"Ra biển lớn, bắt cá to, nhưng biển lớn đầy gió to, sóng cả"…
Cách đây chừng vài năm, trước những yêu cầu hội nhập ngày càng trở thành một xu thế tất yếu với các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, có ai đó đã lo lắng và nói vậy khi nhìn vào thực lực của các DN này.
Nhưng trái với những lo lắng như vậy, thị trường thế giới với những luật chơi phức tạp thật sự đã trở thành một môi trường tôi luyện cho các DN. Trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, các DN buộc phải tăng cường nội lực, tích cực, năng động hơn trong tiếp cận thị trường thế giới. Và trên thực tế, các DN của tỉnh đã nhanh chóng trưởng thành, và đang vững bước vươn ra thị trường thế giới rộng lớn.
Chẳng hạn, khi khảo sát thị trường Mỹ, một thị trường khó tính, các DN đã sớm nhận ra được những khoảng cách của mình với thị trường lớn này. Bên cạnh một hệ thống luật pháp khá chặt chẽ, mà các DN tỉnh nhà còn nhiều bỡ ngỡ, thị trường Mỹ lại có yêu cầu cao. Hơn thế, so với các DN Trung Quốc, vốn đã hình thành hẳn một hệ thống bán lẻ, thì các DN Việt Nam lại chậm chân hơn. Nhưng các DN đã chủ động tiếp cận thị trường này một cách không dè dặt. Có DN Bình Định, thông qua Cục Sở hữu Công nghiệp, đã tiến hành đăng ký tên thương hiệu ở Mỹ; có DN đang chuẩn bị hình thành chi nhánh tại Mỹ để đáp ứng yêu cầu khách hàng. Ngay trong việc tham gia hội chợ, mới vài năm trước, các DN còn bỡ ngỡ với chuyện đi hội chợ, tính chuyên nghiệp chưa cao; thì nay, họ đã chăm chút hơn với từng mẫu mã, cách bài trí gian hàng. DN chủ động hơn trong việc giới thiệu hình ảnh, thương hiệu của mình với khách hàng.
"Trước đây, chúng tôi đã tham gia hội chợ quốc tế thông qua các công ty thương mại. Nhờ đó, DN học được nhiều về cách trưng bày gian hàng. Nhờ đó, hiện nay, khi DN đã chủ động tham gia các hội chợ quốc tế, cách trình bày của chúng tôi đã bài bản hơn. Nói chung, trưng bày phải đập vào mắt khách hàng, chứ không đơn thuần là bày đồ gỗ" - Giám đốc một DN khẳng định.
Ra biển lớn thị trường thế giới, DN nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của công tác tiếp thị và xây dựng thương hiệu và có những nỗ lực cụ thể trong xây dựng thương hiệu. Điều này khẳng định bước trưởng thành đáng kể của các DN. Nói về vấn đề này, giám đốc một DN khẳng định: "Có lẽ phải mất hàng trăm ngàn USD để xúc tiến thương mại, nhằm làm cho thương hiệu của mình được người tiêu dùng ở nước ngoài chấp nhận, nhưng đó là việc nên làm và phải làm".
Áp dụng các phương thức quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế cũng được các DN Bình Định đặc biệt quan tâm. Đến nay, theo thống kê, 15 DN trong tỉnh được cấp chứng nhận áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài các hệ thống quản lý chất lượng, nhiều DN khác, với ý thức về khả năng tới hạn của mình chưa đủ khả năng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, cũng như khả năng tài chính để được các tổ chức cấp chứng nhận kiểm tra, nhưng cũng quan tâm nâng cao chất lượng ngay trong từng công đoạn sản xuất. Ông Lê Duy Linh, Giám đốc công ty TNHH Mỹ Tài, một DN chế biến gỗ xuất khẩu vừa được cấp chứng nhận ISO trong năm 2003, nhận xét: "Tình hình cạnh tranh giữa các DN sản xuất gỗ tinh chế xuất khẩu ngày càng gay gắt. Để có thể đứng được trên thị trường, ngoài việc tiết kiệm chi phí để hạ giá thành, không có cách gì khác là DN phải áp dụng mô hình quản lý chất lượng có tính chất quốc tế nhằm làm cho sản phẩm chất lượng ổn định và tạo được uy tín trên thị trường".
Cũng do mở rộng thị trường, nhận thấy mặt hàng đồ gỗ nội thất có nhu cầu lớn, trong khi nguyên liệu chỉ là gỗ rừng trồng như thông, gỗ tạp giá rất rẻ, các DN đang rục rịch chuyển hướng sang làm hàng trong nhà. "Trong những năm sắp tới, chỉ làm hàng ngoài trời thì thật sự bế tắc. Giá nguyên liệu đầu vào ngày càng cao, trong khi giá sản phẩm không tăng lại đang bị cạnh tranh mạnh. Bởi thế, chúng tôi quyết tâm đầu tư công nghệ làm hàng trong nhà. Theo cảm nhận của chúng tôi, thị trường mặt hàng này gấp hàng trăm lần hàng ngoài trời, doanh số cao, lại không bị những áp lực về tiêu chuẩn môi trường" - ông Lê Văn Lương, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành, cho biết. Để có bước chuyển hướng này, một số DN đã mạnh dạn đầu tư không ít về tài chính cũng như tiếp cận công nghệ mới, mạnh dạn tìm kiếm thị trường, bạn hàng mới và xúc tiến thương mại thông qua nhiều hướng khác nhau...
Để chứng kiến những bước trưởng thành như vậy, những ngày này, nếu có dịp lên KCN Phú Tài, bạn sẽ chứng kiến không khí làm việc mới. Ngoài sự tấp nập lâu nay của các chuyến xe gỗ, xe container cùng những người công nhân vào ca, là không khí làm việc khẩn trương, công nghiệp, với những quy trình sản xuất được tổ chức lại, chuyên nghiệp hơn. Lại có DN đã xây dựng được show room trưng bày sản phẩm. Tất nhiên, đối tượng phục vụ vẫn chủ yếu là bạn hàng nước ngoài, nhưng nếu hai năm trước đây, tại đây, vẫn là khu nhà làm việc cấp 4, với những vũng bùn nước lầy lội, thì bạn sẽ hiểu: sự chuyển biến đáng kể biết chừng nào.
Tất nhiên, những bước chuyển đó, không phải ở tất cả các DN. Đáng chú ý là trong vấn đề này, các DN Nhà nước lại thường tỏ ra chậm chân hơn DN dân doanh. Nhưng chí ít, nó cũng cho thấy bước trưởng thành ban đầu của các DN Bình Định.
Với những bước trưởng thành như vậy, DN Bình Định ngày càng nâng cao khả năng cạnh tranh, và vững bước hòa nhập vào thị trường thế giới.
THẠCH TRUNG |