Thứ năm, ngày 3/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
LÃNG ĐÃNG VỚI QUY NHƠN
16:40', 10/11/ 2003 (GMT+7)

Trở chiều, không khí thành phố như đang lắng xuống. Và cùng với ánh hoàng hôn trải dần trên những con đường, ngõ ngách, và sẽ trỗi lên ngay sau đó, bằng những thanh âm ồn ã, bằng những ánh đèn màu rực rỡ. Dường như, khi ấy như có một nguyên cớ nào cứ thúc đẩy, và trong lòng thêm náo nức, ta muốn đạp xe loăng quăng qua những nẻo đường.

Không phải là những cung đường mới có sức thu hút tôi dường ấy. Dẫu trên mỗi bước chân đi, tôi không khỏi thầm ngạc nhiên khi nhìn lại thành phố thân yêu này. Sức trẻ của nó, hiện hình qua những con đường như nối dài thêm bước chân, với những khu phố mới dần mọc lên. Những sự đổi thay tuy âm thầm nhưng bền bỉ ấy, đã và đang diễn ra, trên mỗi phân vuông diện tích đất này. 

Có lẽ, bởi trong thời khắc ấy, chính là lúc những ngọn gió mang từ biển, hơi nước mát dịu, rạt rào qua những con phố. Và trong ngọn gió mát lành ấy, ta như cảm nhận thấy rõ hơn, cái nhẹ nhõm trong ánh mắt của những người dân phố biển đang trở về nhà sau một ngày tất bật. Bước chân người cũng như nhẹ nhàng hơn, yên ả hơn. Và trong ánh mắt người trao cho nhau, cũng trở nên thân thiết lạ…

Và cũng chính trong thời điểm ấy, ta mới thấu cảm hết sự quyến rũ rất lạ của thành phố này.

Quy Nhơn kể ra là một thành phố đã ôm trọn đủ cả núi, non, sông, biển vào lòng mình. Phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu nằm trên thung lũng hẹp kẹp giữa núi Vũng Chua và Hòn Chà. Phía Nam là tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu lượn quanh những dãy núi đang vươn mình về phía biển. Và cũng đã không ít lần, tôi men theo những con đường, băng qua vùng cửa sông Hà Thanh, chớm mép nước đầm Thị Nại, để tận hưởng cái gió quất lạnh từ phía đầm Thị Nại yên ả sóng và thấm đượm cảm thức sông nước, tưởng như đang dạo bước ở trên một vùng đất Mũi thu nhỏ, chan hòa phù sa sông biển. Chính trong không khí ấy, ta cảm nhận thấy sự tần tảo khôn nguôi, của những hạt phù sa để vun đắp lên mảnh đất quy tụ nhân - nghĩa này.

Và bạn có nghe âm âm từ trầm tích của mảnh đất này, sức sống của thành phố có lịch sử hơn 400 tuổi. Hội tụ những con người, để rồi trên chốn phiên trấn này, thành hình nên những làng mạc, xã thôn, để có phủ Hoài Nhơn thế kỷ XV. Rồi từ một vùng cát ven biển, một thôn Vĩnh Khánh được tạo lập từ thế kỷ XVIII về trước và nhanh chóng lan tỏa thành làng Chánh Thành và Cẩm Thượng từ thế kỷ XIX về sau. Từ những đình Cẩm Thượng đến các hội quán Triều Châu, Phước Kiến… đã là những di tích ít ỏi còn lại ghi dấu chặng đường của thành phố thân yêu này.

Lãng đãng cùng chiều Quy Nhơn, qua những cung đường, ta gặp trong từng ánh mắt, nụ cười của người Quy Nhơn, có chút gì như lấp lánh niềm vui, lấp lánh tự tin vào một tương lai của thành phố này và cuộc đời của chính họ. 

Có dịp, mời bạn về với Quy Nhơn, để tận mắt chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất này. Một số khu công nghiệp tập trung nên hình, rồi cung đường Quy Nhơn - Sông Cầu, khu Trung tâm thương mại dịch vụ và du lịch thành phố Quy Nhơn đã hoàn thành, những con đường mới mở... Tất cả, chắt chiu cho một diện mạo mới của thành phố biển.

Rồi một thời gian không xa nữa, thành phố sẽ phát triển vươn mình qua bên kia mặt đầm Thị Nại, trên bán đảo Phương Mai. 4 khu đô thị: khu đô thị trung tâm, khu đô thị phía Bắc, khu đô thị phía Tây và khu đô thị mới Nhơn Hội khi ấy, sẽ tạo cho Quy Nhơn một vóc dáng hiện đại.

Nhưng tôi lại náo nức nhiều hơn về hình ảnh một Quy Nhơn bình yên bên mép sóng. Thành phố soãi đôi cánh, ấp ôm hai bờ đầm Thị Nại, một lá phổi xanh, cũng là một di sản ngàn tuổi, gắn bó mật thiết với lịch sử mảnh đất này. Tôi cứ nghĩ, đây mới chính là yếu tố có thể tạo nên dáng vẻ riêng của Quy Nhơn trong chuỗi các đô thị Việt Nam.

Tất nhiên, để đi đến viễn cảnh ấy, Quy Nhơn còn rất nhiều việc phải làm. Từ việc quy hoạch để sớm tìm ra một dáng hình đô thị hiện đại, có nét riêng không lẫn lộn, đến những quy định cụ thể hơn về kiến trúc trong thành phố, những dự án đầu tư mạnh hơn cho cơ sở hạ tầng… Nhưng tôi tin, thế hệ cháu con của người anh hùng áo vải năm xưa, với sức trẻ hôm nay, không gì là không thể vượt qua.

Vậy đó, Quy Nhơn của tôi đã và đang tiếp bước trên một hành trình như vậy. Tần tảo dưỡng nuôi cho những thay đổi âm thầm, để có lúc, cất cánh bay lên bằng chính những giọt mồ hôi lấp lánh tình người.

. THẠCH TRUNG

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
MÁI ẤM CHO HỘ NGHÈO  (31/10/2003)
TÌNH NGƯỜI TRONG LŨ  (22/10/2003)
TỰ NGUYỆN  (21/10/2003)
ĐỘT PHÁ TỪ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH   (07/10/2003)
HỒI SINH CHO NHỮNG CỔ THÁP   (01/10/2003)
NGHỆ THUẬT CHÂN ĐẤT   (23/09/2003)
NƠI ẤY, SẼ KHÔNG CHỈ CÓ CÁT TRẮNG   (15/09/2003)
CÙNG CHĂM LO CHO NGƯỜI NGHÈO   (09/09/2003)
COI TRỌNG DOANH NHÂN   (01/09/2003)
ĐI TÌM THƯƠNG HIỆU MẠNH   (26/08/2003)
NÚI RỪNG VÀO HỘI   (18/08/2003)
VÌ THẾ HỆ TƯƠNG LAI CỦA THÀNH PHỐ   (11/08/2003)
TRƯỚC MẮT NHỮNG THÁNG NGÀY   (04/08/2003)
KHỞI SẮC VÙNG CAO   (28/07/2003)
VỪNG ƠI, MỞ CỬA!   (23/07/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn