Những ngày này, cứ mỗi khi bóc một tờ lịch xuống, là trong ta chùng trong một chút xao động. Sắp tết. Sắp tết, những cành mai vàng đã chớm nụ. Sắp tết, khi ta vừa được thả ra khỏi cái vòng tất bật công việc, để lấn bấn cho những chuyện nhỏ nhặt thường ngày mà giờ này lại nhuốm chút gì rất đỗi thiêng liêng: chút hương vị ngày tết, bày biện nhà cửa, và cả khi cầm trên tay một tờ báo xuân...
Yêu tết biết bao nhiêu, yêu những ngày đầu xuân thong thả đi chúc tết bạn bè bao nhiêu, nhưng yêu nhất, vẫn là những ngày chạm tết này. Ở đấy, thời điểm nhựa cây mạch đất trỗi lên tìm lá mới hoa non, là lúc hơi thở mùa xuân chạm trên má những cô gái tuổi xuân thì.
Và rồi, hai ba tháng chạp, tiễn ông Táo về trời.
Ai trong chúng ta, những ngày thơ nhỏ, đã chẳng một lần được nghe câu chuyện cổ tích về một bà hai ông. Ba nhân vật ấy, trong tâm thức người Việt đã thành ba vị Táo quân, ông Thổ Công chuyên coi việc bếp núc, Thổ Địa trông nom việc nhà, và Thổ Kỳ coi việc chợ búa.
Vâng, với câu chuyện ấy, qua trí tưởng tượng bay bổng của dân gian, mà từ một cái bếp thô mộc, với người Việt đã trở thành một biểu tượng về tình yêu chung thủy, lối sống nghĩa tình - một quan niệm thẩm mỹ thấm đậm tính nhân văn - của người Việt. Vậy đó, ta thờ cúng ông Táo đâu chỉ là ta thờ cúng ông vua bếp không đâu. Sự thờ cúng và tiễn đưa ông Táo lên trời, đã chứng tỏ rằng với người Việt, gia đình mà cái bếp chính là tượng trưng, quan trọng biết chừng nào với mỗi con người. Với người Việt, cái bếp, không chỉ là chỗ quây quần của mỗi gia đình, còn là không gian thân thương ghi dấu trong ký ức của mỗi con người. Bắc cũng vậy, mà Nam không khác.
Táo quân lên chầu trời, tấu với Ngọc Hoàng tổng kết tình hình một năm qua. Nhưng đừng tưởng Ngọc Hoàng quan liêu, chỉ biết nghe theo lời tấu của táo quân. Này nhé, mùng mười tháng mười ta có lễ song thập, là ngày lễ gần cuối năm. Theo truyền thuyết, trong ngày này, Ngọc Hoàng thượng đế sai một vị sứ thần là Tam Thanh kinh lý trần gian để kết toán những điều lành dữ trong một năm qua, tâu lên Ngọc Hoàng minh xét. Vì thế những ngày ấy, dân chúng lập hương án để rước điều lành, tránh điều dữ trong dịp thăm viếng của sứ quân Tam Thanh, đồng thời sửa cơm canh cúng ông bà cha mẹ đã qua đời, cầu trời phật phù hộ cho mạnh khỏe, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi. Vậy là trước ngày ông Táo lên thiên đình hai tháng, một phái đoàn "thanh tra" đã trực tiếp để xem xét tình hình. Xem ra, các cụ nhà ta xưa chống tham nhũng cũng triệt để lắm. Còn con cháu chúng ta hôm nay, cũng không kém phần quyết liệt đấu tranh với tệ tham nhũng, quan liêu.
Nhưng năm nay, Táo quân sẽ còn tấu gì với Ngọc Hoàng? Dấu ấn nào trong chặng đường một năm qua là đậm nét, ghi dấu trong những đổi thay của một quốc gia, hiển hiện ngay trong từng chái bếp của mỗi gia đình, để Táo quân có thể phấn khởi báo cáo với Ngọc Hoàng?
Có lẽ, tất cả những con số mà đất nước chúng ta đã gặt hái được năm qua, từ tốc độ tăng trưởng GDP khá cao, đạt 7,3%, đến những bước tăng trưởng trong từng ngành kinh tế… đều đã được hiển hiện bằng sự ấm no trong mỗi gia đình, trong sự đỏ lửa ở từng chái bếp. Biểu hiện cụ thể nhất của sự phồn thịnh một quốc gia có thể tìm thấy trong từng bếp lửa vậy chăng? Ấm lòng sao khi chái bếp của mỗi mái nhà đều được đỏ lửa hằng ngày. Hẳn nhiên, dấu ấn này chính là một tín hiệu mùa xuân rộn ràng nhất với chúng ta. Và Táo quân của mỗi gia đình Việt, xuân này, cưỡi cá chép lên trời, hẳn lòng cũng đang rộn ràng.
Đã hai ba tháng chạp, bạn đã cúng ông Táo lên trời? Chúng tôi xin chúc cho chái bếp nhà bạn, xuân mới, sẽ luôn được ấm nồng trong sự yêu thương, gần gũi và mỗi mái nhà thực sự là nơi "Ủ những giấc mơ dưới trời sao lồng lộng" (Văn Cao).
KHẢI NHÂN |