Thứ năm, ngày 24/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
SỰ CHUYỂN MÌNH CỦA QUÊ HƯƠNG BÌNH ÐỊNH

Một năm mới nữa lại về, năm 2003. Trong niềm rạo rực đón chào một mùa xuân mới, chúng ta cùng nhìn lại trong năm 2002, quê hương Bình Ðịnh đã có những chuyển biến gì đáng kể.

Ðiều dễ nhận thấy nhất là trong năm 2002, Bình Ðịnh đã khởi công xây dựng một loạt những công trình lớn, những công trình có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển của tỉnh. Ðó chính là nền móng và là những đòn bẩy quan trọng đưa Bình Ðịnh cất cánh trong tương lai. Ðầu tiên là công trình hồ chứa nước Ðịnh Bình, công trình thủy lợi lớn nhất của Bình Ðịnh và là một công trình thủy lợi tầm cỡ của cả nước. Ðịnh Bình có dung tích chứa xấp xỉ 143 hồ chứa nước lớn nhỏ đã xây dựng trong 27 năm qua ở Bình Ðịnh (226,21 triệu m3) và là công trình có tổng mức vốn đầu tư xây dựng lớn nhất của tỉnh từ trước đến nay (tổng vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng). Việc xây dựng công trình thủy lợi Ðịnh Bình không chỉ là niềm vui lớn lao mà còn thỏa mãn được những khát khao, đợi chờ bao nhiêu năm nay của Ðảng bộ và nhân dân Bình Ðịnh.

Tiếp đó là công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội. Sau rất nhiều năm trăn trở và thai nghén về việc xây dựng một tuyến cầu đường vượt qua đầm Thị Nại để có thể “đánh thức” được bán đảo Phương Mai - một vùng đất có nhiều tiềm năng, cuối cùng Bình Ðịnh cũng đã hiện thực hóa được ước mơ ấy: Ngày 3-11, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đã phát lệnh khởi công xây dựng tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội trong vỡ òa niềm vui của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tuyến cầu đường này dài tổng cộng trên 7.000 mét, gồm 1 cầu chính (vượt qua đầm Thị Nại) dài 2.475 mét, rộng 14,5 mét và 5 cầu vừa, khởi đầu từ ngã 3 Ðống Ða (Quy Nhơn) và kết thúc tại bắc núi Hang (bán đảo Nhơn Hội), có tổng vốn đầu tư xây dựng gần 393 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong thời gian 36 tháng. Ngày khởi công xây dựng tuyến cầu đường vượt đầm Thị Nại là một sự kiện đặc biệt và là một dấu ấn đẹp trong lòng mỗi người dân Bình Ðịnh, bởi đó chính là sự khẳng định quyết tâm to lớn của Ðảng bộ và nhân dân Bình Ðịnh trong hành trình chinh phục thiên nhiên, hướng tới tương lai. Việc xây dựng tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội nhằm mở đường cho việc xây dựng khu đô thị mới Nhơn Hội, một khu đô thị hiện đại bao gồm: cảng nước sâu, khu công nghiệp công nghệ cao, khu du lịch sinh thái, khu dân cư, nhà máy điện… qua đó góp phần tạo đà cho Bình Ðịnh phát triển trong những năm tới.

Cùng với 2 công trình lớn này, trong năm 2002, Bình Ðịnh cũng đã khởi công xây dựng hàng loạt những công trình vừa và nhỏ, như: Khu du lịch Bãi Dài, Trung tâm thương mại Quy Nhơn, cầu tàu 30.000 tấn tại cảng Quy Nhơn… Và điều đáng phấn khởi nữa là trong năm 2002, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế của Bình Ðịnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội có nhiều mặt chuyển biến tiến bộ, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội được huy động tốt hơn; đời sống nhân dân nhìn chung tiếp tục được cải thiện; quốc phòng an ninh được củng cố, chính trị xã hội ổn định.

Trước đó, đúng vào dịp kỷ niệm 26 năm ngày giải phóng Bình Ðịnh (31-3-2001), 2 tỉnh Bình Ðịnh và Phú Yên đã tổ chức khánh thành công trình đường Quy Nhơn - Sông Cầu (quốc lộ 1 D). Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 2-9-1997, bắt đầu từ cầu sông Ngang, cửa ngõ vào trung tâm TP. Quy Nhơn, và kết thúc tại xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu (Phú Yên), có tổng chiều dài 33,15 km trong đó 19 km nằm ở đất Bình Ðịnh, đoạn còn lại thuộc về Phú Yên, với kinh phí gần 400 tỷ đồng. Việc xây dựng con đường này không chỉ nhằm mục đích tránh đèo Cù Mông nguy hiểm trên quốc lộ 1, phá vỡ thế độc đạo ra vào TP. Quy Nhơn, rút ngắn 15 km cho quãng đường từ Quy Nhơn đi TP. Hồ Chí Minh, mà trước hết là vì sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất giáp ranh 2 tỉnh Bình Ðịnh - Phú Yên. Sau khi con đường được đưa vào sử dụng, hàng loạt khu du lịch đã mọc lên: Bãi Bàng, bãi Xép, bãi Rạng… để khai thác vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên của một tuyến đường mới, trong đó có khu du lịch có quy mô lớn nhất Bình Ðịnh: Khu du lịch Bãi Dài. Con đường tuyệt đẹp này đã và đang trở thành một con đường du lịch của miền Trung. Qua đó góp phần tạo ra sự biến đổi mạnh trong phát triển du lịch của Bình Ðịnh.

Có thể khẳng định, những kết quả đó, những nỗ lực đó đã tạo ra sự chuyển biến toàn diện trên quê hương Bình Ðịnh, quê hương của “đất võ đường văn”. Và cùng với sự chuyển mình chung của quê hương, Báo Bình Ðịnh, tiếng nói của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Ðịnh cũng có những bước tiến đáng kể. Hiện nay, ngoài 5 số báo in trong tuần, 1 số Nguyệt san cuối mỗi tháng, Báo Bình Ðịnh còn có thêm báo Bình Ðịnh điện tử trên mạng Internet. Ðây là một cố gắng lớn của Báo Bình Ðịnh nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của bạn đọc trong và ngoài tỉnh, qua đó góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển tỉnh nhà. Những dòng thư mà quý vị và các bạn đang đọc đây được chúng tôi thực hiện ngay trên báo Bình Ðịnh điện tử số đầu tiên.

Tham vọng thì nhiều nhưng chúng tôi biết khả năng của mình có hạn. Dẫu vậy, thông qua báo Bình Ðịnh điện tử, chúng tôi hy vọng sẽ làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho quê hương Bình Ðịnh, cho sự phát triển của quê hương Bình Ðịnh - một mảnh đất có truyền thống thượng võ và một tinh thần nhân văn tràn đầy, còn vang vọng âm hưởng của vó ngựa Quang Trung, của tiếng trống tuồng Ðào Tấn, của trường thơ Bình Ðịnh trữ tình, của những chiến thắng lừng lẫy trong hai cuộc kháng chiến… Hy vọng qua báo Bình Định điện tử, những hình ảnh đáng tự hào ấy sẽ đến với các bạn đọc trong và ngoài nước, để bạn đọc trong và ngoài nước hiểu  thêm về đất nước và con người Bình Định, những con người lam lũ và dũng cảm, giầu nghĩa khí, biết trọng đãi hiền tài, biết sống đúng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, biết vươn vai xốc tới đầy bản lĩnh và trí tuệ với tinh thần của thời đại hôm nay; để bạn đọc trong và ngoài nước hiểu thêm rằng đằng sau cuộc sống chưa hết gian lao của người Bình Ðịnh là những trái tim ấm áp nghĩa tình.

Trong hành trình vươn tới sự phát triển toàn diện, Bình Ðịnh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, cùng với quyết tâm và nỗ lực cao của Ðảng bộ, quân và dân Bình Ðịnh, chúng tôi mong muốn quý vị và bạn đọc, những người con của quê hương Bình Ðịnh dù ở bất cứ nơi đâu, cũng hãy luôn nghĩ về quê nhà, hãy cùng chung sức chung lòng, bằng những việc làm thiết thực và cụ thể, góp sức xây dựng quê hương Bình Ðịnh ngày càng giàu mạnh. Mới đây, một người bạn của chúng tôi đang du học tại Hoa Kỳ đã e-mail về tâm sự: “Mỗi khi nghĩ về quê nhà Bình Ðịnh, tôi lại thấy mình có nhiều động lực để phấn đấu, mà trước mắt, tôi cố gắng học thật tốt để sau này có thể đóng góp được gì cho sự phát triển của quê hương”.

Vâng, một Bình Ðịnh giàu mạnh sẽ sớm thành hiện thực nếu tất cả chúng ta cùng chung sức chung lòng vì quê hương, có phải thế không thưa quý vị và các bạn?

Hoàng Bảo

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
NHỮNG TẤM LÒNG CỦA BẠN ĐỌC GẦN XA VỚI BÁO BÌNH ĐỊNH ĐIỆN TỬ  (21/02/2003)
NHỮNG TÍN HIỆU VUI VỀ ĐẦU TƯ VÀ DU LỊCH  (21/02/2003)
MÙA XUÂN MANG BÓNG DÁNG TƯƠNG LAI  (21/02/2003)
SỨC XUÂN HỘI NHẬP  (21/02/2003)
TỪ BÀN TAY TÀI KHÉO CỦA CHA ÔNG  (21/02/2003)
NIỀM TIN TƯỞNG TỪ VIỆC XÉT XỬ VỤ ÁN NĂM CAM  (21/02/2003)
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯA BÌNH ĐỊNH ĐI LÊN ?  (28/02/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn