Vậy là, Hội thảo Bình Định: Tiềm năng và cơ hội đầu tư - kinh doanh sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 6 này. Dự kiến, sẽ có khoảng 30 doanh nghiệp (DN) của châu Âu tham dự Hội thảo với các DN Bình Định. Ngoài gặp gỡ, trao đổi giữa các DN, Hội thảo còn là cơ hội để giới thiệu tiềm năng, các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh… Hội thảo lần này là cơ hội lớn tạo điều kiện cho các DN trong tỉnh xâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu. Đây cũng là một trong những bước đi cụ thể của tỉnh, thể hiện tinh thần chủ động hội nhập vào nền kinh tế quốc tế.
Tạm lắng tâm trạng náo nức trước một sự kiện có ý nghĩa quan trọng như vậy, chúng ta hãy cùng dõi lại tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh thời gian qua.
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, Bình Định đã bước đầu triển khai và đạt được một số kết quả nhất định.
Trước hết đó là những thành công trong việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và đối tác thương mại đã trở thành một hướng đi quan trọng. Hiện nay, Bình Định có quan hệ buôn bán với 44 nước và lãnh thổ kinh tế. Nhờ vậy, 10 năm qua, Bình Định đã tăng mức kim ngạch thương mại quốc tế lên 12,8 lần, tức là từ 8,3 triệu USD năm 1990 lên 103 triệu USD vào năm 2000, và tăng gấp 4,8 lần so với năm 1995.
Bên cạnh đó, Bình Định bước đầu đã thu hút được 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 34 triệu USD. Con số này có thể là nhỏ so với một số trung tâm, nhưng nếu so với vài năm trước thì đã là một cố gắng rất lớn.
Tuy nhiên, nhìn lại nền kinh tế của tỉnh, người Bình Định không khỏi lo âu khi nhận thấy rằng, nhìn chung, cơ cấu kinh tế tỉnh nhà còn chậm chuyển đổi thích ứng với điều kiện hội nhập, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; trình độ công nghệ và trang thiết bị còn lạc hậu, chậm đổi mới, tay nghề và năng suất lao động thấp. Thu hút đầu tư nước ngoài vẫn còn ít, quy mô nhỏ, hiệu quả thấp... Nghĩa là, trước thời điểm hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, Bình Định vẫn còn nhiều việc phải làm.
Nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế và của từng DN đang trở thành một thách thức lớn trên đường hội nhập. Bình Định đã xác định: đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ thẩm định lại một cách toàn diện những mục tiêu, giải pháp chủ yếu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế từng ngành, từng lĩnh vực, gắn điều chỉnh cơ cấu đầu tư với đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch và xuất khẩu.
Cụ thể hóa những bước đi hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, Tỉnh ủy Bình Định đã có Kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế; UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm trưởng ban; phân công chức năng cụ thể của từng thành viên, nhất là phân công cho một số thành viên theo dõi công tác hội nhập kinh tế quốc tế ở các huyện, thành phố trong tỉnh.
Và để giới thiệu tiềm năng và các chủ trương kêu gọi đầu tư của tỉnh, Bình Định đã tổ chức thành công Hội chợ- Hội thảo Bình Định tiềm năng và hội nhập vào đầu năm 2003 và sắp tới đây, sẽ là hội thảo Bình Định: Tiềm năng và cơ hội đầu tư - kinh doanh.
Bằng những việc làm như vậy, Bình Định đã xác định cho mình hướng đi tất yếu là chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Chỉ có chủ động mới không bỏ lỡ thời cơ. Chỉ có chủ động mới vững bước tiến mạnh, vững chắc và gặt hái được nhiều thành quả. Và một trong những thách thức, cũng là cơ hội ấy, như chúng ta đã cùng chia sẻ trong Thư Quy Nhơn- Bình Định kỳ trước, đó là từ 1-7 này, cơ chế AFTA bắt đầu có hiệu lực và Việt Nam sẽ giảm thuế một loạt mặt hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN. Khi ấy, mức thuế cao nhất của các mặt hàng này chỉ còn 20%, tức bằng một nửa so với hiện nay.
Tự tin, vững bước trước mọi thời cơ và thách thức, nền kinh tế tỉnh nhà hẳn sẽ vượt qua những thách thức, gặt hái được những thành tựu khả quan.
. Khải Nhân
|