Thứ ba, ngày 1/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
ĐẤT TUỒNG
16:49', 9/2/ 2004 (GMT+7)

Xuân kỳ, thu tế - ông cha ta ngày xưa vẫn nói vậy. Xuân kỳ, bởi xưa cũng như nay, mùa xuân đều là quãng thời gian dành cho những chuyến lưu diễn kéo dài. Với nghệ sĩ là vậy, còn với người Bình Định, bước vào mùa xuân, trong lòng ai không thấy rộn rã bởi tiếng trống chầu thúc giục.

Gọi Bình Định là đất tuồng, không chỉ vì đây là một trong những cái nôi sinh thành của nghệ thuật tuồng, là quê hương của Đào Tấn - nhà sáng tác, nhà đạo diễn, hoạt động sân khấu lỗi lạc nhất trong lịch sử nghệ thuật hát bội Việt Nam, sống vào nửa đầu thế kỷ XIX, mà bởi ở trên mảnh đất này, từ tâm hồn mỗi người dân, từ mỗi làng quê thôn xóm, không đâu không rộn ràng với tiếng trống tuồng. Nghe tiếng trống chầu/ đâm đầu mà chạy - tâm hồn người Bình Định là vậy. Những ngày cúng kỳ yên, những dịp lễ cầu ngư, rồi những ngày làng mở hội… thảy đều không thể thiếu những tiếng trống tuồng.

Hãy dừng lại một chút với nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc này của Việt Nam. Từ trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian, tuồng ra đời. Mang âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử ở đời, chất bi hùng là đặc trưng thẩm mỹ của tuồng. Thuộc dòng sân khấu tự sự phương Đông, tuồng tái hiện cuộc sống chủ yếu bằng cách chú trọng lột tả cái thần - đó là phương thức phản ánh của tuồng. Do vậy, thủ pháp khoa trương cách điệu, biểu trưng ước lệ là thủ pháp cơ bản của tuồng. Lấy chi tiết thay toàn thể, một chiếc roi thay cho con ngựa, qua những động tác diễn mà thấy cả núi non sông biển… đó là cái độc sáng của tuồng và cũng là yếu tố đòi hỏi khán giả cùng tư duy, đồng sáng tạo với người diễn viên và do đó, có sức thu hút kỳ lạ. Hóa trang mặt nạ cũng là nét độc đáo khác của tuồng. Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc…/Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi.

Ở Bình Định, hiện nay, ngoài Nhà hát Tuồng Đào Tấn, một đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, có hơn 50 năm hình thành và phát triển, còn hàng chục đoàn hát không chuyên. Khái niệm không chuyên hoàn toàn chỉ là một ước định, vì những nghệ sĩ chân đất này, không chỉ sống hoàn toàn bằng nghệ thuật. Nhưng nói vậy không có nghĩa là họ nghiệp dư trong nghệ thuật. Nhiều diễn viên không chuyên Bình Định, theo nhà nghiên cứu Mịch Quang, không thua kém NSƯT của các đoàn chuyên nghiệp. Hát bội không chuyên còn độc đáo ở chỗ chưa bị bàn tay đạo diễn kịch nói làm hỏng, không lai tạp… Lại thêm, nghệ sĩ không chuyên là những diễn viên vững về tay nghề, am hiểu truyền thống, thường là con nhà nòi.

Hát bội không chuyên đổ mồ hôi nuôi nghệ thuật - nhà nghiên cứu Mịch Quang nói vậy - là vậy. Ở đó, một người mới hôm qua còn lấm lem bùn đất, hôm nay, đã trở nên vua; mới hôm qua chị còn là người bán hàng ngoài chợ, ngày mai đã trở thành nàng công chúa kiêu sa trên sân khấu. Ở đó, là nghệ thuật sinh thành từ trong lòng nhân dân, được người dân dưỡng nuôi, chăm bẵm... Ở đó, dưới những phục trang cũ rích, chiếc áo bào bạc thếch và đôi hài vênh góc, là những tâm hồn thổn thức với sự tồn tại của tiếng trống tuồng. Ở đó, người dân nhớ từng khuôn mặt diễn viên, say từng phong cách diễn của kép này, đào nọ. Đất Tuồng là thế chăng?

Trên mảnh đất này, người ta đi coi hát bội đâu phải chỉ để xem tuồng tích mà là để xem tài trình diễn vai tuồng của đào, của kép. Cũng những tuồng tích ấy, những vở tuồng tưởng là cũ rích ấy, mà người ta coi đi coi lại mà vẫn thấy hay, vẫn phải tán thưởng khi kép này vào vai nọ, đào nọ sắm vai kia. Đó là những vai tuồng mà người nghệ sĩ đã thể hiện thật tài tình các miếng nghề truyền thống bằng tài nghệ của mình. Nơi đó, cái hồn của một truyền thống vẫn đi - về.

Ẩn chứa những giá trị vĩnh hằng của những cái gì được gọi là văn hóa, nghệ thuật và cái đẹp, tuồng sẽ còn mãi trong lòng trân quý của khán giả Bình Định nói riêng và người Việt nói chung, sẽ mãi là một trong những vốn quý mà người Bình Định mang trong hành trang tinh thần của mình, trên con đường hướng đến tương lai.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"ĐƯA DÂN LÊN CÕI ĐÀI XUÂN"  (05/02/2004)
BÌNH ĐỊNH VÀO XUÂN  (21/01/2004)
HAI BA THÁNG CHẠP  (14/01/2004)
ĐỂ DU LỊCH BÌNH ĐỊNH THĂNG HOA   (07/01/2004)
NĂM 2004: TỰ TIN HỘI NHẬP   (31/12/2003)
DOANH NGHIỆP BÌNH ĐỊNH: ĐANG TRƯỞNG THÀNH   (22/12/2003)
TÍNH SỔ THỜI GIAN   (09/12/2003)
NGƯỜI DÂN VIỆT NAM HOÀN TOÀN CÓ QUYỀN TỰ DO TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG  (28/11/2003)
MUỐI ĐAU THƯƠNG VÀO BAO MÙA HOA  (18/11/2003)
LÃNG ĐÃNG VỚI QUY NHƠN   (10/11/2003)
MÁI ẤM CHO HỘ NGHÈO  (31/10/2003)
TÌNH NGƯỜI TRONG LŨ  (22/10/2003)
TỰ NGUYỆN  (21/10/2003)
ĐỘT PHÁ TỪ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH   (07/10/2003)
HỒI SINH CHO NHỮNG CỔ THÁP   (01/10/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn