Đã là người Bình Định, hẳn trong ký ức tuổi thơ, không ai dễ nhạt phai kỷ niệm về những đêm hát bội. Đêm đêm, khi tiếng trống tuồng đã vang vang nơi góc đình, hay ngoài sân trường, đã thấy ông già, bà cả, ôm chiếc ghế xếp, vắt chiếc khăn lên vai, cầm theo chiếc đèn pin, ghé thêm bình đông nước "nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy…".
Ở trên mỗi phân vuông diện tích của mảnh đất này, và thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người dân, tiếng trống hát bội đã hóa thân thành một phần tâm thức, và đó cũng là một trong những hình ảnh đẹp đẽ khi người ta nhớ và hình dung về quê hương, về tuổi thơ mình. Tiếng trống những đêm hát bội, khi làng tổ chức hát án, hay những dịp kỳ yên, cúng thần, cúng miễu luôn là những ngày náo nức trong thời thơ ấu của những ai đã có diễm phúc cất tiếng khóc chào đời trên mảnh đất này. Tuồng như vậy, đã trở thành một biểu hiện của tính cách Bình Định, là tiếng nói của tâm hồn Bình Định, những người đã đặt chữ nghĩa lên nơi tôn kính nhất/ cô gái múa roi đi quyền/ nâng vạt áo người hiền lau nước mắt/gói lời ru trọng nghĩa khinh tài.
Vượt qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, tiếng trống tuồng vẫn vang vọng và có sức thu hút mãnh liệt tâm hồn con người trên quê hương Đào Tấn hôm nay. Cái đáng quý hơn là bộ môn nghệ thuật này vẫn đang được giữ gìn, bởi chính những người lao động bình thường nhất.
Bình Định hiện còn 10 đoàn hát bội không chuyên. Những đoàn hát, tồn tại được bởi một niềm đam mê đích thực với nghề của những con người, mới hôm qua có thể hãy còn là anh nông dân chân lấm tay bùn hay chị hàng bánh tráng, hôm nay đã đường hoàng là vị thiên tử hay nàng công chúa rực rỡ xiêm y dưới ánh đèn sân khấu. Và cũng không chịu nhường các đoàn chuyên nghiệp về lượng diễn viên, số đêm diễn cũng như sự ái mộ của khán giả. Nhưng trong khi các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp được nhà nước ưu tiên đầu tư thì các đoàn này vẫn đang bươn bả với nghiệp. Neo lại với nghề, các nghệ sĩ chỉ còn biết nương vào tình yêu của khán giả dành cho hát bội.
"Cái nghề này nuôi sống người ta đã khó rồi. Chẳng qua là đã trót mang lấy nghiệp… không đi diễn thì nhớ cồn cào không chịu nổi" - một nghệ nhân trong nghề đã tâm sự vậy. Đời sân khấu của những nghệ sĩ - nông dân này, không ít những đêm diễn cát sê… vài ngàn đồng, có đợt, đoàn không diễn được, không có cả tiền đi xe về. Vậy mà vẫn không buông được câu hát.
Nhưng chính vì vậy mà những gương mặt Hoàng Nhơn, Ngọc Hương, Ngọc Mai, Hà Mẹo… - những giọng ca sáng giá của nghệ thuật truyền thống - đã trở nên quen thuộc trong lòng người dân nơi thôn cùng, xóm vắng. Và theo đánh giá của nhà nghiên cứu tuồng Mịch Quang thì: "Đây là những gương mặt ngang ngửa với các nghệ sĩ ưu tú ở các đoàn chuyên nghiệp". Thêm vào đó, người dân vẫn không bớt lòng mến mộ với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Có lẽ, chính cái tính nguyên gốc, chưa pha tạp của hát bội truyền thống mới là bí quyết thu hút người xem? Hơn thế, hát bội không chuyên vẫn có chỗ dành cho sự linh hoạt của diễn viên, sự áp đặt của đạo diễn hãy còn chưa lộ. Những vai hề hát cương, lọt vào tay những diễn viên thạo nghề, sẽ có sức hút với người xem ghê gớm. Tất nhiên, hát cương có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng vở diễn, dẫn đến sự tùy tiện. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể quá mô phạm và cứng nhắc. Bởi khác với sân khấu Tây, sân khấu ta vốn công nhận quyền ứng tác của người diễn viên. Hát cương là đất để người diễn viên thể hiện tài năng của mình và vốn được khán giả ưa thích. Người diễn viên không thuộc nhiều tuồng tích, không dễ gì để hát cương vậy. Vừa cố gắng để đạt đến trình độ uyên bác của tuồng cổ điển, vừa đậm chất dân gian và rất khoáng đạt nhờ phát huy được khả năng sáng tạo rộng mở của từng vai diễn, đó là thế mạnh của sân khấu tuồng không chuyên. Nhà nghiên cứu Mịch Quang đã nhận xét thật chí lý, rằng: "Ai nói hát bội không có khán giả. Nếu không có là do mình đi không đúng hướng, khán giả quay lưng lại với mình. Hát bội truyền thống không chuyên vẫn có khán giả".
Yêu biết mấy những vở diễn quy củ, lớp lang, của những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, thì cũng không vì thế, ta có thể ơ thờ với những đoàn hát bội vốn mang tiếng không chuyên. Hơn thế, trong nghệ thuật, làm gì có cái ranh giới rõ ràng giữa không chuyên với chuyên nghiệp.
Và ta hãy biết ơn họ, những đoàn hát và những người nghệ sỹ chân đất ấy, khi họ đang góp phần dưỡng nuôi bộ môn nghệ thật truyền thống này ngay từ trong cái nôi sinh thành ra nghệ thuật: nhân dân.
. Khải Nhân
|