Hai mươi tám năm là một quãng thời gian không phải là nhỏ trong đời sống vốn hữu hạn của con người. Nhưng chừng ấy thời gian cũng chỉ như một chớp mắt của lịch sử. Hàng trăm, hàng ngàn người lính đã đến, và rồi lại từ biệt cái xóm nhỏ của chúng tôi để ra đi làm nhiệm vụ trong từng ấy năm qua. Từ ấn tượng mà họ đã tạo ra từ một ngày cách đây đúng hai mươi tám năm, những người lính đóng quân ở doanh trại phía bên kia con đường, trước mặt nhà tôi, bao giờ cũng giữ một vị trí riêng trong lòng tin, trong ký ức ấm áp của người dân xóm tôi.
Buổi sáng đầu tiên, sau ngày giải phóng, một người lính chân đi dép râu, đầu đội mũ tai bèo, tay đeo băng xanh đỏ đến thông báo cho cha tôi biết - Hàng rào thép gai bít bùng nhiều lớp ở phía bên kia đường, trước mặt nhà sẽ được nhổ bỏ để thay vào đó là một lớp hàng rào mỏng, nhà nào cũng phải có trách nhiệm tham gia công việc tháo dỡ này … Sáng hôm ấy, vừa nghe thông báo xong, cả xóm tôi đã ùn ùn chuẩn bị xà beng, cuốc, kìm cộng lực để cắt dây thép, đào các trụ sắt ấp chiến lược … Đến trưa thì những lớp rào vốn vẫn xám xịt một màu ảm đạm được dọn xong. Ngồi trước nhà, chúng tôi đã có thể nhìn thấy tất cả những gì đang diễn ra ở bên kia hàng rào, thậm chí những đứa dạn dĩ còn đến sát hàng rào để xem các chú bộ đội đánh cờ tướng. Ấn tượng đầu tiên của tôi về "Việt Cộng" là họ hiền, dễ trò chuyện, và đặc biệt họ hay cười.
Khác với sự e dè của người lớn, lũ trẻ con chúng tôi lân la làm quen với các chú bộ đội rất mau. Khi nghe chúng tôi gọi là “chú Việt Cộng” tất cả đã cười ồ lên, xoa đầu và bảo - Gọi là chú bộ đội nhé, đừng gọi như thế nữa. Những gì mà lũ trẻ chúng tôi biết được về các chú bộ đội vào buổi sáng thì đến trưa hoặc cùng lắm là đến chiều đã được người lớn lắng nghe kể lại một cách háo hức. Thoạt đầu, thật khó nghe được giọng nói của các chú, nhưng chỉ khoảng một tuần sau chúng tôi đã biết đâu là giọng Nam Định, đâu là giọng Thanh Hóa, và chiếm số đông trong các chú là những người có quê ở Hà Bắc (sau này dân xóm tôi quen gọi đơn vị quân quản ấy là Bộ đội Hà Bắc). Khoảnh đất trống do dãy hàng rào để lại khá rộng, cả xóm rủ nhau biến chỗ đất ấy thành vườn rau, thôi thì đủ các loại rau nào xà lách, húng, quế, rau muống, rau cải, khoai lang… Sát hàng rào nhà nào cũng trồng thêm ổi, đu đủ, dừa… Chiều chiều, lũ trẻ chúng tôi thường chạy sang khoảnh sân trống trước cổng doanh trại để chờ vui chơi, có chú cùng chơi với chúng tôi, nhiều chú khác lại đi vào xóm để thăm hỏi, làm quen với mọi người. Buổi chiều lúc tưới rau, người tưới phía bên này hàng rào vừa làm vừa nói chuyện với người ở phía bên kia. Những chú bộ đội vào xóm chơi được một lát xong cũng hay xắn tay áo cuốc cuốc, xới xới giúp bà con xóm tôi, tiếng nói cười râm ran, nhiều chú vừa làm vừa tâm sự - Bỏ cuốc, bỏ cày lâu rồi, hòa bình xong tự dưng thấy nhớ ruộng nhớ đồng, làm một chút cho vui … Những gương mặt người rạng rỡ, những tiếng trò chuyện đùa vui, tiếng người nói cười của hai mươi tám năm trước chẳng hiểu vì lẽ gì đã tạc sâu trong trí nhớ của một thằng bé con như tôi để mãi đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại, lại thấy bổi hổi bồi hồi như chuyện chỉ mới vừa xảy ra đâu đó hôm qua hôm kia mà thôi.
Đã có lúc chúng tôi cảm nhận được hơi nóng rất gần của chiến tranh. Đó không phải là tiếng súng vọng về đâu đó từ phía nông thôn, cũng không hẳn là bởi hình ảnh những chiếc trực thăng quân sự lên xuống hàng ngày ở sân bay phía bên kia đường Nguyễn Thái Học. Với những người dân xóm tôi phần nhiều đó là hình ảnh những người lính Bắc Việt vừa mơ hồ bởi chưa một lần tiếp xúc nhưng vừa rất rõ ràng trong sự mô tả đầy hung bạo của cơ quan tuyên truyền ngụy Sài Gòn. Vẫn còn hoài nghi là bởi trong tiềm thức của một số người có thân nhân đi tập kết ra Bắc như cha mẹ tôi cứ vọng lên câu hỏi - Dẫu có gì thì cũng người Việt Nam mình da vàng máu đỏ và có lẽ đâu chú Út, anh Hai, bác Ba … lại có thể đổi thay đến thế. Nỗi hoài nghi căng thẳng đến lo âu không dứt, có lúc như đã đến mức hoảng loạn ấy đã nhanh chóng bị xóa sạch sau khi được tiếp xúc những lính hiền lành, thật thà.
Sau này khi đã đủ biết để nhận thức sự việc, những lúc nhớ lại, tôi chợt nhận ra rằng những năm tháng ấy, những người lính ấy không chỉ đã sẻ chia cho những người dân xóm tôi, lũ trẻ xóm tôi tình cảm Nam Bắc một nhà ruột thịt, sự giúp đỡ chân thành mà còn đưa đám trẻ con chúng tôi vào một thế giới văn hóa tinh thần mới mẻ, lạ lẫm và hấp dẫn. Cho đến những năm 1979 - 1981 các phương tiện truyền thông giải trí giáo dục ở Quy Nhơn hãy còn nghèo nàn lắm, phim ảnh hầu như không có, tivi thì cả xóm chỉ có đâu 2 - 3 cái (mà đài thì cũng chỉ phát ở mức bữa có bữa không), sách báo mới thì ít, ngoài số sách báo ít ỏi do các đồng bào Hà Tĩnh tặng (chúng tôi biết nhờ đọc những dòng đề tặng) gần như chúng tôi không có gì để giải trí. Nguồn bổ sung dồi dào nhất cho xóm tôi lúc đó chính là tủ sách, những đợt chiếu phim, biểu diễn văn nghệ của “Bộ đội Hà Bắc”. Chúng tôi đã được xem vô số phim thần thoại mà tôi và những người bạn cùng thời của tôi chắc chắn không quên: Ruxlan và Luxmila, Hoàng tử Prôsa, Mặt trời trắng trên sa mạc, Sáu người đi khắp thế gian… Những bộ phim tài liệu về miền Nam thành đồng anh dũng, về miền Bắc trong công cuộc xây dựng CNXH, về đất về người trên mọi miền đất nước, về Bác Hồ kính yêu. Những thước phim tài liệu được chiếu mở màn trước buổi chiếu chính thức ấy đã đọng lại trong trí nhớ, và dần dần giúp chúng tôi hình dung ra được những người anh em ruột thịt phía bên kia giới tuyến mà lâu nay không phải ai trong xóm tôi cũng biết được. Chúng tôi đã vỡ vạc ra những điều sơ đẳng về cuộc sống mới với sự sẻ chia của những người lính như vậy đó. Cuộc sống thế rồi cũng trở lại với sự đều đặn của nó sau những ngày bắt nhịp đầy hồ hởi. Chúng tôi quen dần với sự có mặt của những người lính miền Bắc, quen với cách đánh dấu thời gian bằng tiếng kẻng (tiếng kẻng này tồn tại mãi cho đến gần cuối năm 1999 và chỉ được Bộ đội Biên phòng Bình Định thay bằng tiếng còi hụ mới đây), quen thức dậy cùng với tiếng bước chân tập thể dục rầm rập mỗi sáng, quen với tiếng loa tiếp phát chương trình của Đài TNVN. Vườn rau hình thành sau ngày giải phóng đã xanh mấy mùa, hàng cây lưu niên mới trồng dạo nào bên hàng rào bắt đầu khép tán và rợp bóng mát cũng là lúc những chú bộ đội yêu quý của chúng tôi lên đường về quê cũ. Từng đợt một, từng đợt chia tay một diễn ra trong bịn rịn.
Ký ức của riêng tôi không thể nhạt nhòa nụ cười rạng rỡ rất hiền của người lính đội mũ cối trò chuyện với cha tôi trước hiên nhà trong một sáng tháng tư không thể nào quên. Các chú Châu, chú Bắc, chú Hà, chú Liêm bây giờ ở đâu, các chú có còn nhớ đến lũ trẻ con ngày xưa của các chú không?
. Bá Phùng |