Luận Ngữ, cuốn sách kinh điển của Nho gia, viết: Một lần, Tử Cống, học trò của Khổng Tử, hỏi ông: Trị nước thì phải làm thế nào? Khổng Tử trả lời: Túc thực túc binh dân tín dĩ hĩ (Làm cho dân đủ ăn, đủ quân và dân tin, có lòng tin với dân). Tử Cống lại hỏi: Nếu bất đắc dĩ trong ba điều thầy nói không làm được tất cả phải bỏ đi một thì thầy bỏ cái gì. Khổng Tử bảo: Khứ binh (bỏ quân đội đi). Tử Cống lại hỏi nếu trong hai điều còn lại vẫn phải bỏ đi một nửa thì thầy bỏ cái gì. Khổng tử bảo: Khứ thực (bỏ ăn), bỏ no đủ. Nếu người cầm quyền không có chữ tín với dân, nói một đường làm một nẻo, thì dân không biết đặt tay đặt chân vào đâu cả, không biết thế nào cả, cho nên quan trọng nhất là tín.
Tín với dân. Bậc đại thành của hơn hai ngàn năm trăm năm trước đã khẳng định như vậy về đường lối cầm quyền vương đạo.
Không bao giờ thất tín với dân. Đã nói là làm. Chuyện xưa nhưng trong không khí của một đất nước đang trên đường phát triển và hội nhập, nhu cầu về sự công khai dân chủ và minh bạch đang ngày càng đặt ra cấp thiết, thì hơn lúc nào hết phải giữ chữ tín với dân.
Người dân đã tin khi nhìn vào những công trình, khi mới đặt ra ý tưởng đầu tiên, tưởng chừng là rất khó khăn, vậy mà nay đang dần thành hình. Đường Xuân Diệu, tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội… là một ví dụ. Và do vậy, người dân càng tin tưởng hơn vào những dự phóng, rất hiện thực mà cũng là rất lãng mạn như vậy trong tầm nhìn về tương lai của tỉnh.
Người dân đã tin rất nhiều khi nhìn vào những tuyến đường vươn xa lên miền núi, vùng cao; những tuyến đường điện đem ánh sáng đến cho người dân ở vùng sâu, vùng xa; những công trình đem nước tưới cho những cánh đồng khô hạn… Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, công trình thủy lợi Định Bình đã khởi công, tuyến đường ven biển đang nên hình… góp phần đem lại những đổi thay căn bản cho cuộc sống của dân, cũng là đem lại rất nhiều niềm tin trong mỗi người dân.
Và nữa, cải cách hành chính, với mục tiêu là xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa hoạt động có hiệu lực và hiệu quả theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN; cũng là tổ chức bộ máy tinh gọn và xây dựng đội ngũ công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương, mà bước đột phá đầu tiên là thực hiện cơ chế một cửa, đã góp phần đem lại nhiều cho người dân nhiều thuận lợi, được người dân hoan nghênh…
Chỉ một chữ tín mà đi vào hiện thực đời sống cụ thể và sống động như vậy.
Nhưng trong thực tiễn hoạt động của một số cơ quan nhà nước, vẫn còn những trường hợp làm mất niềm tin của dân. Và cũng không ít lần, các vị lãnh đạo tỉnh đã nhắc nhở các cán bộ thuộc quyền: đã hứa với dân thì phải làm đúng.
Trên thực tế giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, có cán bộ làm công tác tiếp dân đã thử thống kê và cho rằng, khoảng 1/3 khiếu nại, tố cáo là đúng. Con số này nói lên điều gì nếu không phải là trong thực tế đời sống vẫn có không ít cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, sách nhiễu, gây mất niềm tin trong dân.
Hay một ví dụ khác: các hộ dân khu nhà tạm sau trận bão số 8 cuối năm 2001 đã được bố trí tạm cư tại khu tạm cư đầu đường Nguyễn Huệ (Quy Nhơn). Thời hạn tạm cư là một năm và sau đó, họ sẽ được bố trí vào những khu chung cư. Tuy nhiên, đến giờ phút này họ vẫn đang sống trong những căn nhà tạm làm bằng tôn, cót ép vài năm nay, phấp phỏng dõi theo từng cơn gió, chờ đợi những khu tái định cư vẫn còn nằm trên… giấy.
Làm cho dân tin, nghĩa là trước tiên, trong mỗi việc làm, dù to, dù nhỏ, đều phải xuất phát từ dân. Tư tưởng này đã được Bác Hồ khẳng định từ năm 1949, giữa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, rằng: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
. Thạch Trung
|