Thứ năm, ngày 24/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
Nhân kỷ niệm 28 năm ngày giải phóng Bình Định (31/3/1975 - 31/3/2003):
BÀI THƠ THÔN NÚI
8:8', 27/3/ 2003 (GMT+7)

Trong ba vạn sáu ngàn ngày của một đời người, có những tháng ngày không thể nào quên được. Trong số những tháng ngày ấy, tôi luôn giữ mãi ký ức về một làng quê khi bầu trời vừa tắt khói bom và tiếng súng, mỗi gia đình quây quần bên mâm cơm sum họp, mâm cơm thấm đẫm hương vị hòa bình. Tất nhiên mỗi gia đình có những mất mát đau thương riêng do hậu quả của cuộc chiến, nhưng không giấu được vẻ rạng ngời của niềm vui chung giữa đất nước ngày toàn thắng. Một không khí hòa bình hết sức cụ thể, sảng khoái thể hiện trong bước đi dáng đứng lời chào, người bám trụ kẻ tản cư, người thoát ly kẻ tập kết gặp gỡ lại ở nơi chôn rau cắt rốn, nghẹn ngào hoan hỉ! Và người dân quê tôi hy vọng dùng lưỡi cày viết lên cánh đồng bài thơ về sự phong túc của mùa màng với những ngôn từ trĩu trịt hoa thơm trái ngọt.

Núi là núi của mình. Sông là sông của mình. Và cả những mơ mộng suy tưởng, nhất quyết là của chính mình. Những ý nghĩ ấy dường như tôi đọc được trên mắt của những người dân đang ôm niềm vui hòa bình thống nhất. Vừa trải qua cuộc chiến tranh dằng dặc, họ thấu hiểu vẻ đẹp bình dị của tiếng cá quẫy trên dòng sông tinh sương, đàn chim về tổ lúc những ngôi sao ban chiều lấp lánh trước đầu núi và đêm xuống, giấc ngủ của họ sẽ được yên ả không còn nơm nớp mùi hầm hố. “Hòa bình rồi, ăn hột muối cũng sướng!” câu nói ấy hơn một lần phát ra trên môi những người hai sương một nắng mà chiến tranh từng gieo xuống đầu họ những gánh nặng khủng khiếp.

Cái thôn nhỏ bên rìa núi của tôi cũng giống như mọi thôn nhỏ dãi dầu và truân chuyên của mảnh đất Bình Định thân yêu, ở đó từng chịu đựng bom tấn pháo bầy, cảnh càn quét, tàn phá, giết chóc xảy ra không hiếm. Quanh ngọn đồi 82, không một căn nhà nào không bị cháy, cây dừa nào không cụt ngọn thì cũng mang đầy thương tích.

Mọi người hăm hở lao vào công việc tái thiết, dựng nhà, khai hoang phục hóa, bắt tay làm lại từ đầu. Bài thơ cuộc sống ở cái thôn nhỏ ấy được hình thành từ những cảm hứng dạt dào nhưng khi thể hiện mới cam go nhọc nhằn làm sao. Dưới những lớp đất dày, trong những lùm gai rậm còn vô vàn mối hiểm nguy chờ chực. Sinh mệnh của những người tay cầm cuốc cầm rựa, lưng đeo mo cơm, đã phải neo vào những thử thách khôn lường. Kẻ địch dù cút thẳng, lật nhào nhưng còn găm mối di họa bằng bom mìn, lựu đạn, chất độc sót lại. Nơi đầu non cuối bãi, thỉnh thoảng một tiếng nổ ùng oàng vang lên, lại bao người chết và bao người tàn phế!

Cho dù thế, ruộng lúa vẫn mượt mà, soi dâu bãi mía vẫn rập rờn, rẫy khoai môn, củ kiệu, đỗ cua vẫn xanh ngăn ngắt. Cảm động làm sao trước một hố bom biến thành ao đìa, hoa súng nở phớt tím và tôm cá lao xao. Cảm động làm sao, trong hốc của cây dừa bị thương, có con chim sáo làm tổ. Tôi nhớ mãi cái mùa cam chín đầu tiên, những trái cam ửng vàng chỉ nhìn mà rưng rưng không nỡ hái. Vườn cam ấy đã cỗi tàn trong chiến tranh, tự dưng nghe hơi người bỗng nứt nhánh đâm chồi và đơm hoa kết trái. Cây tạ ơn người. Và người tạ ơn cây!

Bỗng chốc, đã hăm tám năm trôi qua rồi. Các con tôi nay đã suýt bằng tuổi anh em tôi ngày mới giải phóng. Lúc ấy, tôi đi học, đi bộ năm mười cây số qua sông qua đò cũng chưa thấm mệt. Có chiếc xe đạp trành, trời ơi, như một tài sản quý giá, nghiệm ra có lẽ chấp cả Loncin Lifan bây giờ. Cơm thì cơm độn. Áo thì áo vá. Cuộc miệt mài đèn sách giữa một làng quê còn đầy rẫy khó khăn. Tôi có cái may mắn là không đứt nối trong nghiệp bút nghiên khoa cử và bao nhiêu rau cỏ khoai sắn của làng quê đã nâng bước tôi vào đến giảng đường đại học “Ôi cái thời mười hai mười ba tuổi - Các em đi mót lúa mỗi mùa - Anh đăm đăm với khoa danh chữ nghĩa - Các em thì dãi nắng dầm mưa - Một lát khoai cõng mươi hạt gạo - Thương nồi cơm sùi sụt nhịn nhường - Bóng cha mẹ trong bóng đêm gầy guộc - Con nhà nghèo gắng giữ mạch thư hương”. Hơn nửa thế kỷ trước, những năm mới giải phóng, tôi đã chịu ơn cả một làng quê nghĩa tình, cõng cả khoai khô sắn lát về nơi cố đô trui rèn văn bút.

Bài thơ thôn núi, bài thơ mà cả làng quê tôi chung súc chung lòng viết từ ngày ấy có lẽ mỗi người sẽ tự hoàn thiện bằng tâm trí sức vóc của mình. Mỗi người, trong đó có tôi, là một hạt hồng cầu của lịch sử, một chấm màu trong bức tranh văn hóa quê hương. Chắc chắn không ai không thừa nhận thành quả của công cuộc kiến thiết mở mang đất nước quê hương từ ngày giải phóng đến nay là lớn lao lắm, kỳ vĩ lắm. Cái lớn lao cái kỳ vĩ ấy có sự đóng góp từ mỗi làng quê lặng lẽ và quả cảm, những bàn tay người dân sục vào bùn viết lịch sử và thơ ca bằng những lời lẽ không lên gân, không ồn ào, đằm thắm như hương lúa chín và sâu sắc như gừng cay muối mặn. Họ đang nắm giữ vẻ đẹp giản dị và chất phác của non sông bóng núi, nơi chứa đựng nguồn mạch của tâm hồn Việt, tính cách Việt bốn ngàn năm, vượt qua bao nhiêu lở bồi hưng phế.

Cuộc hội tụ của 28 năm trước ngoài ý nghĩa là cái mốc lớn trong đời sống dân tộc đất nước, là cái mốc lớn của mỗi làng quê, mỗi đời người. Đời mỗi người có mối liên hệ đằm thắm và bền chặt với nguồn sông mạch núi. Khi nhận diện quê hương đến độ nào đó, tôi nhìn rõ gương mặt của chính mình, giữa lấm láp và sáng trong bùn đất với mây trời.

. Nguyễn Thanh Mừng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
CÔNG NGHIỆP HÓA NHỮNG VÙNG QUÊ  (23/03/2003)
VÓC DÁNG MỚI TRÊN QUÊ HƯƠNG  (13/03/2003)
CHO MỘT NGÀY KHÔNG NHƯ MỌI NGÀY  (09/03/2003)
SỰ CHUYỂN MÌNH CỦA QUÊ HƯƠNG BÌNH ÐỊNH  (21/02/2003)
NHỮNG TẤM LÒNG CỦA BẠN ĐỌC GẦN XA VỚI BÁO BÌNH ĐỊNH ĐIỆN TỬ  (21/02/2003)
NHỮNG TÍN HIỆU VUI VỀ ĐẦU TƯ VÀ DU LỊCH  (06/03/2003)
MÙA XUÂN MANG BÓNG DÁNG TƯƠNG LAI  (21/02/2003)
SỨC XUÂN HỘI NHẬP  (21/02/2003)
TỪ BÀN TAY TÀI KHÉO CỦA CHA ÔNG  (21/02/2003)
NIỀM TIN TƯỞNG TỪ VIỆC XÉT XỬ VỤ ÁN NĂM CAM  (21/02/2003)
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯA BÌNH ĐỊNH ĐI LÊN ?  (28/02/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn