Thứ năm, ngày 3/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
NGƯỜI DÂN VIỆT NAM HOÀN TOÀN CÓ QUYỀN TỰ DO TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG
17:16', 28/11/ 2003 (GMT+7)

Mới đây, ngày 19-11, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết H.Res 427 "lên án Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo" và Nghị quyết do Nghị viện Châu Âu thông qua ngày 20-11-2003 về cái gọi là "Tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam”.

Phớt lờ thực tế đời sống tôn giáo sôi động ở Việt Nam, 2 Nghị quyết này đã xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Trước hết, xin khẳng định ngay rằng, những thông tin đó là hoàn toàn không chính xác. Vậy thì, hẳn các bạn sẽ hỏi, cái gọi là "Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất" được đề cập đến trong bản Nghị quyết trên đây sự thật là như thế nào?

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời năm 1964 trên cơ sở thống nhất 6 hệ phái sau cuộc đấu tranh chống Diệm đàn áp Phật giáo thắng lợi. Trên thực tế, đây cũng chỉ là thống nhất một phần Phật giáo ở vùng đô thị miền Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất đã tiến hành Đại hội lần thứ VII và ra Nghị quyết giao toàn quyền cho Viện Hóa đạo liên hệ với Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam để thống nhất Phật giáo hai miền thành một tổ chức duy nhất. Lúc đó, hòa thượng Thích Trí Thủ là Viện trưởng Viện Hóa đạo đã nhiệt tâm thực hiện Nghị quyết này.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất được 9 tổ chức hệ phái Phật giáo trên cả nước, trong đó, có ba tổ chức Phật giáo lớn là Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (miền Bắc), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (miền Nam) và Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước (thành phố Hồ Chí Minh). Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính là hòa thượng Trí Thủ chứ không phải ai khác. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị thống nhất Phật giáo năm 1981, Hòa thượng Thích Trí Thủ - Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Trưởng Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam - đã khẳng định: "Lần đầu tiên trong lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam, chúng ta có được một hội nghị gồm đầy đủ đại biểu của các tổ chức, giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ và Phật giáo Khơme, Tăng ni và nam nữ cư sĩ, già và trẻ, từ mọi miền trên đất nước đã vân tập về đây, trong hội trường trang nghiêm và rực rỡ này, với một quyết tâm sắt đá: xây dựng hoàn thành ngôi nhà thống nhất Phật giáo Việt Nam".

Như vậy, từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất đã hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam và từ đó đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Tăng ni, Phật tử Việt Nam trong mọi quan hệ ở trong nước và ở nước ngoài.

Vậy, cái gọi là "Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất" hiện nay chỉ là sự mạo danh của một số ít cá nhân. Tư tưởng, quan điểm của những người ấy đã không xuất phát từ lợi ích chung của Phật giáo Việt Nam mà nhằm vào mục đích cá nhân, lồng ghép yếu tố chính trị. Kết quả việc làm của các vị ấy không những đã gây phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn giáo mà còn vi phạm pháp luật của Nhà nước. Việc làm đó đã hoàn toàn đi ngược lại tư tưởng giáo lý Đức Phật và pháp luật của Nhà nước.

Còn về quyền tự do tôn giáo và hoạt động tôn giáo ở Việt Nam hiện nay? Quyền tự do tôn giáo có thể được xác định bởi ba tiêu chí cơ bản. Một là đào tạo chức sắc, nhà tu hành, hai là phổ biến kinh sách, ba là xây dựng cơ sở thờ tự. Ở Việt Nam hiện có 10 trường đại học tôn giáo (trong đó, có ba Học viện Phật giáo Việt Nam) và 40 trường lớp từ bậc cao đẳng, trung học, đến cơ bản, cơ sở của các tôn giáo. Số lượng chức sắc, nhà tu hành được đào tạo từ năm 1975 đến nay nhiều hơn thời gian trước đó. Việt Nam hiện có Nhà xuất bản Tôn giáo chuyên lo giúp đỡ các tôn giáo phổ biến kinh sách theo đúng quy định của pháp luật. Nhiều bộ kinh mà các chế độ cũ không làm được đã được xuất bản gần đây, trong đó có Đại tạng kinh Việt Nam. Về cơ sở thờ tự thì hiện các tôn giáo ở Việt Nam có khoảng hơn 22.000 cơ sở thờ tự tôn giáo và phần lớn đã được tôn tạo khang trang, đẹp đẽ.

Riêng tỉnh Bình Định hiện có trên 283 chùa, 21 Tịnh xá, 6 Tịnh thất, 30 Niệm Phật đường với hơn 1.000 tăng ni, trong đó gồm: 426 vị tỳ kheo, 116 vị tỳ kheo ni, 297 vị sa di, 85 vị thức xoa Mamani, 133 vị sa di ni. Được sự giúp đỡ của chính quyền và các cơ quan hữu quan của tỉnh, thời gian qua, rất nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo trên địa bàn tỉnh đã được trùng tu, xây dựng rất khang trang. Bên cạnh đó, những năm qua, ở Bình Định đã có hàng ngàn tăng ni được tự do theo học tại các Học viện Phật giáo, trường Trung cấp Phật học, kể cả trong nước và nước ngoài. Trường Cơ bản Phật học đã được đổi thành Trường Trung cấp Phật học Bình Định và đến nay đã qua 2 khóa. Đây được coi là một trong những trường trung cấp Phật học đạt hiệu quả nhất trong cả nước.

Hãy nghe lời một nghị sĩ Mỹ, ông Lens Evan trong thư gửi đến các đồng nghiệp trong Quốc hội Hoa Kỳ. Trong thư này, nghị sĩ Evan cho rằng ở Việt Nam không hề có cái gọi là "đàn áp tôn giáo" như những đối tượng chống Việt Nam rêu rao. Để chứng minh điều này, nghị sĩ Evan dẫn Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2002, trong đó khẳng định người dân Việt Nam hoàn toàn có quyền tự do trong các hoạt động tín ngưỡng của mỗi cá nhân cũng như tham gia các hoạt động tín ngưỡng chung. Các tôn giáo trong cả nước đang tích cực tham gia vào những hoạt động tín ngưỡng, giáo dục và nhân đạo. Vai trò nổi bật lâu nay của Đạo Phật không gây ảnh hưởng gì đến sự tự do tôn giáo của các tín ngưỡng khác.

Trong Nghị quyết số 25/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Về công tác tôn giáo cũng đã khẳng định: "Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật. các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giao của mình theo đúng quy định của pháp luật”.

Chỉ từ những con số và dữ liệu như vậy, hẳn chúng ta đã có thể khẳng định rằng, làm gì có chuyện đàn áp tôn giáo, vi phạm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Tất nhiên, tôn trọng quyền tự do tôn giáo không đồng nghĩa với việc dung túng cho những hành vi muốn lợi dụng tự do tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm ảnh hưởng đến an ninh - trật tự quốc gia. Với những hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo để vi phạm pháp luật, Nhà nước ta có những biện pháp kiên quyết, đúng pháp luật. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với công ước quốc tế. Chẳng hạn, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ngày 16-12-1966 của Liên Hiệp quốc, Điều 18, Khoản 3 đã ghi rõ: "Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền tự do cơ bản của người khác".

Như vậy, tưởng đã đủ để có thể đi đến kết luận rằng bản Nghị quyết mà Hạ viện Hoa Kỳ thông qua ngày 19-11 là một Nghị quyết sai trái. Rõ ràng, khi thông qua Nghị quyết này, không ít người đã không am tường về tình hình thực tế đang diễn ra tại Việt Nam. Do vậy, bản Nghị quyết đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, và "xúc phạm nghiêm trọng đến tổ chức Giáo hội phật giáo Việt Nam trong mối quan hệ đối nội và đối ngoại, cũng như danh dự, nhân phẩm và quyền lợi chính đáng của Tăng ni, Phật tử Việt Nam" (trích thư hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gửi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ). Đây là một việc làm đáng tiếc, không phù hợp với mối quan hệ đang tiến triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Cũng cần nói thêm rằng việc Hạ viện Hoa Kỳ, dưới sự "đạo diễn" của vài nghị sĩ không có thiện cảm với Việt Nam thông qua bản Nghị quyết trên đã không còn làm mấy ai phải ngạc nhiên vì cũng từ diễn đàn chính trị trên, một số ít các nghị sỹ này thường xuyên có những việc làm chống đối Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Đến đây, chúng tôi không cần phải bình luận gì thêm. Bởi từ những thông tin này, hẳn bạn đã rút ra những kết luận cần thiết. 

KHẢI NHÂN

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
MUỐI ĐAU THƯƠNG VÀO BAO MÙA HOA  (18/11/2003)
LÃNG ĐÃNG VỚI QUY NHƠN   (10/11/2003)
MÁI ẤM CHO HỘ NGHÈO  (31/10/2003)
TÌNH NGƯỜI TRONG LŨ  (22/10/2003)
TỰ NGUYỆN  (21/10/2003)
ĐỘT PHÁ TỪ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH   (07/10/2003)
HỒI SINH CHO NHỮNG CỔ THÁP   (01/10/2003)
NGHỆ THUẬT CHÂN ĐẤT   (23/09/2003)
NƠI ẤY, SẼ KHÔNG CHỈ CÓ CÁT TRẮNG   (15/09/2003)
CÙNG CHĂM LO CHO NGƯỜI NGHÈO   (09/09/2003)
COI TRỌNG DOANH NHÂN   (01/09/2003)
ĐI TÌM THƯƠNG HIỆU MẠNH   (26/08/2003)
NÚI RỪNG VÀO HỘI   (18/08/2003)
VÌ THẾ HỆ TƯƠNG LAI CỦA THÀNH PHỐ   (11/08/2003)
TRƯỚC MẮT NHỮNG THÁNG NGÀY   (04/08/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn