Thứ hai, ngày 7/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
KHỞI SẮC VÙNG CAO
17:15', 28/7/ 2003 (GMT+7)

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, có dịp lên xã vùng cao Boktới, huyện Hoài Ân, chúng tôi đã thật sự ngạc nhiên với những con đường mang áo mới. Boktới không còn xa. Đi từ trung tâm huyện lỵ Hoài Ân lên Boktới bằng xe máy cũng chỉ mất non tiếng đồng hồ. "Thật là vượt quá ước mơ" - anh bạn cùng đi nhận xét vậy.

Còn mới đây, một đồng nghiệp của chúng tôi, lên Hà Ri, cũng đã rất ngạc nhiên trước một luồng sinh khí mới đã thổi qua những cánh rừng Hà Ri khi lần đầu tiên đồng bào dân tộc thiểu số được cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên.

Về với An Lão, bạn sẽ bất ngờ trước phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại ở đây. Nếu những năm 1997 về trước, phong trào kinh tế VAC mới phát triển An Hòa và An Tân, hai xã có đông người Kinh sinh sống, quy mô không lớn, thì từ năm 1997 trở lại đây, ngoài diện tích sản xuất lúa nước, cây lương thực, mỗi hộ đồng bào còn quy hoạch cho gia đình một vườn nhà hoặc vườn đồi trồng cây công nghiệp dài ngày, cây lấy gỗ và các cây ăn quả khác. Sau khi được tập huấn về kỹ thuật cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, xây dựng ô dinh dưỡng… người nông dân còn được vay vốn từ nguồn Quỹ giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, vốn của một số ngành trong tỉnh để đầu tư cải tạo vườn tạp, làm kinh tế VAC và kinh tế trang trại, tạo ra những bước đi có tính đột phá cho việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất.

Và còn nhiều, rất nhiều những đổi thay đã và đang diễn ra ở vùng cao của tỉnh những năm trở lại đây. Có dịp, bạn hãy cùng tôi lang thang trên những con đường mới, lên với những thôn, bản mà chỉ nghe tên, ta đã mường tượng ra những vất vả, khó khăn, để chứng kiến những nhịp sống đổi thay đang diễn tiến từng ngày. Bên bếp lửa, dưới mái nhà rông còn thơm mùi ngói mới, hãy nghe già làng tâm sự, về nhịp sống mới đang diễn ra trên những mảnh đất này.

Tất cả những khởi sắc đó, là thành quả từ những nỗ lực của đồng bào các dân tộc vùng cao, cũng là kết quả sự đầu tư mạnh của Nhà nước nhằm phát triển kinh tế- xã hội vùng cao.

Chẳng hạn, năm 2003, chương trình 135 đã được triển khai ở 31 xã với tổng kinh phí đã đầu tư gần 20 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, chúng ta đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 27/71 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Các chính sách của Đảng, Nhà nước ưu tiên cho miền núi, vùng dân tộc tiếp tục được thực hiện tốt. UBND tỉnh đã quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước thuộc nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Hiệp hội phát triển quốc tế cho dự án hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng tại 9 xã đặc biệt khó khăn thuộc 4 huyện miền núi, trung du trong tỉnh với tổng số vốn trên 6 tỷ đồng; phê duyệt các mặt hàng chính sách cấp không cho đồng bào: muối iốt, giấy, vở học sinh với số vốn 600 triệu đồng; hỗ trợ vốn cho đồng vào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn năm 2003 với tổng kinh phí 450 triệu đồng; hỗ trợ mua dầu chạy cụm máy diezel ở miền núi bình quân 52 triệu/quý; thực hiện chính sách trợ giá trợ cước…

Đặc biệt, chương trình hỗ trợ xi măng làm giao thông nông thôn đạt hiệu quả cao. Đến nay, các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh đều đã có đường bê tông, đường ô tô từ trung tâm huyện lỵ đến trung tâm xã, các trục đường chính… Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có những hỗ trợ nhằm phát triển kinh tế vùng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2003, đã vận chuyển lên miền núi 2.146 tấn phân bón bằng chính sách trợ giá, trợ cước. Do vậy, năng suất, sản lượng lúa ở vùng cao ngày càng tăng. Các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh còn phát triển mạnh nuôi cá nước ngọt.

Cùng với những khởi sắc trong phát triển kinh tế, các mặt văn hóa- xã hội miền núi cũng có những chuyển biến tích cực. Năm học 2002- 2003, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học ở các huyện miền núi đạt cao: An Lão 99,7%, Vĩnh Thạnh 100%, Vân Canh 99%; tốt nghiệp THCS ở các trường nội trú, bán trú đạt khá. Riêng Trường Đinh Nỉ (An Lão) tỷ lệ này là 100%. Chất lượng dạy và học, tất nhiên, vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh nhưng cũng đã được nâng lên. Các trạm y tế xã cơ bản được nâng cấp, một số nơi đã có cán bộ y tế thôn bản. Chính sách mua bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc các xã khó khăn được thực hiện tốt.

Sóng phát thanh- truyền hình đã đến với các thôn, bản vùng cao. Với chương trình cấp ti vi, bán trợ giá radio cho các xã đặc biệt khó khăn, hiện nay, 100% hộ gia đình có radio, nhiều hộ có hai chiếc; mỗi thôn ở các xã đặc biệt khó khăn bình quân được cấp một tivi. Tỷ lệ hộ xem tivi vùng sâu, vùng xa đạt trên 60%. Các xã cơ bản đã được phủ sóng đài truyền thanh.

Việc tôn tạo nhà rông các dân tộc, xây dựng nhà rông trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng được xúc tiến mạnh. Điển hình là làng Tơlok (Vĩnh Thịnh- Vĩnh Thạnh); Hà Văn Trên, Hà Văn Dưới (Canh Thuận- Vân Canh); Hiệp Hội (Canh Hiệp- Vân Canh)…

Đương nhiên, bên cạnh những khởi sắc đó, kinh tế- xã hội miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, các cây công nghiệp ngắn ngày năng suất đạt thấp. Tỷ lệ hộ nghèo còn lớn, hơn 24,26%. Đời sống có cải thiện nhưng chưa vững chắc. Nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, phát triển kinh tế- xã hội miền núi, để miền núi gần hơn với miền xuôi, vẫn là mục tiêu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng cần báo với bạn một tin mừng, rằng hiện nay, ba huyện miền núi của tỉnh nằm trong vùng nguyên liệu của các nhà máy chế biến: Vân Canh, Vĩnh Thạnh trong vùng nguyên liệu mía, An Lão vùng nguyên liệu dứa. Đây chính là một bước đi quan trọng, tạo tiền đề cho những chuyển biến mạnh trong đời sống kinh tế- xã hội đồng bào các dân tộc.

Những sự đổi thay thật sự đã và sẽ đến với đồng bào. Một tương lai tươi sáng cho đồng bào vùng cao, không còn là hy vọng và mơ ước mà đã thật sự hiện hữu trong hiện thực như vậy.

. Khải Nhân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
VỪNG ƠI, MỞ CỬA!   (23/07/2003)
ĐEM THIÊN NHIÊN VÀO PHỐ   (15/07/2003)
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG   (07/07/2003)
TUỔI RẤT XANH VÀ TRÁI TIM RẤT NÓNG   (30/06/2003)
KHÔNG BỎ LỠ THỜI CƠ  (23/06/2003)
QUY NHƠN: ĐÓN CHÀO SĨ TỬ  (16/06/2003)
CẢNG QUY NHƠN VƯƠN MÌNH RA BIỂN ĐÔNG  (11/06/2003)
MỘT THÁNG NỮA ĐẾN AFTA  (06/06/2003)
NÁO NỨC MÙA THI  (27/05/2003)
CHUẨN BỊ ĐƯỜNG BĂNG  (19/05/2003)
LÀM CHO DÂN CÓ CHỖ Ở  (12/05/2003)
TĂNG TIỀM LỰC VĂN HÓA CHO DU LỊCH   (06/05/2003)
LÂU LẮM SAO BẠN KHÔNG VỀ THĂM QUÊ ?  (28/04/2003)
28 NĂM, NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐI VÀ VỀ  (23/04/2003)
BÌNH YÊN CHO NHỮNG CON ĐƯỜNG  (15/04/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn