Vậy là chỉ còn đúng một tháng nữa, Việt Nam sẽ giảm thuế một loạt mặt hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN. Khi ấy, mức thuế cao nhất của các mặt hàng này chỉ còn 20%, tức bằng một nửa so với hiện nay. Việc hạ thuế đột ngột, tất nhiên, sẽ tác động mạnh đến những doanh nghiệp (DN) lâu nay được bảo hộ mạnh bằng hàng rào thuế quan.
Thời gian không chờ đợi chúng ta.
Và với ý thức ấy, các DN Bình Định, không ít thì nhiều, đang gồng mình chuẩn bị đối mặt với thử thách.
Giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh doanh, cải tiến việc quản lý, sắp xếp lại nhân lực và thực hiện các biện pháp tiết kiệm như áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO là sự lựa chọn chung của các DN. Không phải ngẫu nhiên, càng về cuối mốc lộ trình, con số các DN trong tỉnh áp dụng quy trình ISO ngày càng nhiều.
Giải thích về vấn đề này, ông Lê Duy Linh, Giám đốc công ty TNHH Mỹ Tài (Quy Nhơn), nhận xét: “Tình hình cạnh tranh giữa các DN sản xuất gỗ tinh chế xuất khẩu ngày càng gay gắt. Để có thể đứng được trên thị trường, ngoài việc tiết kiệm chi phí để hạ giá thành, không có cách gì khác là DN phải áp dụng mô hình quản lý chất lượng có tính chất quốc tế nhằm làm cho sản phẩm chất lượng ổn định và tạo được uy tín trên thị trường và từ đó, từng bước gây dựng thương hiệu”.
Bên cạnh đó, các DN đã mạnh dạn đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh. Đối với các DN gỗ, là đầu tư thiết bị làm hàng trong nhà. Theo đánh giá của họ, thị trường mặt hàng này làm không hết việc. Nguyên liệu gỗ rừng trồng giá rẻ, doanh số cao, lại không bị những áp lực về tiêu chuẩn môi trường. DN thuộc các ngành: chế biến thủy sản, may mặc, da giày… vẫn đang trong quá trình tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh, tiếp cận thị trường mới.
Đầu tư mạnh để chuyển hướng, là cách vượt qua rào cản, để không chỉ dừng ở phòng thủ trên sân nhà mà tiến công sang các thị trường mới. Bên cạnh đó, các DN còn mạnh dạn tìm kiếm thị trường, bạn hàng mới và xúc tiến thương mại thông qua nhiều hướng khác nhau...
Nhưng những sự chuẩn bị này không hoàn toàn đồng đều giữa các DN và các thành phần kinh tế. Vẫn còn những DN tỏ ra chậm trong những thay đổi trước những đòi hỏi mới từ thị trường. Trong đó, ngay một số DN sản xuất hàng tiêu dùng, sản phẩm vẫn chưa đứng được ngay tại sân nhà. Chất lượng thấp, mẫu mã không phong phú, nhất là chưa xây dựng được một thương hiệu đủ mạnh, đó là nguyên nhân căn bản của sự chậm chân này.
AFTA vừa là một thách thức, cũng sẽ mở thêm cơ hội để các DN vươn lên, nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập sân chơi toàn cầu. Đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng, chỉ những DN nào biết chủ động vươn lên, mới có thể đứng vững trên thị trường. Còn những DN chỉ trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, tất yếu sẽ bị gạt ra ngoài sân chơi. Hơn bất cứ áp lực nào, mậu dịch tự do sẽ bắt buộc các DN phải có sản lượng và lợi tức tối ưu, như vậy, mới có thể đạt tới mục tiêu “dân giàu nước mạnh”.
Muốn bay lên thì trước hết phải biết vươn vai, “tập thể thao” thì may ra mới đủ sức bay nhảy theo vũ điệu toàn cầu và toàn vùng với thiên hạ, phải không ạ?
. Khải Nhân
|