Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, với Bình Định, đây không chỉ đơn thuần là một khái niệm suông, mà đã và đang đi vào thực tiễn với những dẫn chứng thật sinh động.
Hãy lấy một ví dụ. Năm 2000, Bình Định có chủ trương “xóa nhà ở đơn sơ cho gia đình chính sách”. Ngay khi chủ trương này mới ra đời, nhân dân các địa phương đã ủng hộ rất nhiệt tình. Mỗi nhà chính sách được hỗ trợ 5 triệu đồng, nhà của Bà mẹ Việt Nam anh hùng được hỗ trợ 10 triệu đồng để làm một mái nhà kiên cố. Trên thực tế, số tiền đó chỉ là “chất xúc tác”, để rồi nhiều địa phương bằng cách này hay cách khác, hỗ trợ thêm cho các gia đình xây dựng nhà. Nhờ vậy mà đến nay, sau 5 năm triển khai, 6.000 nhà đơn sơ đã bị xóa sổ với tổng kinh phí gần 35 tỉ đồng, và cơ bản đã xóa xong nhà tạm cho các gia đình chính sách, thay vào đó là các ngôi nhà kiên cố khang trang.
Không dừng lại ở đó, mục tiêu xóa nhà tạm cho đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục được đặt ra. Đến nay, Bình Định cơ bản đã xóa xong gần 2.000 nhà cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, trung du.
Đồng thời, trong ba năm (2001-2003), toàn tỉnh đã vận động được hơn 2,3 tỷ đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo” và hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 748 hộ nghèo. Một số địa phương trong tỉnh còn sử dụng nguồn quỹ trên vào việc hỗ trợ nằm viện chữa bệnh cho người nghèo ở các huyện, thành phố, hỗ trợ cho con các gia đình nghèo đi học và hỗ trợ con giống, phương tiện sản xuất. Ngân sách tỉnh cũng đã bỏ ra để hỗ trợ cho hàng trăm hộ nghèo. Năm 2004, tỉnh đặt mục tiêu xóa tiếp 3.000 nhà đơn sơ cho hộ nghèo với tổng kinh phí thực hiện ước khoảng 9 tỷ đồng.
“An cư lạc nghiệp” - cha ông ta chẳng đã từng nói vậy. Và từ những mái nhà ấy, những hộ nghèo, những hộ chính sách còn gặp khó khăn trong cuộc sống đã có thể an cư, để từ đây, yên tâm gầy dựng cho gia đình mình một cuộc sống ấm no, sung túc.
Cùng với những mái nhà thấm nặng nghĩa tình ấy, là những đổi thay đã và đang diễn ra ở vùng cao của Bình Định. Đây lại là một dẫn chứng sinh động khác. Trên những thôn, bản, mà mới nghe tên, chúng ta đã như mường tượng ra những vất vả, khó khăn, nhịp sống lại đang đổi thay từng ngày. Những con đường bê tông đã đến trung tâm xã. Những bản làng đã không còn bị ngăn cách. Những mái trường mới mọc lên. Những công trình văn hóa đang mọc lên. Và người dân đã tiếp cận được các phương tiện thông tin đại chúng, với phát thanh - truyền hình…
Rồi hàng loạt chính sách khác của tỉnh về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, về giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ xin ăn, về xóa đói giảm nghèo… Những chính sách xã hội đó đã và đang góp phần tạo nên những thay đổi rất lớn trong đời sống của mỗi người dân.
Trên thực tế, nếu kết quả của tăng trưởng kinh tế không được phân phối đồng đều trong xã hội, và nếu sự chênh lệch thu nhập di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì không những mức độ tăng trưởng sản xuất có thể suy giảm mà ngay cả xã hội cũng có nguy cơ mất ổn định. Gắn tăng trưởng kinh tế với việc giải quyết những vấn đề xã hội, nghĩa là tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững - đó không chỉ là một mục tiêu đẹp, mà là một trong những kinh nghiệm mà Bình Định tích lũy được từ thực tiễn. Đây cũng chính là tiền đề cho những bước tiến vững chắc trong tương lai.
. Nguyên Hạo |