàng chục, hàng trăm triệu đồng… Đó là những biểu hiện cụ thể của tinh thần "lá lành đùm lá rách".

Những cơn mưa lũ cùng với hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân một thời gian, rồi sau đó tất cả sẽ trở lại bình thường. Nhưng, tình người trong và sau cơn lũ mới là điều còn đọng lại.

. Khải Nhân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
TỰ NGUYỆN  (21/10/2003)
ĐỘT PHÁ TỪ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH   (07/10/2003)
HỒI SINH CHO NHỮNG CỔ THÁP   (01/10/2003)
NGHỆ THUẬT CHÂN ĐẤT   (23/09/2003)
NƠI ẤY, SẼ KHÔNG CHỈ CÓ CÁT TRẮNG   (15/09/2003)
CÙNG CHĂM LO CHO NGƯỜI NGHÈO   (09/09/2003)
COI TRỌNG DOANH NHÂN   (01/09/2003)
ĐI TÌM THƯƠNG HIỆU MẠNH   (26/08/2003)
NÚI RỪNG VÀO HỘI   (18/08/2003)
VÌ THẾ HỆ TƯƠNG LAI CỦA THÀNH PHỐ   (11/08/2003)
TRƯỚC MẮT NHỮNG THÁNG NGÀY   (04/08/2003)
KHỞI SẮC VÙNG CAO   (28/07/2003)
VỪNG ƠI, MỞ CỬA!   (23/07/2003)
ĐEM THIÊN NHIÊN VÀO PHỐ   (15/07/2003)
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG   (07/07/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn