Miền Trung nắng và gió. Miền Trung với những cồn cát mênh mông. Hơn ai hết, những người dân đã từ đời này sang đời nọ, bám trụ trên những dải cát này, mới thấm thía hết những khó khăn, vất vả của con người khi sống chung với cát. Làm sao để 85.100ha đất cát ven biển miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận), trong đó, có 5.000ha đất cát ven biển Bình Định, lên xanh; làm sao để những cư dân vùng cát không mãi cam chịu cảnh nghèo, đó luôn là một day dứt, mãi ám ảnh trong mỗi chúng ta.
Hẳn khi xưa, Cao Bá Quát đã từng đối diện với những trảng cát như vậy, và tự trong thẳm sâu tâm hồn thi nhân đã bật lên câu hỏi, rằng: Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây?
Nhưng nay, khát vọng xanh cho những vùng cát đã có lời giải. Lời giải đó chính là thành quả chắt chiu từ bao năm nay của các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nam Trung Bộ. Nhưng trước hết, phải kể công đến những người nông dân bao năm trời bám chịu cùng đất cát. Chính những tán điều xanh trên cát mà người nông dân trồng những năm trước đây, tất nhiên, hiệu quả kinh tế hãy còn chưa cao, đã gợi mở hướng cho các nhà khoa học suy nghĩ về một con đường, giải màu xanh cho vùng cát, và đem lại thu nhập cho người nông dân: tuyển những giống cây chịu hạn mà trước hết là cây điều cho vùng cát từ năm 1998 đến nay.
Và từ đó, đã có những đoàn cán bộ đi khảo sát trong toàn quốc từ 1999 đến nay, và đã có 800 dòng điều trội được đưa vào vườn điều giống quốc gia Cát Hiệp (Phù Cát). Những dòng điều này lại tiếp tục được nghiên cứu, tuyển lựa, tìm ra những giống điều thích hợp cho mỗi loại đất khác nhau và triển khai bằng những mô hình. Trong đó, mô hình đất cát ven biển đã triển khai tại Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ). Kết quả thật đáng khích lệ: sau 27 tháng, tại Mỹ Thành, cây điều đã có năng suất 500 - 600kg/ha. Còn với vùng đất xám bạc màu, một mô hình khác triển khai tại Nông trường Chiên Đàn (Quảng Nam) sau ba năm cho thấy, cây điều cho năng suất 800kg đến 1tấn/ha. Với năng suất như vậy, cây điều đã cho mức thu nhập khoảng trên dưới 15 triệu/ha. Con số này có thể nhỏ, ít với các vùng đất khác, nhưng với những vùng đất cát, mà trước đây, riêng việc tìm ra biện pháp chống cát bay, xâm lấn, đã là chuyện nan giải, nói chi đến chuyện khai thác hiệu quả kinh tế, thì đây quả là con số lý tưởng.
Hơn nữa, thị trường tiêu thụ điều hiện rất hấp dẫn. Ngoài ra, một giải pháp công nghệ hoàn chỉnh cũng sẽ tính đến việc áp dụng công nghệ chế biến (làm nước giải khát, làm nấm, làm thức ăn chăn nuôi…) sẽ nâng cao hiệu quả cây điều. Ngoài cây điều, bình tuyển những giống xoài, nhãn chịu hạn, phù hợp với vùng đất cát cũng là một hướng nghiên cứu quan trọng đang được tiến hành.
Bằng kết quả như vậy, bạn và tôi có thể dự phóng ra một tương lai gần, để hình dung đến một triển vọng xanh cho những vùng đất cát, không chỉ ở Bình Định mà còn ở các tỉnh duyên hải miền Trung khác, không chỉ với đất cát ven biển, mà cả với đất xám bạc màu.
Những vùng đất cát ven biển ở Bình Định như Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Cát Chánh, Cát Tiến, Hoài Mỹ… và các vùng đất xám bạc màu khác sẽ xanh với cây điều? Một hành lang xanh ven biển, nơi đó, cây điều vừa bám trụ, cải tạo môi sinh, vừa đem lại bước phát triển mới trong đời sống của người dân vùng cát, một trong những khu vực hãy còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Tại sao không?
Cây điều đứng trên đất cát, giải pháp môi sinh phù hợp cho vùng đất cát ven biển đã và đang được đặt ra trước mắt cơ quan hữu trách, để đồng hành cùng các nhà khoa học và người dân nhằm hồi sinh cho vùng đất cát ven biển.
Ước vọng xanh của vùng đất cát rồi sẽ thành hiện thực. Tương lai ấy hẳn không còn xa.
. Khải Nhân
|