Từ đầu năm đến nay, lượng hàng hóa qua Cảng Quy Nhơn đạt 860 ngàn tấn, tăng gần 30% so cùng thời điểm này năm trước. Một số mặt hàng qua cảng tăng so với trước đây là: nông sản, lâm sản chế biến xuất khẩu và gỗ tròn, phân bón nhập khẩu. Nguyên nhân chính của việc hàng qua cảng trong năm nay tăng cao là kinh tế của khu vực Trung trung bộ và Tây nguyên có bước phát triển, đặc biệt là các mặt hàng nông sản tăng giá nên nông dân đầu tư nhiều cho cây trồng. Theo dự báo, trong tháng 6, lượng hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn sẽ đạt mức xấp xỉ 200 ngàn tấn và khả năng có một triệu tấn hàng hóa thông qua cảng trong 6 tháng đầu năm là hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Lượng hàng thông qua là một trong những yếu tố cơ bản để đánh giá mức phát triển của một thương cảng. Nếu năm 2000 cảng Quy Nhơn ngấp nghé ở ngưỡng 2 triệu tấn/năm thì năm 2001, do khủng hoảng kinh tế khu vực, lượng hàng thông qua cảng Quy Nhơn đã giảm hơn so với năm trước khoảng 15%. Năm 2002, đà tăng trưởng phục hồi, dẫu còn chậm nhưng việc kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ đã tác động tích cực đến mức tăng trưởng của cảng. Vượt qua những trở ngại, lộ trình phát triển của cảng vẫn không bị gián đoạn và niềm hy vọng về một năm 2003 thành công đã bắt đầu thành hình.
Có thể hình dung sức phát triển của cảng Quy Nhơn qua hình ảnh những cây cọc móng đang được găm sâu vào lòng biển mỗi ngày trên công trường xây dựng cầu cảng mới. Việc cảng Quy Nhơn có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 tấn sẽ cho phép cảng khai thác thêm những ngành hàng mới. Cước phí vận chuyển của loại tàu trọng tải lớn nhờ cầu cảng mới sẽ giảm xuống khá nhiều. Trước đây tàu nước ngoài thường cập cảng Sài Gòn sau đó sang mạn qua những tàu nhỏ hơn để mang ra Quy Nhơn, nhưng sắp tới họ có thể vào trực tiếp. Mặt khác, do loại tàu trọng tải lớn chở được nhiều loại hàng đang có xu hướng được nhiều hãng vận tải biển tăng cường nên khả năng kinh doanh của cảng cũng rộng mở hơn. Theo đánh giá của giới chuyên môn, xét về yếu tố kín gió tự nhiên thì các cảng Kỳ Hà (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định) và Cam Ranh (Khánh Hòa) ở giữ vị trí hàng đầu. Tốc độ sa bồi luồng vào cảng Quy Nhơn rất thấp, việc nạo vét lại dễ tiến hành, chi phí thấp. Cung đường từ khu vực Đông Bắc Campuchia, Hạ Lào và Tây Nguyên về các cảng biển miền Trung (Đà Nẵng, Quy Nhơn, Kỳ Hà, Nha Trang...) xấp xỉ nhau nhưng tốc độ lưu thông về phía Quy Nhơn vẫn nhanh nhất vì quốc lộ 19 vẫn là con đường tốt nhất. Vì thế dù có nhiều cảng được đầu tư để đón cơ hội thì cảng Quy Nhơn vẫn có nhiều lợi thế hơn cả.
Cảng Quy Nhơn không có nguồn hàng chủ lực để đảm bảo mức tăng trưởng cơ bản như gạo, phân bón với cảng Sài Gòn, sắt thép với cảng Hải Phòng. Ngay như cảng Đà Nẵng cũng có nguồn hàng ổn định là clinker, nhiên liệu cho các nhà máy ở Bắc miền Trung... Tuy nhiên yếu tố bất lợi đó đã kích thích khả năng tìm kiếm nguồn hàng rời của đơn vị này. Không ngành hàng chủ lực, nhưng hàng gì cũng có một ít nên khi mất một nguồn nào đó, ảnh hưởng cũng không nghiêm trọng...
Từ đầu năm đến nay cảng Quy Nhơn đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng để trang bị thêm các thiết bị làm hàng hiện đại như cần cẩu tự hành, xe nâng, máy xúc… đồng thời tiến hành xây dựng thêm hơn 20 ngàn m2 bãi hàng, nâng tổng diện tích bãi mà cảng hiện có lên 134 ngàn m2. Nhờ tập trung đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, hiện nay năng lực làm hàng của cảng ở mức trên 13 ngàn tấn/ngày, gấp đôi so với cách đây 5 năm. Không thỏa mãn với những lợi thế được tạo hóa dành cho, cũng không dừng lại ở những kế hoạch nâng cấp thiết bị sản xuất, cảng Quy Nhơn đã vào cuộc cạnh tranh bằng chất lượng phục vụ, chi phí cạnh tranh... Để làm được điều này, trong nhiều năm qua, cảng đã triển khai chiến lược phát triển nhân lực bám sát lộ trình phát triển của cảng.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, do hiệu quả kinh tế cao, đến nay có đến 60% khối lượng hàng rời thu gom trên địa bàn miền Trung đã được xuất khẩu thông qua cảng Quy Nhơn. Năm 2002 cảng Quy Nhơn đã về đích trước 25 ngày so với kế hoạch ban đầu, tổng lượng hàng thông qua cảng cả năm 2002 khoảng 1,5 triệu tấn. Việc đánh giá đúng sức phát triển của kinh tế khu vực, tiên liệu được nhu cầu xuất nhập của hàng hóa thông qua cảng đã tạo tiền đề để cảng Quy Nhơn đẩy nhanh tiến độ hội nhập vào hệ thống cảng biển quốc tế. Và rõ ràng lộ trình mà cảng Quy Nhơn đang đi đã ngày một khởi sắc.
. Bá Phùng
|