Trong những chuyến đi, qua những miền đất khác nhau, có khi lên tận thượng nguồn An Lão, Vĩnh Thạnh, hay xuống miệt đồng bằng, rồi thả bước chân trên những vùng cát ven biển, ở đâu, trong tầm mắt chúng tôi, vẫn những sắc xanh của ruộng đồng, xứ sở, màu xanh của niềm hy vọng hiện hình trong ánh mắt mỗi người dân.
Đánh thức tiềm năng của đất, xét cho cùng là ước vọng muôn đời của dân Việt. Một dân tộc mà ngay từ buổi bình minh lịch sử, đã cắm đôi chân mình trong bùn đất phù sa châu thổ, biết chắt lấy từng giọt nước mát lành, và ươm trồng cho những mùa vàng trĩu hạt.
Đánh thức tiềm năng của đất, mỗi người dân hôm nay đang nỗ lực đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, đem giống mới vào sản xuất, lo cho những vụ mùa bội thu. Và đây, những cánh đồng 50 triệu/ha đã xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương trong tỉnh. Và đây, những khu quy hoạch các loại cây trồng mới cho công nghiệp chế biến đã hình thành.
Ngay tại xã nghèo Cát Hải, với cơ cấu cây trồng mùa vụ hợp lý, những cánh đồng cũng đã bắt đầu cho thu nhập cao. Còn ở An Lão, một huyện vùng cao, đồng bào trong những năm qua, đã không chỉ biết làm lúa nước, biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để thâm canh, tăng năng suất và chất lượng, mà còn mạnh dạn chuyển hướng, phát triển kinh tế vườn nhà, vườn rừng. Một số diện tích trồng lúa bấp bênh đã chuyển sang trồng cây ăn quả hay nuôi cá với cả một vùng trồng cây ăn quả đã quy hoạch.
Tuy vậy, đánh thức tiềm năng của đất không hẳn là chỉ chăm chắm nhìn vào mảnh ruộng và áp dụng các chính sách tăng năng suất và sản xuất nông sản theo lý luận cổ điển. Nếu chỉ có vậy, không bao giờ chúng ta phát huy hết tiềm năng của đất. Trên thực tế, nhìn về tổng thể chung, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích ở Bình Định chưa tới 20 triệu đồng/ha (tức là chỉ khoảng hơn 1.000 USD), vẫn quá thấp so với các nước trong khu vực. Đánh thức tiềm năng của đất đòi hỏi phải có sự đầu tư mạnh hơn và những bước đi có tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp và đầu tư cho nông thôn.
Trên thực tế, nền nông nghiệp của ta dù đã tăng trưởng khá nhanh từ thời kỳ đổi mới nhưng đã không dẫn đến việc chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Nguyên nhân chính là vì chúng ta vẫn tập trung phần lớn vào sản xuất nông sản thô, nên rất khó thực hiện việc đa dạng nông sản cũng như phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm để rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp. Do vậy, năng suất lao động và thu nhập của nông dân đã khó tăng nhanh để tạo tích lũy cho nông nghiệp và đầu tư lao động cùng tư bản vào phát triển công nghiệp theo các mô hình phát triển quen thuộc.
Chiến lược phát triển mới là chính sách toàn bộ và liên kết, nhắm vào tăng sản xuất nông nghiệp gồm cả các biện pháp xã hội, giáo dục và y tế. Nói chung, thúc đẩy phát triển nông nghiệp đâu chỉ nhắm vào đầu tư phát triển ngành này, ngành kia hay thúc đẩy việc cải tiến kỹ thuật nông nghiệp mà quan trọng hơn là áp dụng những thể chế thích ứng (ruộng đất, tín dụng, nông dân, thị trường). Muốn chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lại phải kích thích những lợi ích của nông dân dẫn đến sản xuất hàng hóa, tập trung ruộng đất và rút dần lao động ra khỏi nông nghiệp.
Vậy là từ mục tiêu đánh thức tiềm năng của đất, chúng ta lại phải tiến hành hàng loạt những chính sách khác có liên quan. Nhìn vào thực tế ngành sản xuất nông nghiệp Bình Định thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy đã có những bước chuyển tích cực. Bên cạnh sự đầy tư xây dựng những nhà máy chế biến: nhà máy đường, nhà máy chế biến dứa, tinh bột sắn… là những chuyện khá lạ như: nông dân được đào tạo để trở thành… giảng viên, rồi nông dân được xuất ngoại đi học kinh nghiệm. Tuy nhiên, chỉ một khi những sự lạ như vậy trở thành chuyện thường ngày thì lúc đó, mới có thể nói là đã có bước chuyển tích cực.
Đánh thức tiềm năng của đất, từ ước mơ sơ khởi là tăng năng suất và diện tích, nay là phát triển đời sống cho chính những người một nắng hai sương bán mặt cho đất.
. Khải Nhân
|