Ở Bình Định, tăng trưởng kinh tế luôn gắn với nỗ lực xóa đói giảm nghèo nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Trên thực tế, khi lựa chọn cơ chế thị trường nhắm vào việc phân bổ các tài nguyên một cách hiệu quả dựa trên quy luật cung - cầu và cạnh tranh đa phương, rất cần có các chính sách bổ sung để tái phân lợi tức. Xóa đói giảm nghèo chính là một chính sách như vậy.
Với xác định: Ước mơ lớn nhất của người nghèo là một mái nhà để an cư. "An cư lập nghiệp" - cha ông ta chẳng đã từng nói vậy. Bởi vậy, "an cư" cho những hộ nghèo đã được tỉnh quan tâm đúng mức. Với chương trình hỗ trợ kinh phí cải thiện nhà ở đơn sơ cho hộ nghèo, các ngành, các cấp, địa phương và mỗi người dân đã cùng nhập cuộc, lo cho hộ nghèo. Có thể, bằng sự đóng góp vật chất vào Quỹ "Ngày vì người nghèo", có thể bằng những ngày công tạo dựng những mái nhà cho hộ nghèo... Đến nay, bằng nguồn ngân sách tỉnh và Quỹ "Ngày vì người nghèo", tỉnh đã hỗ trợ cho 918 hộ nghèo có nhà ở đơn sơ xây dựng lại nhà ở, với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng, mức hỗ trợ 3 triệu đồng/nhà. Trong năm 2003 này, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 254 hộ.
Để người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản: Y tế, giáo dục, hệ thống an sinh xã hội... người nghèo trong tỉnh đã được cấp bảo hiểm y tế. Trong hai năm 2001 và 2002, khoảng 30% số hộ nghèo nhất, bao gồm: Trẻ em còn trong độ tuổi đến trường, người quá tuổi lao động, người tàn tật nặng và nhân dân các xã vùng cao, hải đảo đã được nhận thẻ và đã có hơn 49.000 lượt người khám chữa bệnh miễn phí trong năm 2002 và trong năm 2003, con số này khoảng 69.000 lượt người. Bên cạnh đó, con em hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ chính sách đã được miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp, cũng như được hỗ trợ về vở, viết, sách giáo khoa. Hàng vạn em học sinh cũng được cấp học bổng, với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Những khoản tiền này, có thể hãy còn khiêm tốn, nhưng đã tạo điều kiện cho các em tiếp tục theo đuổi việc học hành.
Tạo điều kiện cho hộ nghèo thoát nghèo cũng là mục tiêu lớn được đặt ra vì đây mới chính là con đường bền vững để họ vươn lên thoát nghèo từ chính bàn tay và sức lao động của mình. Cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo phát triển kinh tế, là những bước đi để đem "cần câu" đến với hộ nghèo.
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 36,5 ngàn lượt hộ nghèo vay vốn tín dụng từ nguồn xóa đói giảm nghèo với tổng dư nợ gần 60 tỷ đồng. Các hội, đoàn thể cũng đã tạo điều kiện giải quyết cho hàng ngàn hội viên vay vốn phát triển sản xuất và chăn nuôi, tăng thu nhập, nâng cao đời sống với tổng số tiền vay trên 3 tỷ đồng.
Bằng tất cả những nỗ lực đó, năm 2002, toàn tỉnh đã giảm 6.164 hộ nghèo, năm 2003 giảm 6.655 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2002 là 10,42% thì năm 2003 chỉ còn 8,42%. Tỷ lệ người thất nghiệp ở khu vực thành thị từ 5,88% năm 2002 đã còn 5,64% năm 2003. Mỗi năm, chúng ta đã hỗ trợ việc làm cho trên dưới 5.000 lao động.
Với kết quả đó, Bình Định đã được đánh giá là tỉnh có tốc độ giảm hộ nghèo vào loại nhanh của các tỉnh duyên hải miền Trung. Không dừng lại ở những kết quả đó, Bình Định phấn đấu đến năm 2005, sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%, phần lớn hộ nghèo đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nhà ở tạm, khoảng 50% hộ nghèo tiếp cận được với các dịch vụ xã hội cơ bản: Được khám chữa bệnh, trẻ em được đi học, người cao tuổi, người tàn tật được chăm sóc và hưởng các sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, phúc lợi công cộng…
Xóa đói giảm nghèo không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước mà phải biết tranh thủ nguồn lực từ trong nhân dân, các doanh nghiệp. Với phương châm đó, bằng sự đồng thuận của toàn xã hội, mục tiêu trên sẽ trong tầm tay.
. Khải Nhân
|