Mới chỉ cách đây chưa lâu, một nhà máy chế biến dứa và rau quả xuất khẩu đã chính thức được khởi công xây dựng tại Bình Định. Tin vui này làm nức lòng không chỉ những người dân ở vùng phía Bắc tỉnh, mà còn làm rộn ràng tất thảy những người Bình Định và những người yêu Bình Định. Bởi, phía sau một nhà máy sẽ nên hình và đi vào hoạt động nay mai, sẽ là những vùng cung cấp nguyên liệu hình thành, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, là người nông dân vợi đi nỗi lo canh cánh về đầu ra.
Có lúc, những biến động thị trường dứa trên thế giới, đã phần nào làm e ngại nhiều người về triển vọng của cây dứa, thứ cây trồng không lấy gì làm mới này trên đồng đất Bình Định. Vậy nhưng, với sự kiện động thổ nhà máy này, tiếp thêm một niềm tin với người Bình Định về triển vọng của cây dứa.
Thêm vào đó, theo đánh giá, nhu cầu của thị trường thế giới với sản phẩm dứa có mức tăng trưởng vào khoảng 5%/năm. Theo giới kinh doanh, thị trường nước hoa quả cô đặc, trong đó có dứa cô đặc, là thị trường nhiều tiềm năng nhưng chưa được Việt Nam khai thác, trong khi doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường này.
Bạn đã tiếp nhận tin vui trên đây như thế nào? Còn chúng tôi, khi viết đến những dòng này, trước mắt đã thấy hiển hiện cả một vùng nguyên liệu dứa ngút ngàn với 3.360 ha trải trên các huyện: Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão, Phù Mỹ… Một mảng xanh thật đậm, bên cạnh những mảng khác: màu xanh non của những cánh đồng cỏ phục vụ cho việc nuôi bò sữa làm nguyên liệu cho nhà máy sữa Vinamilk cũng đang dần được thành hình cùng với phong trào nuôi bò sữa của nông dân trong tỉnh. Và kia nữa, màu xanh của vùng mía nguyên liệu của Công ty Đường Bình Định.
Hãy thử hình dung, nếu trước mắt bạn bây giờ là tấm bản đồ Bình Định được tô bằng những mảng xanh ấy, bạn sẽ có một phổ màu xanh nhiều sắc độ tuyệt vời. Không, không chỉ là màu của cỏ cây, của vùng nguyên liệu, dường như đó còn là màu xanh của một cuộc sống tươi mới, thoát nghèo đang đến với người nông dân Bình Định, cùng với những vùng nguyên liệu, phục vụ cho những nhà máy, đã và sẽ thành hình.
Hàng ngàn hộ dân ở các huyện Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Cát… đã có cơ hội thoát nghèo như vậy cùng với chặng đường 8 năm phát triển của Công ty Đường Bình Định. Rồi những hộ dân khác đang thoát nghèo cùng với việc nuôi bò sữa. Phải chăng, rồi đây, tại các huyện phía Bắc tỉnh, những cơ hội đổi đời cũng sẽ đến với nông dân cùng cây dứa?
Phát triển nhà máy gắn với vùng nguyên liệu, hình thành những vùng chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến, đã là sự lựa chọn để đẩy mạnh tốc độ phát triển những vùng quê Bình Định. Và bên cạnh những nhà máy chế biến như vậy, bạn biết không, đã có những xí nghiệp, nhà máy của các ngành nghề khác đã và đang xuất hiện ngày một nhiều hơn ở những vùng quê Bình Định. Đó là những xí nghiệp may xuất hiện ở các huyện An Nhơn, Hoài Nhơn; rồi một điểm công nghiệp mọc lên tại Nhơn Hòa (An Nhơn) với hàng chục doanh nghiệp hoạt động… Những người nông dân mới chân lấm, tay bùn hôm qua, nay đã trở thành những người công nhân đứng máy. Chuyện ca, chuyện kíp; chuyện giờ giấc, kỷ luật công nghiệp có thể chưa quen, nhưng với họ, cuộc đổi đời đã khởi cùng với những nhà máy đang mọc lên.
Ngoài những lý do về việc tận dụng được nguồn nhân công ở các vùng quê, xây dựng nhà máy ở nông thôn là định hướng đúng để từng bước đẩy mạnh tốc độ phát triển các vùng nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa- hiện đại hóa.
Nhưng, ta hãy trở lại với bóng dáng một nhà máy mới sẽ mọc lên tại thôn Thiết Đính, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn và sẻ chia niềm vui với những người nông dân tại các địa phương nằm trong vùng nguyên liệu. Nhà máy mới sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 150- 200 công nhân lao động và khoảng 3.000 nhân công làm việc trong vùng nguyên liệu. Đó không phải là những con số nhỏ. Gắn với những con số đó, là những cơ hội vươn lên khấm khá đang mở ra.
Tuy nhiên, một nhà máy mới cũng đang đặt ra biết bao vấn đề. Trước hết tuy năng suất dứa Cayene về mặt lý thuyết có thể đạt 40 tấn/ha, và vẫn có thể có những vùng lý tưởng trong tỉnh đạt tới năng suất cao này, nhưng về đại trà, năng suất dứa ở Bình Định chỉ có thể bằng 80% năng suất các đïia phương khác. Hơn thế, tuy thị trường sản phẩm dứa có mức tăng trưởng khá nhưng giá dứa lại không ổn định. Trong những năm qua, trên thị trường thế giới, giá nước dứa cô đặc biến động lớn. Bởi vậy, thâm canh tăng năng suất tại những vùng nguyên liệu nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao cạnh tranh; tìm kiếm thị trường để có đầu ra ổn định… vẫn là những công việc cần được tiến hành đồng thời với việc xây dựng nhà máy và phát triển vùng nguyên liệu, đủ cung cấp cho nhu cầu nhà máy dù một thuận lợi rất cơ bản của Nhà máy là sản phẩm sẽ được mang thương hiệu của Tổng Công ty Rau quả Việt Nam và được Tổng Công ty giúp tiêu thụ sản phẩm.
Gắn kết nhà máy và vùng nguyên liệu cũng là nhân tố đảm bảo cho sự hoạt động hiệu quả của nhà máy. Những công việc cần làm vẫn còn bộn bề trước mắt, những công việc của ngày hôm nay, cho một ngày mai: những vùng quê công nghiệp hoá, đang bắt đầu.
. Khải Nhân |