Một đàn gà đang khỏe mạnh, bỗng bị đem đi tiêu hủy. Một vua gà bỗng trở thành trắng tay trong chốc lát… Tìm miếng ăn từng bữa bây giờ trở nên quá khó với những người đã đặt hết vốn liếng và gia sản vào nghề chăn nuôi gia cầm. Nỗi đau của những người nông dân khi chứng kiến những đồng vốn của mình không cánh mà bay theo dịch bệnh nó cụ thể biết chừng nào. "Đồng tiền đi liền khúc ruột" là vậy.
Hơn lúc nào hết, chúng ta nhận thấy một thực tế rõ ràng rằng nông nghiệp là ngành chịu nhiều rủi ro nhất, bởi nó lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, sâu bọ, dịch bệnh và cuộc sống của người nông dân vẫn còn bấp bênh do phải lệ thuộc nhiều vào những rủi ro của sản xuất.
Bên cạnh đó, một nỗi đau khác, nỗi đau của những người tuy không chăn nuôi gia cầm nhưng lại kiếm sống từ các hoạt động dịch vụ của ngành chăn nuôi này. Chẳng nói đâu xa, ngay xóm tôi, bà Ba bán Gà ở chợ Lớn, dạo này bán vé số. Rạc cẳng, chồn chân, ngày kiếm đâu mười mấy ngàn. Thu nhập ấy đã giảm hẳn so với trước kia. Nhưng vì cuộc sống, vẫn cứ phải lay lắt với nghề mới, đợi đến khi hết dịch. Còn chị Bảy vẫn bán cháo vịt mỗi chiều, nay thay bằng nồi cháo bò. Vẫn là cháo cả thôi, nhưng cháo bò chị bán chậm hơn hẳn cháo vịt vì chị nấu sao thành thục bằng những người bán cháo bò có thâm niên gần đó…
Vậy đó, trong các rủi ro về sản xuất, hóa ra, rủi ro về nông nghiệp ảnh hưởng nhiều nhất, trực tiếp nhất đến cuộc sống, sinh hoạt thường nhật của con người. Bởi nông sản chính là nguồn thực phẩm, nguồn dinh dưỡng, là cái duy trì sự sống của con người. Dẫu cho hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định, dịch cúm gia cầm đã được khống chế, và hiện không còn phát sinh ra ổ dịch mới. Và ngay đến khi đại dịch này qua đi, thì những nỗi đau ấy vẫn không thể bù đắp được.
Trước những mất mát ấy, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho người nông dân có gia cầm bị tiêu hủy. Số tiền này có thể chẳng thấm vào đâu so với số tiền người nông dân đã đầu tư vào chuồng trại, thức ăn, giống, và nhiều khoản chi phí khác nhưng cũng là một sự hỗ trợ quý giá với người nông dân lúc này. Và mới đây, người nông dân lại có thêm một sự hỗ trợ khác. Đó là Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định đã giải ngân gần 1 tỷ đồng cho các hộ có gia cầm bị dịch được vay vốn với cơ chế cho vây không phải bảo đảm bằng tài sản. Những chính sách như vậy là hoàn toàn cần thiết và là cách giúp người nông dân vợi bớt những nỗi đau và vượt qua những khó khăn trước mắt để ổn định cuộc sống và tiếp tục có vốn đầu tư cho sản xuất.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cũng cần tính đến việc giúp cho người chăn nuôi có cơ hội để tìm hiểu và mua bảo hiểm cho sản phẩm của mình để trước những rủi ro như trong đợt dịch lần này, họ sẽ nhận được sự bồi thường từ các công ty bảo hiểm. Chẳng hạn, tại đồng bằng sông Cửu Long, có một công ty 100% vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp thu phí bảo hiểm 400 đồng/con gà thịt và 1.320 đồng/con gà đẻ và mức bồi thường cho gà thịt được tính trên kg trọng lượng và gà đẻ là 32.000 đồng/con. Mức đóng bảo hiểm trên có thể là còn cao với người nông dân, và họ sẽ rất ngại ngần để bỏ ra một khoản tiền cho bảo hiểm này, nhất là khi họ còn chưa hiểu được một cách chính xác quyền lợi mà họ được hưởng qua bảo hiểm. Chính ở đây mới chính là lúc cần phát huy vai trò các tổ chức khuyến nông và chính quyền, nhằm hỗ trợ cho người nông dân tiếp cận dịch vụ này thông qua hình thức trợ giúp về tín dụng như bảo lãnh để người chăn nuôi có thể vay vốn ngân hàng mua bảo hiểm.
. Khải Nhân |