Thứ sáu, ngày 11/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
ĐEM THIÊN NHIÊN VÀO PHỐ
17:17', 15/7/ 2003 (GMT+7)

Bạn bảo: sau mười mấy năm mới có dịp quay trở về Quy Nhơn. Thành phố thân yêu đã đổi thay đến bất ngờ, những con đường mới mở, những cụm dân cư mới được quy hoạch, những công trình kiến trúc mọc lên…

Bạn nói: chỉ tiếc mỗi một điều, rằng bây giờ, đi trên đường phố Quy Nhơn tấp nập, giữa những ngày hạ, đã không còn nghe tiếng ve ran, tiếng chim hót rộn ràng như xưa nữa.

Rồi bạn hỏi tôi, rằng có nhớ tiếng ve rền rền, tiếng chim líu lo trên những ngọn xà cừ, ngọn me dọc trên những con đường. Tiếng ve như âm thanh của một bản nhạc kỳ diệu tấu từ trời cao, dành riêng cho mấy cô, cậu học trò thơ thẩn dọc trên những con đường vàng nắng hạ. Nhớ tiếng ve, là hồi tưởng lại những kỷ niệm ấp ôm mãi trong tâm hồn, luôn đi theo ta trong suốt cả một cuộc đời.

Ừ nhỉ! Bạn nhắc tôi mới nhận ra, rằng đã lâu lắm rồi, những con đường Quy Nhơn dần thưa vắng những thanh âm của thiên nhiên ấy. Mải mê tâm trí theo những toan tính thường nhật, dường như chúng ta đã quên phứt đi mất cái những âm thanh mà thiên nhiên kỳ diệu dâng tặng cho con người.

Và tôi cùng bạn, đã có một ngày dài, hồi tưởng những kỷ niệm… ngày xưa. Và trong tôi, trong bạn, không khỏi có những tiếc nuối về những thanh âm đang có nguy cơ mất dần cùng nhịp sống đô thị. Chẳng lẽ, đó là tất yếu của quá trình phát triển đô thị? Rằng khi những đường phố mới, những ngôi nhà mới mọc lên ngày càng nhiều, thì cũng đồng nghĩa với sự xa vắng của những thanh âm ấy? Chẳng lẽ chúng ta phải hy sinh thiên nhiên để nhường chỗ cho những công trình? Để rồi cuối cùng, chúng ta chỉ còn cách nghe những âm thanh này trên những chiếc điện thoại di động?

Làm sao để giữ lại những nét thiên nhiên ngay trong lòng đô thị, vừa tạo cho đô thị tính bản địa – cốt lõi của bản sắc kiến trúc đô thị – vừa mang tính hiện đại, băn khoăn đó không chỉ của riêng tôi, riêng bạn, mà còn là tâm niệm chung của tất cả những ai đã và đang sống, gắn bó với thành phố này.

Nhưng bạn ơi, khi chúng ta còn thở vắn than dài về sự xa vắng của thiên nhiên trong đô thị, thì đã có những người miệt mài với những dự án nhằm trả lại màu xanh cho đô thị, đem thiên nhiên vào phố. Dự án khôi phục hệ sinh thái Cồn Chim trên đầm Thị Nại là một ví dụ. Dự án này là bước đi đầu tiên trong nỗ lực trả lại môi trường sinh thái cho đầm Thị Nại. Để rồi ngay giữa lòng thành phố Quy Nhơn, sẽ là một lá phổi xanh, một di sản xanh. Đô thị Quy Nhơn khi ấy, không những xanh hơn, đẹp hơn mà sẽ hấp dẫn hơn với du khách bằng những hoạt động du lịch sinh thái trên đầm Thị Nại.

Thật ra, ý tưởng về khôi phục hệ sinh thái nước trong đô thị đã được triển khai và tiếp thu ở rất nhiều nước trên thế giới. Hệ sinh thái nước sẽ gắn kết lại mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên; rồi phát triển nông nghiệp trong đô thị tại một diện tích giới hạn nào đó cũng sẽ đem con người gần hơn với đất. Hồi sinh của những hệ sinh thái tự nhiên như vậy, sẽ phát triển sức sống, thể chất sinh thái và sự phát triển bền vững tổng quan lâu dài của đô thị. Và Quy Nhơn, một thành phố vốn có cảnh quan đẹp, với những đường nét thiên nhiên vừa lãng mạn, vừa hoành tráng, sẽ phát triển bền vững, nếu ngay từ bây giờ, chúng ta toan tính cho những dự án như vậy.

Bên cạnh đó, ngoài hệ thống công viên vườn hoa hiện có, từ nay đến năm 2010, Quy Nhơn sẽ hình thành mới các công viên: công viên Phú Hòa (149 ha), công viên rừng Bà Hỏa (260 ha), công viên biển (36,9 ha), công viên Hà Thanh (50 ha), công viên Bàu Lác (100 ha), công viên Nhơn Lý (200 ha). Khu vực núi Phương Mai, Vũng Chua, Hòn Chúa đều xây dựng thành lâm viên phục vụ du lịch sinh thái của thành phố. Nhờ vậy, sẽ nâng diện tích đất cây xanh, công viên, thể dục thể thao từ 106,3 ha, bình quân 4,8 m2/người như hiện nay lên 320 ha, bình quân 10 m2/người vào năm 2010 và 495 ha, bình quân 11 m2/người vào năm 2020. Nhưng đó là chuyện của tương lai. Còn hiện nay, nếu bạn có dịp đi dọc các con đường An Dương Vương, Nguyễn Tất Thành, những bùng binh cây xanh, những mảng màu hoa lá tràn ra đại lộ, rồi những công viên nối sát công viên…

Tất nhiên, những việc làm trên đây chỉ có thể xem như những bước khởi đầu đem thiên nhiên vào phố. Vẫn còn nhiều công việc đang đặt ra với chúng ta, với từng người dân Quy Nhơn, trên con đường đi tới sự hài hòa giữa thiên nhiên và đô thị.

Để rồi khi nào, bạn lại về thăm quê, tôi và bạn sẽ theo những chuyến đò, dọc ngang trên mặt đầm, giữa khung cảnh trời nước bao la, mà hai bên là thành phố Quy Nhơn soi mình bên mép sóng. Không chỉ tiếng ve ran trên những công viên, hàng cây ven đường trong thành phố, bạn còn có thể bình thản ngắm những đàn cò chao mình trên mặt đầm giữa một chiều Thị Nại.

Tôi có quá lãng mạn quá không khi vẽ lên trong tương lai một viễn ảnh như vậy? Nhưng có bước đột phá nào lại không khởi đầu bằng những toan tính, mà mới nghe qua, tưởng là rất lãng mạn. Chính những ước mơ đó, mới tạo thành động lực thúc đẩy chúng ta hành động, ngay từ thời điểm hiện tại.

Và tôi tin, cũng như người Quy Nhơn đang tin: ngày ấy không còn xa.

. Khải Nhân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG   (07/07/2003)
TUỔI RẤT XANH VÀ TRÁI TIM RẤT NÓNG   (30/06/2003)
KHÔNG BỎ LỠ THỜI CƠ  (23/06/2003)
QUY NHƠN: ĐÓN CHÀO SĨ TỬ  (16/06/2003)
CẢNG QUY NHƠN VƯƠN MÌNH RA BIỂN ĐÔNG  (11/06/2003)
MỘT THÁNG NỮA ĐẾN AFTA  (06/06/2003)
NÁO NỨC MÙA THI  (27/05/2003)
CHUẨN BỊ ĐƯỜNG BĂNG  (19/05/2003)
LÀM CHO DÂN CÓ CHỖ Ở  (12/05/2003)
TĂNG TIỀM LỰC VĂN HÓA CHO DU LỊCH   (06/05/2003)
LÂU LẮM SAO BẠN KHÔNG VỀ THĂM QUÊ ?  (28/04/2003)
28 NĂM, NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐI VÀ VỀ  (23/04/2003)
BÌNH YÊN CHO NHỮNG CON ĐƯỜNG  (15/04/2003)
KÝ ỨC THÁNG TƯ  (11/04/2003)
BÀI THƠ THÔN NÚI  (27/03/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn