Thứ sáu, ngày 11/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
TĂNG TIỀM LỰC VĂN HÓA CHO DU LỊCH
9:31', 6/5/ 2003 (GMT+7)

Chưa bao giờ ngành du lịch Bình Định lại hội được những điều kiện thuận lợi để tăng tốc như thời điểm hiện nay. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XVI đã xác định quyết tâm: “Đưa ngành du lịch tăng trưởng với nhịp độ cao, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”.

Hẳn bạn cũng biết, thời gian qua, thực lực của ngành du lịch Bình Định đã được đầu tư đáng kể. Ngoài 20 khách sạn hiện có, một số khách sạn mới đang được đầu tư, trong đó có cả loại 4 sao. Rồi các dự án: Khu du lịch Ghềnh Ráng; khu du lịch Bãi Dài… sẽ được xây dựng. Hàng loạt khu du lịch khác như khu du lịch Núi Bà, khu du lịch Hầm Hô, Núi Một… sẽ được quy hoạch chi tiết và tiến hành đầu tư từng bước.

Ngoài ra, trong tương lai khi cầu qua Nhơn Hội hoàn thành, cùng con đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan, những bãi tắm đẹp dọc theo tuyến biển sẽ được khai thác và tạo thêm những sức hút mới cho ngành du lịch Bình Định.

Tuy nhiên, môi trường du lịch, một yếu tố tác động lớn đến hiệu quả của hoạt động du lịch, nhưng lại bao gồm những yếu tố không do ngành du lịch chi phối. Ngoài môi trường thiên nhiên, môi trường kinh tế-xã hội thì môi trường văn hoá được xem là yếu tố hàng đầu cần phải kể đến.

Nhìn nhận như vậy để bạn đồng ý với tôi rằng, những đầu tư nói trên của ngành du lịch mới chỉ dừng lại ở những yếu tố cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động du lịch như: khách sạn, nhà hàng… Những yếu tố này rất quan trọng, nhưng không có tác dụng giữ chân khách trong một tour dài ngày. Trên thực tế, một thời gian dài, Quy Nhơn chỉ như là trạm dừng chân nghỉ đêm của du khách trên tour xuyên Việt.

Quyết định mua sản phẩm du lịch của du khách chỉ có thể có nếu ngoài những điều kiện phục vụ, còn có những điều mới lạ bổ ích cho sự nghỉ ngơi, làm giàu tri thức. Những đền tháp Chăm, những chuyến xe ngựa lộc cộc đi về, dạo qua những làng nghề đất vua An Nhơn, và cả những làng võ tái hiện một phần tinh thần thượng võ của người Bình Định… bao giờ cũng mang một sức hút riêng của nó, nhưng lại chưa được khai thác triệt để và chưa được đầu tư đúng mức.

Lý giải điều này, một quan chức trong ngành du lịch đã than thở: Bình Định không có những yếu tố đặc sắc để thu hút du khách.

Nhưng họ, những người làm du lịch, dường như quên mất rằng Bình Định đang sở hữu một bảo tàng kiến trúc, điêu khắc Chăm ngoài trời sống động và độc đáo, đó chính là những đền - tháp Chăm. Rồi những làng nghề và những sản phẩm mang hàm lượng văn hoá đậm đặc, những làng võ, những lễ hội: Quang Trung (Tây Sơn), đổ giàn (Nhơn Phúc- An Nhơn)… luôn có sức thu hút lớn với du khách.

Muốn du lịch Bình Định cất cánh, chỉ đầu tư cho hạ tầng du lịch, chạy theo mốt hiện đại không thôi chưa đủ. Hơn nữa, đầu tư cho những yếu tố này ngay trong một lúc không thể làm được và khó cạnh tranh nổi với thị trường du lịch không chỉ các nước khác, mà ngay cả với các trung tâm du lịch lớn trong nước.

Nhằm tăng tiềm lực văn hóa cho du lịch, thời gian gần đây, Bình Định đã tiến hành trùng tu hàng loạt các di tích lịch sử - văn hóa quan trọng, tiêu biểu là các tháp Đôi, tháp Bánh Ít, và đang đề nghị trùng tu tháp Dương Long. Nếu có dịp ghé thăm lại những đền- tháp này, bạn sẽ thấy bất ngờ vì diện mạo mới của chúng. Có lẽ sẽ còn nhiều vấn đề cần bàn về phương pháp và cách thức trùng tu, tuy nhiên, điều có thể khẳng định chắc chắn: cổ tháp - những viên ngọc quý của văn hoá Chăm - đã được hồi sinh.

Đồng thời, để tạo nên sức hút mạnh mẽ hơn cho hoạt động du lịch Bình Định, trong dịp Tết Giáp Thân - 2004, Lễ hội kỷ niệm 215 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2004) sẽ được tổ chức trang trọng, vui tươi, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong hai ngày mùng 4 và 5 Tết (tức 25 và 26-1-2004), sẽ có rất nhiều hoạt động lễ và hội đặc sắc được tổ chức trong dịp này như tổ chức trò chơi dân gian tại các danh thắng; bắn pháo hoa tầm thấp (15 phút) và biểu diễn văn nghệ với quy mô hoành tráng, hát hò đối đáp giữa các đội thuyền và thả đèn trên sông (khoảng 1.000 chiếc) tại cầu Kiên Mỹ; sẽ tái hiện quang cảnh lễ lên ngôi của vua Quang Trung, lễ xuất quân Tây Sơn và ca khúc khải hoàn; biểu diễn võ dân tộc tập thể… Ngoài mục tiêu ôn lại truyền thống quật khởi của phong trào nông dân Tây Sơn; thông qua lễ hội sẽ giới thiệu Bảo tàng Quang Trung là điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh và quốc gia nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Lễ hội lần này cũng như hàng loạt lễ hội văn hóa ở các địa phương khác trong cả nước đã được tổ chức thời gian qua: Lễ hội văn hóa Quảng Nam “hành trình di sản”, Lễ hội kỷ niệm 350 năm Khánh Hòa, Lễ hội văn hóa Hạ Long... chính là cách tiếp thị hình ảnh địa phương độc đáo và cũng không ngoài mục tiêu đưa Bình Định trở thành điểm đến của hoạt động du lịch trong tương lai.

Tất cả đã sẵn sàng cho một sự cất cánh của ngành du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Định trong tương lai.

. Khải Nhân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
LÂU LẮM SAO BẠN KHÔNG VỀ THĂM QUÊ ?  (28/04/2003)
28 NĂM, NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐI VÀ VỀ  (23/04/2003)
BÌNH YÊN CHO NHỮNG CON ĐƯỜNG  (15/04/2003)
KÝ ỨC THÁNG TƯ  (11/04/2003)
BÀI THƠ THÔN NÚI  (27/03/2003)
CÔNG NGHIỆP HÓA NHỮNG VÙNG QUÊ  (23/03/2003)
VÓC DÁNG MỚI TRÊN QUÊ HƯƠNG  (13/03/2003)
CHO MỘT NGÀY KHÔNG NHƯ MỌI NGÀY  (09/03/2003)
SỰ CHUYỂN MÌNH CỦA QUÊ HƯƠNG BÌNH ÐỊNH  (21/02/2003)
NHỮNG TẤM LÒNG CỦA BẠN ĐỌC GẦN XA VỚI BÁO BÌNH ĐỊNH ĐIỆN TỬ  (21/02/2003)
NHỮNG TÍN HIỆU VUI VỀ ĐẦU TƯ VÀ DU LỊCH  (06/03/2003)
MÙA XUÂN MANG BÓNG DÁNG TƯƠNG LAI  (21/02/2003)
SỨC XUÂN HỘI NHẬP  (21/02/2003)
TỪ BÀN TAY TÀI KHÉO CỦA CHA ÔNG  (21/02/2003)
NIỀM TIN TƯỞNG TỪ VIỆC XÉT XỬ VỤ ÁN NĂM CAM  (21/02/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn