Những ngày sau Tết Quý Mùi, trên đường phố Quy Nhơn xuất hiện khá nhiều khách du lịch nước ngoài. Nhiều du khách lần đầu tiên đến Quy Nhơn đã tỏ ra ngạc nhiên và cảm thấy rất thích thú trước sự mến khách, năng động của một thành phố nhỏ bên bờ biển xanh ở miền Trung Việt Nam. Chưa hết, khi được đưa đi tham quan các di tích, danh thắng và được thưởng thức các chương trình “đặc sản” của Bình Định như tuồng, nhạc võ Tây Sơn..., nhiều du khách đã quá bất ngờ vì sự phong phú, đa dạng của các tiềm năng du lịch Bình Định, trong đó nhạc võ Tây Sơn đã gây ấn tượng đặc biệt đối với họ. Những du khách này đến Bình Định bằng đường biển, do ngành du lịch Bình Định và công ty dịch vụ lữ hành Sài Gòn phối tổ chức trên cơ sở kết nối các tour du lịch nằm trong tuyến du lịch trọng điểm của quốc gia. Đầu tiên là tàu du lịch quốc tế Astor với 390 du khách (quốc tịch Đức, Úc và nhiều nước Châu Âu) cập cảng Quy Nhơn vào ngày 10-2. Rồi đến tàu du lịch quốc tế Arion mang theo 185 du khách du lịch người Bỉ đến Bình Định vào ngày 24-2.
Cũng trong những ngày sau Tết Quý Mùi, các nhà đầu tư và tư vấn đầu tư của Singapore cũng liên tiếp đến khảo sát để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Nhơn Hội - khu kinh tế mở trong tương lai gần của Bình Định. Đó là các nhà đầu tư thuộc Công ty International Publishing House, một công ty chuyên về quy hoạch đô thị, kiến trúc của Singgapore; và Công ty Asia Amalgamated, một công ty tư vấn và đầu tư cũng của Singapore, có nhiều kinh nghiệm và khả năng kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực thương mại và tài chính. Sau khi khảo sát, các nhà đầu tư Singapore cho rằng về tổng thể, dự án khu Nhơn Hội tương đối hoàn thiện; yêu cầu về việc quy hoạch và thiết kế xây dựng một đô thị bền vững vừa hiện đại, vừa mang đặc trưng văn hóa truyền thống như yêu cầu của tỉnh là hợp lý. Các nhà đầu tư Singapore đã bày tỏ mong muốn được hợp tác và chia xẻ kinh nghiệm với Bình Định trong việc thực hiện dự án này.
Cũng liên quan đến lĩnh vực đầu tư, mới đây, tập đoàn South Ocean (một tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực dệt – len của Hong Kong) đã đề nghị được đầu tư vào Bình Định theo hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài. Theo kế hoạch đã thống nhất với lãnh đạo tỉnh, tập đoàn South Ocean sẽ đầu tư 5 triệu USD xây dựng mới 3 nhà máy dệt len tại Công ty dệt may xuất khẩu Bình Định, Khu công nghiệp Phú Tài và thị trấn Bình Định (An Nhơn). Mỗi nhà máy có quy mô sử dụng từ 1.000 đến 1.500 lao động. Trước mắt, South Ocean sẽ đưa chuyên gia và một số thiết bị để tổ chức đào tạo nghề cho công nhân Việt Nam tại Quy Nhơn nhằm chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực cho 3 nhà máy. South Ocean cũng đã cam kết bao tiêu 100% sản phẩm khi các nhà máy này đi vào sản xuất.
Có thể nói, đó chính là những tín hiệu vui, báo hiệu sự chuyển động tích cực trong lĩnh vực thu hút đầu tư và hấp dẫn khách du lịch của Bình Định. Điều đó còn thể hiện được quyết tâm và sự năng động của Bình Định trong việc kêu gọi đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác, phục vụ cho sự nghiệp phát triển tỉnh nhà. Đáng chú ý, những tín hiệu vui này đều diễn ra sau khi Bình Định tổ chức Hội thảo "Bình Định: Tiềm năng và Hội nhập” nhằm thông tin một cách đầy đủ về tiềm năng, các dự án mời gọi đầu tư, các chính sách khuyến khích đầu tư, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định đến năm 2010 với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, đầu tư và hợp tác kinh tế với tỉnh, qua đó góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Bình Định. Và vì thế, có thể gọi đây là những kết quả bước đầu của Hội thảo mang nhiều ý nghĩa này.
Hy vọng từ sự khởi đầu như vậy, lĩnh vực đầu tư và du lịch của Bình Định sẽ bắt nhịp và chuyển biến nhanh, tạo cho Bình Định một diện mạo mới, hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư và khách du lịch.
. Hoàng Bảo |