Thứ bảy, ngày 5/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
VÌ THẾ HỆ TƯƠNG LAI CỦA THÀNH PHỐ
17:19', 11/8/ 2003 (GMT+7)

Con trai tôi năm nay sắp bước vào lớp một. Người bạn ở quê lên chơi xuýt xoa: Con cậu ở thành phố, điều kiện học hành thật tốt quá rồi. Chỉ thương cho những đứa trẻ nông thôn, phần lớn phải tự mình ngụp lặn trong sự học còn quá thiếu thốn... Biết là ở thành phố, điều kiện học hành của con trẻ hơn hẳn ở nông thôn, nhưng đã làm cha làm mẹ, sao không khỏi lo lắng khi "thế hệ tương lai" của mình đang chập chững những bước đầu tiên trên con đường học vấn mà ngày mai… đang bắt đầu từ hôm nay.

Là trung tâm kinh tế-văn hóa-xã hội của cả tỉnh, Quy Nhơn có rất nhiều thuận lợi trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Khó có địa phương nào mà mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp như Quy Nhơn. Toàn thành phố có 52 trường và cơ sở mầm non, 38 trường phổ thông gồm tiểu học và THCS, hàng năm có thể thu hút tối đa số học sinh trong độ tuổi đến lớp. Theo đà tăng học sinh, trường lớp cũng ngày càng được mở mang hơn đáp ứng như cầu học tập của xã hội. Dọc theo đường quốc lộ từ Phú Tài về trung tâm thành phố bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhiều ngôi trường tráng lệ, khang trang còn tươi màu vôi mới như tiểu học Nguyễn Khuyến, Ngô Quyền, Trần Quốc Toản, THCS Tây Sơn… Hiện tại, thành phố có 763 phòng học, kể từ năm học 1996-1997 đến nay, bình quân mỗi năm Quy Nhơn xây dựng thêm được 60 phòng học. Đây là một nỗ lực lớn của toàn ngành nhằm từng bước đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trình độ dân trí của thành phố đã từng bước nâng lên rõ rệt. 100% số phường, xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, 16/20 phường, xã đạt phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và 18/20 phường, xã đạt phổ cập THCS với 97,8% dân số trong diện tuổi 15-35 biết chữ; 98,2 % trẻ em 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học. Thành phố Quy Nhơn là đơn vị đầu tiên trong tỉnh hoàn thành công tác phổ cập giáo dục THCS.

Các trường đã từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm, hiệu quả đào tạo tăng, số lượng học sinh giỏi đại trà tăng cao, chất lượng giáo dục mũi nhọn phát triển cũng khá rõ nét. Số lượng học sinh các cấp luôn ổn định. Các trường tiểu học đã thực hiện dạy đủ 9 môn từ nhiều năm nay, nhiều trường tổ chức được dạy 2 buổi/ ngày, dạy bán trú.

Toàn ngành giáo dục thành phố hiện có 720 giáo viên THCS và 908 giáo viên tiểu học. Đội ngũ giáo viên luôn được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tiểu học đạt 94,95%, giáo viênTHCS đạt chuẩn là 72,94%…

Ngân sách chi cho giáo dục- đào tạo thành phố ngày một tăng cường, bên cạnh đó nguồn đóng góp từ nhân dân cho giáo dục đã chiếm tỷ lệ đáng kể, góp phần tăng cường, bổ sung cơ sở vật chất trường học và hỗ trợ các hoạt động dạy học trong nhà trường.

Nhìn toàn cục là thế nhưng đi sâu vào vào từng mặt, từng mảng, giáo dục thành phố vẫn còn nhiều bất cập, phát triển chưa tưng xứng với vai trò của một thành phố tỉnh lỵ, trung tâm kinh tế- văn hóa-xã hội của cả tỉnh. Có dịp đến thăm nhiều trường, nhiều cơ sở đào tạo của thành phố, tôi có một cảm giác chung, đó là "sức ì" của đội ngũ "tiên phong trong sự phát triển" này còn lớn. Phong cách lãnh đạo, quản lý của ban giám hiệu một số trường còn nặng tính sự vụ, thiếu năng động sáng tạo, do đó việc chỉ đạo dạy và học trong nhà trường còn mang tính lối mòn, đến hẹn lại lên. Nội dung giảng dạy vẫn còn mang nặng lý thuyết, phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa hiệu quả. Một bộ phận khá lớn giáo viên vẫn truyền thụ kiến thức cho học sinh một chiều, máy móc, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục hiện nay. Do đó, chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả đào tạo bậc THCS chưa cao. Việc học tập của học sinh ở các bậc học còn nặng tính khoa cử, một số ít chưa có động cơ, mục đích học tập đúng đắn. Việc đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường chưa theo sát với thực lực học tập của học sinh. Sự chênh lệch giữa giáo dục nội thành với các vùng ven, xã đảo, bán đảo của thành phố còn lớn.

Nhìn sâu vào đội ngũ giáo viên Quy Nhơn, có thể thấy sự vừa thừa, vừa thiếu vừa chưa đồng bộ ở một số bộ môn. Tuy được bồi dưỡng chuẩn hóa thường xuyên nhưng xem ra giữa bằng cấp với năng lực giảng dạy thực tiễn của một số giáo viên vẫn còn bất cập. So với đội ngũ giáo viên trong toàn tỉnh, có thể thấy, giáo viên Quy Nhơn khá "già" và chưa đạt chuẩn cao do được tuyển dụng sớm và nhiều từ nhiều nguồn vào những năm trước đây. Số giáo viên này vừa chưa chuẩn về trình độ vừa thiếu nhiệt tình giảng dạy nhưng lại chưa có chính sách đưa ra khỏi ngành để tuyển dụng giáo viên mới. Đây là một sự thiệt thòi khá lớn của học sinh thành phố.

Tuy là "động lực trực tiếp cho sự phát triển" của thành phố Quy Nhơn nhưng giáo dục Quy Nhơn vẫn chưa đạt được yêu cầu hiện đại hóa. Số trường học đạt chuẩn quốc gia còn quá ít. Toàn thành phố mới có 6/25 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, 13/ 25 trường tiểu học có lớp học 2 buổi/ ngày. Trường mầm non, THCS đạt chuẩn vẫn còn nằm trong hướng xây dựng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường nhìn chung vẫn còn thiếu thốn, chưa đảm bảo được việc học đi đối với hành. Chưa có trường học nào có đủ điều kiện dạy tin học, việc triển khai giảng dạy tin học trong trường phổ thông mới còn nằm trong kế hoạch của năm học 2003-2004…

Vui cũng nhiều mà chưa hài lòng cũng không kém, với những điều kiện giáo dục như thế phụ huynh nào có con đi học mà không khỏi băn khoăn. Năm nay, tôi muốn cho con vào học một trường có chất lượng hơn ở Quy Nhơn nhưng nếu được sẽ phải đóng một khoản tiền gọi là "chọn trường". Xã hội hóa giáo dục? Phụ huynh luôn sẵn sàng vì sự phát triển giáo dục nhưng sự phát triển không đơn thuần chỉ ở mặt huy động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất. Nhân dân đang rất cần một sự phát triển chung, mạnh mẽ và đều khắp, trên tất cả các trường học của thành phố.

. Ngọc Quỳnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
TRƯỚC MẮT NHỮNG THÁNG NGÀY   (04/08/2003)
KHỞI SẮC VÙNG CAO   (28/07/2003)
VỪNG ƠI, MỞ CỬA!   (23/07/2003)
ĐEM THIÊN NHIÊN VÀO PHỐ   (15/07/2003)
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG   (07/07/2003)
TUỔI RẤT XANH VÀ TRÁI TIM RẤT NÓNG   (30/06/2003)
KHÔNG BỎ LỠ THỜI CƠ  (23/06/2003)
QUY NHƠN: ĐÓN CHÀO SĨ TỬ  (16/06/2003)
CẢNG QUY NHƠN VƯƠN MÌNH RA BIỂN ĐÔNG  (11/06/2003)
MỘT THÁNG NỮA ĐẾN AFTA  (06/06/2003)
NÁO NỨC MÙA THI  (27/05/2003)
CHUẨN BỊ ĐƯỜNG BĂNG  (19/05/2003)
LÀM CHO DÂN CÓ CHỖ Ở  (12/05/2003)
TĂNG TIỀM LỰC VĂN HÓA CHO DU LỊCH   (06/05/2003)
LÂU LẮM SAO BẠN KHÔNG VỀ THĂM QUÊ ?  (28/04/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn