Mỗi ngày, cái ý muốn buông tuồng của một khát vọng lãng du lại kéo bước chân tôi ra khỏi những vòng cung thường nhật. Và tôi cứ muốn, dẫu chỉ là một phút, được dừng chân trước biển, được thả cho tầm mắt buông theo những con nước mênh mang của vùng đầm Thị Nại. Dưới mặt nước kia, đâu là ký ức lịch sử cả những trận chiến giữa Quang Trung với Nguyễn Ánh, và đâu, dấu tích những chuyến thuyền khách thương hồ cập bến Thị Nại, Nước Mặn… Những con nước cũng như mang theo trong cái mênh mang ấy ước vọng thẳm sâu của cư dân một vùng đất tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra biển này, về những chuyến khơi xa.
Tôi nhớ đã từng đọc ở đâu, về những chiếc ghe mang đậm kỹ thuật đặc trưng Bình Định được tìm thấy ở quanh vùng Đông Nam Á. Cũng chẳng lấy chi làm lạ, vì người miền Trung trước nay đã là thầy trong kỹ thuật ghe thuyền. Cũng chẳng lấy gì làm lạ vì miền Trung thời trung đại là nơi khá phồn thịnh với ngành thương mại, buôn bán. Theo Tân đường thư, Địa lý chí thì ở thế kỷ VII đến thế kỷ X, trên con đường biển từ Quảng Châu (Trung Hoa) đến Bagdad (Ả Rập) thuyền bè quốc tế Trung Hoa, Ba Tư, Ả Rập, Srivijaya bao giờ cũng có ghé qua Môn Dộc (Quy Nhơn). Và cũng chẳng nói chi xa những Thanh Hà, Hội An, Cửa Hàn… chỉ ngay Thị Nại, Nước Mặn, và rồi Quy Nhơn đã là một minh chứng cho sự phồn thịnh một thuở trên bến dưới thuyền. Hay như chuyện Nguyễn Nhạc rồi vua Quang Trung từng tiếp xúc và mở cửa với thương nhân ngoại quốc. Người xưa đã tích cực dấn thân vào luồng thương mại quốc tế trên biển như vậy.
Ôi, lại là chuyện ngày xưa (!). Đến đây, hẳn bạn sẽ nghĩ vậy. Mà cũng phải thôi, vì chúng ta đang sống trong ngày hôm nay. Do vậy, quá khứ ấy, ký ức ấy chỉ có nghĩa một khi được viết ở thì hiện tại, bằng ngôn ngữ của bây giờ. Hãy xem tiếp những toan tính của người hôm nay nối bước người hôm xưa.
Đó là Cảng Quy Nhơn đang đầu tư xây cầu tàu 3 vạn tấn và đang đề nghị nạo vét luồng lạch để đón những chuyến tàu mang thêm nhiều hàng hóa đến từ khơi xa. Bây giờ, thì lượng hàng hóa thông qua cảng biển ngày càng tăng, năm 2003 đã đạt hơn 2 triệu tấn hàng hóa, vượt kế hoạch của Chính phủ đề ra đến năm 2005. Bên cạnh Cảng Quy Nhơn, Cảng Thị Nại cũng đang trong khát vọng mở cửa thông thương ra thị trường bên ngoài như vậy.
Ngoài ra, khu kinh tế Nhơn Hội với cảng biển nước sâu sẽ đạt quy mô 10 triệu tấn/năm, mà trước mắt trong năm 2005-2010 đạt 2 triệu tấn, sẽ là cửa ngõ cho hành lang kinh tế đường 19. Cảng biển Nhơn Hội khi đó sẽ đón lượng hàng hóa hành lang Đông - Tây theo quốc lộ 19, nối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Tây Nguyên và Lào, Campuchia, Thái Lan, tạo ra một cửa mở lớn thông thương ra với quốc tế. Rồi đây, trên vùng cửa biển lịch sử, sẽ lại tấp nập với những thương thuyền lớn, nối Quy Nhơn với những thương cảng lớn trên thế giới, đưa những chuyến hàng đến với thị trường xa.
Đứng bên bờ đầm Thị Nại khi trời vừa chớm sáng. Đâu đó, nghe như có những tiếng lanh canh đã trỗi từ một vùng dân cư ven bờ đầm. Người dân quê tôi lại trở dậy và chiếc xuồng nhỏ của họ lại bình thản nối vào nhịp sống một ngày mới bằng những chuyến đi câu, đánh lưới. Một mai, ai trong những cư dân của sóng nước này sẽ có mặt trên những con thuyền thông thương ấy, và vùng bờ đầm này rồi sẽ biến đổi như thế nào trong cái ngày mai không xa ấy?… Dẫu là ai và như thế nào thì những con người am tường thông thuộc sóng nước ấy hẳn sẽ đủ bản lĩnh để nương tựa vào nó mà đem lại vinh quang cho quê hương, đất nước.
Một hồi còi tàu đã vừa kéo lên. Quy Nhơn thành phố như con tàu trước mũi sóng đã sẵn sàng cho những chuyến đi.
. Khải Nhân |