Thứ bảy, ngày 5/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
NÚI RỪNG VÀO HỘI
17:25', 18/8/ 2003 (GMT+7)

Cồng chiêng đã vang lên rộn rã, những thanh âm vang lên trong khung cảnh núi rừng trùng điệp. Và trong ánh lửa bập bùng, dưới chân đại ngàn, già làng Chăm H’roi đã bắt đầu nghi thức mở hội "Các dân tộc miền núi đoàn kết quanh Đảng, Bác Hồ, bảo vệ tổ quốc xây dựng quê hương giàu đẹp". Mời bạn và tôi cùng bước vào không gian của sự đa dạng những sắc màu văn hóa các tộc người trên đất Bình Định trong Lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Bình Định lần thứ 7- 2003. Lễ hội lần này diễn ra trong hai ngày 17 và 18-8 tại Vân Canh.

Hội tụ về đây, những người con của núi rừng Bình Định. Những chàng trai Bahnar K’riêm, bên những cô gái Chăm H’roi e lệ trong các sắc áo truyền thống. Và kia, những cô gái H’re An Lão tươi tắn bên những chàng trai mạnh mẽ, phóng khoáng, thế hệ tiếp nối của những anh hùng Đinh Nỉ, Đinh Rú… Một cuộc hội tụ vẹn nguyên trong nó cái tâm trạng náo nức, mừng vui của những cuộc hội ngộ.

Không đơn thuần chỉ là một cuộc hội ngộ được tổ chức đều đặn hai năm một lần, Lễ hội chính là sự thể hiện cụ thể nhất nỗ lực bảo lưu bản sắc văn hóa đa dạng của các tộc người cư trú trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Không gian hùng vĩ của núi rừng Bình Định là địa bàn cư trú của ba tộc người Chăm H’roi, Bana, H’re. Theo điều tra sơ bộ, Bình Định hiện có trên 90 làng có từ 90 - 100% đồng bào các tộc người sinh sống. Những tộc người này, với bản sắc văn hóa riêng biệt và độc đáo, góp vào tính đa dạng nền văn hóa Việt Nam.

Những năm qua, bên cạnh những sự đầu tư đã và đang góp phần đem lại những sự chuyển biến mạnh trong đời sống kinh tế – xã hội của đồng bào các tộc người, những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa của các tộc người đang được bảo tồn và phát huy, trong chiến lược chung: xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hãy trở lại với không gian Lễ hội và hòa nhập cùng những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa các tộc người.

Từ những tiết mục như diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca, thi dệt thổ cẩm, biểu diễn trang phục truyền thống của các tộc người… cho đến văn hóa ẩm thực, rồi những sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng của các tộc người, tất thảy đều được tái hiện trong không gian Lễ hội.

Đi trong những sắc màu Lễ hội, tưởng như, ta không bao giờ hết tròn xoe mắt ngạc nhiên trước những nét độc đáo, hợp thành bản sắc độc đáo của các tộc người. Nếu nói về lễ hội, này là lễ đâm trâu của người Bahnar Kriêm, rồi lễ tạ ơn Giàng cho cơm, cho gạo của người Chăm H’roi… Hay trong văn hóa sinh hoạt là cảnh mời rượu cần, cảnh đón chiêng mới… Chỉ nói riêng về tiếng cồng chiêng, cái tiết tấu cồng chiêng lễ đâm trâu sao dồn dập, sôi nổi, thôi thúc; tiết tấu cồng chiêng có khi dìu dặt như lời cầu khấn, nhắn nhủ ở lễ ăn cơm mới…

Ngày hội dưới bóng đại ngàn, bên những nếp nhà sàn, mang đặc trưng của từng dân tộc, được dựng lên, như muốn tái hiện phần nào không gian cư trú của các tộc người. Những mái nhà sàn, ấp ôm không biết bao nhiêu là sự gắn bó, tình cảm yêu thương, lưu luyến của những người con của núi rừng. Nhà sàn, đó cũng là nơi neo giữ của tâm thức cả cộng đồng, nơi những ché rượu cần ủ men nồng, nơi bên bếp lửa bập bùng, già trẻ gái trai quây quần nghe người già hát H’amon..

Con gái, con trai, người già, người trẻ cùng nhau xem hội. Nét mừng vui hiển hiện trên gương mặt, ánh lên trên từng đôi mắt long lanh. Lễ hội, ấy là nơi gặp gỡ, là nơi đổi trao những nụ cười, tiếng hát, nơi những ché rượu cần không cạn cho những tâm hồn đang rộng mở bởi niềm vui.

Không thể kể hết những nét đa dạng trong sắc màu văn hóa được hội tụ trong thời gian ngắn ngủi của hai ngày Lễ hội, cũng như không bút mực nào diễn tả hết niềm vui…

Đêm đã thờ ơ buông xuống triền rừng. Những thanh âm của tiếng cồng chiêng vẫn bập bùng vang lên vách núi. Tựa chân lên mảnh đất đã bắt đầu ẩm mùi sương đêm, tôi cảm nhận thấy trong gió núi đại ngàn, như đang có một tình yêu nồng nàn đang thổi qua tâm hồn mỗi con người…

Những ngày hội rồi sẽ qua nhanh. Nhưng khi mà đời sống của đồng bào ngày càng được nâng cao, có ngày nào không vui như ngày hội?

. Khải Nhân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
VÌ THẾ HỆ TƯƠNG LAI CỦA THÀNH PHỐ   (11/08/2003)
TRƯỚC MẮT NHỮNG THÁNG NGÀY   (04/08/2003)
KHỞI SẮC VÙNG CAO   (28/07/2003)
VỪNG ƠI, MỞ CỬA!   (23/07/2003)
ĐEM THIÊN NHIÊN VÀO PHỐ   (15/07/2003)
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG   (07/07/2003)
TUỔI RẤT XANH VÀ TRÁI TIM RẤT NÓNG   (30/06/2003)
KHÔNG BỎ LỠ THỜI CƠ  (23/06/2003)
QUY NHƠN: ĐÓN CHÀO SĨ TỬ  (16/06/2003)
CẢNG QUY NHƠN VƯƠN MÌNH RA BIỂN ĐÔNG  (11/06/2003)
MỘT THÁNG NỮA ĐẾN AFTA  (06/06/2003)
NÁO NỨC MÙA THI  (27/05/2003)
CHUẨN BỊ ĐƯỜNG BĂNG  (19/05/2003)
LÀM CHO DÂN CÓ CHỖ Ở  (12/05/2003)
TĂNG TIỀM LỰC VĂN HÓA CHO DU LỊCH   (06/05/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn