Thời gian vậy là đã bước đến chặng cuối của một năm. Một năm, có thể là quá ngắn ngủi so với một đời người; song, tưởng cũng là đủ để chúng ta nhìn lại chính mình, xốc lại hành trang để bước về tương lai.
Vậy, bạn hãy cùng tôi thử hãy tính sổ thời gian, nhìn lại những gì chúng ta đã nỗ lực đạt được trong năm qua và hướng vọng về những bước đi, sẻ chia những nhiệm vụ đã và sẽ đặt ra trước thềm năm mới.
Năm 2003, vượt qua những khó khăn và thử thách, như thiên tai lũ lụt, rồi cả những biến động bất thường của thị trường kinh tế thế giới… nền kinh tế Bình Định lại tiếp tục có những bước phát triển mới.
Trước hết, hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2003 là tín hiệu khả quan đáng nói đầu tiên. Tổng sản phẩm địa phương (GDP) tăng 9,3%, cao nhất trong ba năm 2001-2003. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực, trong đó, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm từ 42,6% năm 2000 xuống còn 39,8% năm 2003, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng năm 2003 đạt là 25,1% và tỷ trọng dịch vụ: 35,1%.
Trên từng lĩnh vực cụ thể, cũng đã thấy sáng lên những tín hiệu vui. Sản xuất công nghiệp, sau hai năm có tốc độ tăng trưởng chững lại, năm 2003, có tốc độ tăng trưởng cao 19,4%. Đặc biệt, KCN Phú Tài đã có 107 dự án đăng ký đầu tư, lấp đầy 80% diện tích đất công nghiệp; KCN Long Mỹ cũng có 7 DN đăng ký. 14 cụm công nghiệp ở các địa phương đang trong quá trình thành hình. Những nhà máy tiếp tục mọc lên là tín hiệu cụ thể nhất của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Trong nông nghiệp, gắn với công tác quy hoạch là việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Những vùng nguyên liệu cây trồng, vật nuôi tiếp tục mọc lên, phục vụ trực tiếp cho công nghiệp chế biến. Đặc biệt, đàn bò sữa đã phát triển lên 2.424 con và cùng với nó là khu chăn nuôi bò sữa tập trung Nhơn Tân. Và nữa: hệ thống đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa trên 1.000 km, đạt 90% chiều dài đường liên xã, liên thôn trong toàn tỉnh; 100% số thôn trong tỉnh đã có điện; 57% số hộ dân nông thôn được dùng nước sạch…
Nhưng tất cả những con số đó chỉ là con số trên giấy nếu không vào thực tiễn bằng những đổi thay có thể nhìn thấy được từ đời sống của người dân. Đằng sau mỗi chương trình, dự án: nuôi bò sữa, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến… là những đổi thay cụ thể trong đời sống người dân. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị từ 6,28% năm 2001 đã xuống còn 5,63% năm 2003, số hộ nghèo năm 2003 chỉ còn 9,4%. Đời sống của nhiều hộ dân vùng nông thôn đã từng ước vươn lên khá giả.
Để có được kết quả đó, nhiều giải pháp đã được vận dụng. Trong đó, trước hết là chú trọng công tác quy hoạch. Quy hoạch là khía cạnh được chú trọng đặc biệt khi triển khai một chương trình, dự án nào. Chỉ có một quy hoạch bền vững, gắn với thị trường, thì mới có sự phát triển bền vững, đúng hướng - Bình Định xác định vậy. Bên cạnh đó, chúng ta chú trọng việc vận dụng và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Nhà nước, ban hành những quy định phù hợp; với những lĩnh vực định hướng phát triển, chúng ta có cơ chế khuyến khích, nhằm tạo môi trường phát huy nội lực và huy động ngoại lực. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng được sự quan tâm đúng mức.
Tuy vậy, dẫu rất lạc quan trước kết quả đó, chúng ta cũng băn khoăn khi nền kinh tế vẫn còn tăng trưởng chậm, chưa vững chắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2003 tuy cao nhưng tính bình quân cả ba năm 2001-2003 mới chỉ đạt 7,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, công nghiệp chủ yếu là công nghiệp địa phương, quy mô nhỏ, thiết bị lạc hậu. Bình Định vẫn còn thiếu bóng những cơ sở công nghiệp quy mô lớn, có khả năng làm đòn bẩy nền kinh tế. Trong nông nghiệp, vấn đề đáng lưu tâm nhất vẫn là năng suất, chất lượng một số loại cây trồng, vật nuôi còn thấp. Các vùng chuyên canh chậm hình thành. Du lịch chưa tương xứng tiềm năng. Thu hút nguồn lực bên ngoài còn hạn chế…
Bởi vậy, nhiệm vụ đặt ra trong năm mới vẫn khá nặng nề. Để đạt tốc độ tăng trưởng được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh thì hai năm 2004-2005, chúng ta còn phải có thêm rất nhiều nỗ lực và tăng tốc. Tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp để tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển; thực hiện tốt chương trình hành động về chuyển đổi cơ cấu, năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, du lịch và dịch vụ… thì cũng cần nhấn mạnh thêm một số công tác có ý nghĩa chiến lược là: xúc tiến mạnh mẽ hơn công tác quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực…
Tất cả vẫn là nhằm tạo cho Bình Định sớm trở thành một địa chỉ có sức hút, không chỉ về tiềm năng mà cả về sự thông thoáng trong thủ tục. Nhiệm vụ này, đặt ra không chỉ với các vị lãnh đạo tỉnh, cũng không chỉ giới hạn trong một bộ phận hay ngành nào; đây chính là nhiệm vụ của mỗi chúng ta, mỗi người dân, nhằm tạo ra sức mạnh tổng lực trong nỗ lực phát triển.
Khép lại một năm nhiều vất vả, lắm lo toan và cũng đã gặt hái được không ít thành công, bước thời gian đang mở ra một chặng mới. Chúng ta đã không thể ngừng lại và tự tưởng thưởng chính mình. Bước thời gian đã không còn chờ đợi. Nhưng, với sức xuân phơi phới, cùng khí thế năm mới đang đến gần, lớp thế hệ cháu con của Quang Trung - Nguyễn Huệ hôm nay, sẽ gắng sức, cho một ngày mai quê hương…
KHẢI NHÂN |