Ngày 29-8 này, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao "thương hiệu mạnh, sản phẩm mới" chính thức khai mạc tại thành phố Quy Nhơn. Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng nhìn lại việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp (DN) Bình Định.
Cách đây chừng vài năm, nói đến chuyện thương hiệu, với các DN trong tỉnh, e vẫn còn là điều xa vời. Các DN rất chú ý đến nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm, có chú ý cải tiến mẫu mã; nhưng chuyện tiếp thị và xây dựng thương hiệu, vẫn chưa được các DN quan tâm đúng mức.
Chính vì không có thương hiệu mà sản phẩm của các DN trong tỉnh, có đủ các chứng nhận chất lượng, đoạt đủ các huy chương, giải thưởng chất lượng này nọ tại các triển lãm, hội chợ; mẫu mã cũng khá đa dạng, vậy mà vẫn không đủ sức vươn đến thị trường khu vực chứ chưa nói đến toàn quốc. Một số mặt hàng do các DN trong tỉnh sản xuất, nhưng lại không được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng và chấp nhận thua ngay trên sân nhà. Ngay những đợt bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao, mà các sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn căn cứ trên các yếu tố: chất lượng sản phẩm, độ nhận biết thương hiệu và sự tin cậy của người tiêu dùng qua việc mua và sử dụng sản phẩm của DN, năm 2002 chỉ có 2 DN Bình Định thì sang đến năm 2003 chỉ còn Cơ sở nước mắm Mười Thu. Trong khi đó, năm 2003, cả nước có tới 4437 DN được người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Trước xu thế cạnh tranh của thị trường thế giới ngày càng gay gắt hơn, lộ trình gia nhập AFTA đang rất gần, gần đây, các DN đã bắt đầu ý thức được thế yếu này và đã chú trọng hơn đến việc xây dựng thương hiệu. "Có lẽ phải mất hàng trăm ngàn USD để xúc tiến thương mại, nhằm làm cho thương hiệu của mình được người tiêu dùng ở nước ngoài chấp nhận, nhưng đó là việc nên làm và phải làm"- Giám đốc một Công ty TNHH chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu từng khẳng định với chúng tôi như vậy. Một số DN đã thông qua Cục Sở hữu Công nghiệp, đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ và đang xúc tiến việc xâm nhập mạnh hơn vào thị trường này, cũng như tham gia nhiều các hội chợ đồ gỗ quốc tế ở nước ngoài nhằm tiếp thị hình ảnh của DN. Bên cạnh đó, theo thống kê, đến nay, đã có 51 DN Bình Định được cấp chứng nhận thương hiệu.
Tất nhiên, xây dựng và phát triển thương hiệu không đơn thuần chỉ là xin cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu công nghiệp. Xây dựng thương hiệu là hoạt động tiếp thị nghiêm túc, bằng những kế hoạch bài bản, lâu dài, và chỉ có vậy mới mong trụ lại được trong trí nhớ của người tiêu dùng.
Tất cả những nỗ lực tiến tới xây dựng thương hiệu nói trên, dẫu sao, cũng mới chỉ ở những bước đi đầu tiên và vẫn tập trung chủ yếu ở các DN xuất khẩu lớn. Còn các DN may mặc, giày dép, xây dựng… và cả các sản phẩm truyền thống của Bình Định, vốn là niềm tự hào của địa phương, nhưng vẫn chưa có chiến lược xây dựng thương hiệu, nên vẫn chưa thật sự đứng vững trên thị trường.
Hiện nay, Bình Định đã có những chính sách khuyến khích DN xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu như hỗ trợ DN tham gia các hội chợ nước ngoài, xây dựng trang web… Xây dựng thương hiệu cần được DN chú trọng. Thực tế cho thấy, không phải cứ sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, là được người tiêu dùng chấp nhận ngay. Trong bối cảnh một nền kinh tế toàn cầu như hiện nay, để được thị trường chấp nhận, hãy biết tự giới thiệu về "chiếc áo mới" của mình.
Một thương hiệu mạnh có sức mạnh làm gia tăng doanh thu và lợi nhuận, khuyến khích sự trung thành của giới tiêu dùng và giảm thiểu hậu quả phát sinh từ đối thủ cạnh tranh. Thương hiệu không đơn thuần chỉ là một thành tố quan trọng trong sản xuất kinh doanh, thương hiệu còn là một lối sống. Thương hiệu gắn liền, không chỉ với những sản phẩm cụ thể, mà còn gắn với một quốc gia.
Thương hiệu mạnh: hãy là đích đến của các DN Bình Định.
. Khải Nhân
|