Chủ Nhật, ngày 13/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
28 NĂM, NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐI VÀ VỀ
17:54', 23/4/ 2003 (GMT+7)

Những lá thư của Sương, cô bạn thân từ nhỏ của Vân vẫn gởi đều về Việt Nam sau ngày biến cố 11-9 ở nước Mỹ. Những lá thư viết đôi khi dày đặc chữ của một người tha phương, không nơi nương tựa, phải ở nhà thuê và bấp bênh trong việc làm. Sương thèm một bước chân về như bao Việt kiều xa quê, để yên lòng vì mình có một giấc ngủ sâu và không bị ám ảnh trong giấc mộng nỗi khổ mất việc. Tôi bảo Vân viết thư sang nói với Sương là dạo này ở Việt Nam Email cũng phổ biến lắm rồi, Email vừa nhanh lại vừa rẻ, nhưng Sương nói già rồi, chẳng biết con chuột vi tính dùng để làm gì thì làm sao Email được. Rồi câu nói này của Sương sao mà chùng sương khói: “Đã 28 năm rồi!”

Ngày đoàn quân giải phóng rầm rộ tiến vào thành phố Sài Gòn 30-4-1975 để bắt đầu cho trang sử mới, ngày mà tôi nghe câu thơ hào sảng của nhà thơ Chế Lan Viên làm lay động cả trái tim: ”Mới năm nào nửa trăng anh cách trở nửa trăng em. Đến sông núi cũng chia làm hai mảnh. Nay tổ quốc đã rằm, cơn hội ngộ. Người đoàn viên mà dân tộc cũng đoàn viên”, ngày mà âm thanh của bài hát: “Tiến về Sài Gòn, trận cuối là trận này” vang dội trên mọi ngõ ngách đường phố; đã có trên 1 triệu người con của đất nước vì nhiều lý do đã lìa xa quê hương. Cái thuở tin đồn Hạm đội 7 của Mỹ đậu ngoài khơi biển Việt Nam đón những người “tị nạn”; những chuyến vượt biên khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh còn khó khăn trăm bề vì mưu sinh hay e ngại “sống chung với Cộng sản”; tiếp theo đó là các chương trình HO, chương trình con lai tạo lên một làn sóng ra đi – đã nhanh chóng qua mau vì những chuyến tàu vượt biên chẳng còn, những chương trình ra đi khép lại. Người từ chối ra đi một phần vì tình yêu quê hương, phần khác cảm nhận rằng không nơi nào yên ổn hay hạnh phúc hơn chính nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Những người ra đi cách đây 28 năm, có thể lúc đó đang ở độ tuổi 20, nay thì nhiều người đầu đã chớm bạc, nỗi khao khát trở về nguồn cội lại càng tăng cao.

Mới ngày nào, hình ảnh Việt kiều về nước là hiện tượng của sự giàu sang. Ngay cả một số ca sĩ đang yên lành trong vinh quang đất Việt cũng đột ngột rời bỏ quê hương sau một chuyến lưu diễn. Bởi khi đó đất nước còn nghèo quá. Nhưng đến nay thì đã 28 năm rồi! Hạnh phúc cho những người được sống trong một xứ sở thanh bình, một đất nước trùng phùng và ngày càng giàu đẹp. Những người ra đi hôm nào giờ đây lại nao nức trở về cũng vì nhiều lý do khác nhau, nhưng rốt cuộc vẫn là khao khát của những bước chân về lại với bước chân.

Tôi đã sống trọn 28 năm cùng đất nước kể từ cột mốc 30-4 của ngày đó. Là cảnh chen nhau mua gạo, đợi tem phiếu, uống ly cà phê quốc doanh phải xếp hàng. Buổi chiều hai vợ chồng mua hai ly nước, ngồi nhìn ra biển mà vui. Là những phiên chợ không có cá, là ngày Tết chẳng quần áo mới và nhiều khó khăn khác nữa. Là chuyện kể về một vài Việt kiều về nước ra đường đụng gì ăn cũng sợ đau bụng, mỗi lần về nước ở nhà phải thuê xe vào tận TP.HCM đón như đón những người nổi danh… Nhưng đó là chuyện năm xưa. Giờ đây có người nếu cho chọn trở về, họ sẵn lòng như thể mình chưa hề có một lần đi. Tại sao? Bởi 28 năm gian nan qua rồi, đất nước chuyển mình kỳ diệu, kinh tế không ngừng tăng trưởng và biết bao người giàu lên từ mồ hôi của chính mình. Những ca sĩ ra đi tưởng có đất dung thân lại trở thành lạc lõng. Người ở lại đem giọng hát phục vụ đồng bào với niềm vui tràn ngập.

28 năm - ăn ngon, mặc đẹp, có tri thức và nghĩ cách làm giàu cho bản thân mình và cho đất nước là những gì đang diễn ra ở hiện tại. Đó là điều mà chính những người tha phương vẫn chưa hình dung nổi nếu không có những chuyến về. Mà suy cho đến cùng cũng chẳng ai cấm mọi người trở về.

Những người bạn của tôi ở xứ người ra đi từ thuở đất nước mới vừa trọn vẹn nay đã già hết rồi. Họ có cuộc sống về vật chất có thể tương đối ổn định sau một phần tư thế kỷ làm lụng ở xứ người. Nhưng ai cũng muốn những ngày cuối đời được trở về với quê hương. Cái họ nuối tiếc chính là những đứa con của họ sinh ra ở xứ người gần như mất đi nguồn cội. Guồng máy xứ người khắc nghiệt khiến cho không ít người thiếu hẳn bữa cơm gia đình. Thói quen gọi điện thăm hỏi khiến cho những cuộc họp mặt ân tình mất đi. Vì thế, cậu bạn tên Tuân của tôi phải phát biểu: “Để có tiền phải cày. Nhưng cày ngày cày đêm nhìn lại mình cũng chỉ là thành phần nghèo của xứ người. Giàu có chăng là đem về Việt Nam ăn chơi, qua đó lại cày”.

28 năm. Mong cho những bước chân đi về nhanh hơn. Mong những người con xa quê cũng bình an mỗi ngày, được nghe tiếng chim hót buổi sáng, được thảnh thơi ngủ vùi một giấc ngày chủ nhật mà không bận tâm đến những món nợ góp phải trả cho một đời người.

. Khuê Việt Trường

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
BÌNH YÊN CHO NHỮNG CON ĐƯỜNG  (15/04/2003)
KÝ ỨC THÁNG TƯ  (11/04/2003)
BÀI THƠ THÔN NÚI  (27/03/2003)
CÔNG NGHIỆP HÓA NHỮNG VÙNG QUÊ  (23/03/2003)
VÓC DÁNG MỚI TRÊN QUÊ HƯƠNG  (13/03/2003)
CHO MỘT NGÀY KHÔNG NHƯ MỌI NGÀY  (09/03/2003)
SỰ CHUYỂN MÌNH CỦA QUÊ HƯƠNG BÌNH ÐỊNH  (21/02/2003)
NHỮNG TẤM LÒNG CỦA BẠN ĐỌC GẦN XA VỚI BÁO BÌNH ĐỊNH ĐIỆN TỬ  (21/02/2003)
NHỮNG TÍN HIỆU VUI VỀ ĐẦU TƯ VÀ DU LỊCH  (06/03/2003)
MÙA XUÂN MANG BÓNG DÁNG TƯƠNG LAI  (21/02/2003)
SỨC XUÂN HỘI NHẬP  (21/02/2003)
TỪ BÀN TAY TÀI KHÉO CỦA CHA ÔNG  (21/02/2003)
NIỀM TIN TƯỞNG TỪ VIỆC XÉT XỬ VỤ ÁN NĂM CAM  (21/02/2003)
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯA BÌNH ĐỊNH ĐI LÊN ?  (28/02/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn