Núi cao sông có còn dài
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Dân gian đã lấy câu chuyện đánh ghen của hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh để giải thích cho những đợt lũ lụt trút xuống làng mạc, đồng ruộng. Và, nói như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, thì mỗi xứ sở đều có một chàng thủy tinh riêng.
Chàng thủy tinh của Bình Định cũng chẳng kém phần dữ dội, lại có phần bất trị bởi những con sông ngắn và dốc đổ dồn về phía biển, làm cho mặt nước sông dâng lên một cách nhanh chóng, khá bất ngờ. Bởi vậy, với người Bình Định, khi đã qua tiết thu phân, nghe trong ý gió mang theo hơi hướm của những cơn mưa, họ đã phải sống trong những âu lo phập phồng. Mới đây thôi, lũ chồng lũ chỉ trong chưa đầy một tháng. Có cả hàng trăm những ngôi nhà bị sập hoàn toàn, có những tổn thất về nhân mạng. Và cùng những mất mát do lũ, là những trận cát khổng lồ trôi theo dòng nước đổ xuống những cánh đồng để rồi sau cơn lũ, sa bồi lại trở thành là một tai họa thật sự với con người.
Ôi, ở cái mảnh đất hẹp ở khúc ruột miền Trung này, cứ hết những ngày hè nắng cháy, lại đến mùa mưa bão trập trùng. Khí hậu quá đỗi khắc nghiệt, làm cho con người ta cứ tích lũy được một chút lại hóa trắng tay sau mỗi cơn bão, trận lụt. Và họ chỉ còn biết nhìn theo dòng nước, cuốn phần gia sản tích cóp suốt một đời người.
Vậy đó, có những giọt mồ hôi người rơi xuống mặt đất mặn đắng trong những ngày hè nắng cháy. Lại còn những giọt mồ hôi người chế ngự cái bất thường của những dòng sông trong những ngày mưa bão hoành hành. Đối diện với thiên nhiên như vậy, con người cũng đã hun đúc cho mình cá tính sống bền bỉ, luôn lạc quan trước những mất mát, khổ đau. Và trong gian truân, con người ta lại càng sống với nhau tình nghĩa. Nghĩa nhơn hai gánh tràn trề (ca dao Bình Định) là vậy.
Nhưng điều đáng nói hơn, là phía sau những giọt mồ hôi, phía sau những mất mát dường ấy, người Bình Định lặng lẽ chắt chiu, vun phù sa cho từng gốc cây, ngọn cỏ, và âm thầm nuôi dưỡng cho những mùa hoa dâng đời. Những cánh đồng, sau những cơn lũ đi qua, lại lên xanh. Con người lại vắt sức ra chế ngự cát để ra công cày xới. Và chính từ những ngày nắng cháy, những ngày mưa trắng trời ấy, con người đã biết chưng cất khổ đau thành hy vọng, ươm cho những mùa xuân.
Chẳng hiểu sao, viết đến đây, tôi lại nhớ đến loài chim yến. Ấy là loài chim đã lấy máu huyết ra mà xây tổ, chắt chiu từ những nỗi đau để chưng cất thành sản vật ngọt ngào. Con người ta cũng vậy, cũng chắt chiu lấy từ những giọt mồ hôi đổ xuống, biết quý trọng từng giọt sữa mẹ nghèo, để kết tinh cho những mùa hoa. Nói như nhà thơ Dương Tường, đấy chính là phép hóa học của nhân bản vậy thay.
Vậy đó, tôi vẫn tin vào một Bình Định tần tảo của tôi, vẫn tin vào những người Bình Định hai sương một nắng trên hai mùa mưa nắng của đất trời miền Trung, tin rằng phía sau những giọt muối mặn đắng của tháng ngày, sẽ là những mùa hoa bất tử...
. THẠCH TRUNG |