Vài nét về Báo Bình Định

Báo Bình Định là cơ quan của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Định, Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định.

Báo Bình Định hiện xuất bản: thứ hai, ba, tư, năm, sáu, Bình Định Nguyệt san và Bình Định điện tử (khai trương ngày 1 tháng 1 năm 2003). Nội dung và hình thức tờ báo từng bước được cải tiến, nâng cao chất lượng được bạn đọc biểu dương, khen ngợi.

Lực lượng cán bộ, công chức của Báo Bình Định có 42 người (trong đó có 7 hợp đồng). Trình độ cán bộ, biên tập viên, phóng viên đều tốt nghiệp đại học. Hiện nay, Báo Bình Định có bảy phòng, ban: Thư ký xuất bản, Kinh tế, Văn xã, Thứ 6 – Bình Định Nguyệt san, Bạn đọc – cộng tác viên, Bình Định điện tử, Tổ chức – Hành chính – Trị sự.

Về cơ sở vật chất, trụ sở của Báo Bình Định được tỉnh đầu tư gần 3 tỉ đồng xây dựng, đã khánh thành vào dịp Ngày báo chí Việt Nam 21-6-2002; là một trong những trụ sở vào loại đẹp, bề thế so với trụ sở báo Đảng địa phương cả nước. Phương tiện tác nghiệp của các ban, phòng chuyên môn như các loại máy vi tính (kể cả máy tính xách tay), máy ảnh (kể cả máy ảnh kỹ thuật số), máy quét ảnh (Scaner)… được trang bị tương đối đầy đủ.

Việc ra đời Báo Bình Định điện tử với yêu cầu đưa thông tin nhanh nhậy, kịp thời sẽ giúp cho bạn đọc trong, ngoài tỉnh, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài hiểu hơn về công chuyện làm ăn, quá trình hội nhập của tỉnh Bình Định vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời cách làm báo điện tử cũng sẽ giúp cho cán bộ, phóng viên cơ quan nhanh nhậy hơn trong việc tiếp cận và đưa thông tin trên báo, cả báo điện tử và báo viết.

Ngày 1-11-2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã bổ nhiệm mới cho Báo Bình Định hai Phó Tổng biên tập (một nguyên là Trưởng ban Văn xã, một là Trưởng ban Kinh tế). Như vậy hiện nay Báo Bình Định có một Tổng biên tập và ba Phó Tổng biên tập, gồm: Tổng biên tập: Trần Trung Kiên; Phó Tổng biên tập: Bùi Thị Xuân Mai, Lưu Ngọc Minh, Trần Thanh Hải.

Bên cạnh ra đời báo điện tử, Báo Bình Định cũng đang chuẩn bị dần từng bước để đến đầu năm 2005 sẽ xuất bản báo hàng ngày.

LƯỢC SỬ BÁO BÌNH ĐỊNH

Phần I: NHỮNG TỜ BÁO TIỀN THÂN (*)

Sau ngày toàn dân Bình Định nhất tề nổi dậy giành chính quyền tại tỉnh lỵ Quy Nhơn (ngày 23-8-1945), tiếp đó, giành chính quyền ở tất cả các phủ, huyện trong tỉnh, hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập từ tỉnh đến huyện, xã. Nhằm đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, phổ biến 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, tờ Tranh đấu của Việt Minh cứu quốc do đồng chí Phạm Minh Hiền trực tiếp phụ trách (thời gian tập kết ra Bắc, đồng chí Hiền được giao nhiệm vụ làm Phó Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc). Tờ Tranh đấu chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Việt Minh Nguyễn Huệ ra tờ Tin tức, về sau được chuyển thành báo “Tia sáng” của thị xã Quy Nhơn. Báo Tia sáng có 4 trang khổ bằng tờ giấy manh học sinh, in tipô khá đẹp tại cơ sở in Y Đại, phát hành đến các phường, xã của Quy Nhơn…

Khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Ủy ban Kháng chiến từ tỉnh đến huyện, xã được thành lập song song với Ủy ban Hành chính (về sau hợp nhất thành Ủy ban Kháng chiến – Hành chính), công tác thông tin tuyên truyền cổ động toàn dân hăng hái thi đua kháng chiến, kiến quốc theo Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch được đặt thành nhiệm vụ hàng đầu. Ty Thông tin Bình Định được Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến – Hành chính giao nhiệm vụ chuẩn bị mọi điều kiện để xuất bản và phát hành một số tờ báo ra định kỳ và liên tục, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền cổ động toàn dân hăng hái thi đua sản xuất tự cung, tự cấp, phục vụ kháng chiến và chiến đấu bảo vệ quê hương. Tờ Tin tức ra vào các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy hàng tuần do đồng chí Nguyễn Thành, Trưởng ban Tuyên truyền kháng chiến của tỉnh trực tiếp phụ trách. Số báo đầu tiên ra vào dịp Tết Đinh Hợi (khoảng cuối tháng 1-1947). Báo gồm 4 trang khổ 15-20cm, in tipô (nhờ có máy móc, chữ chì của nhà in Y Đại). Tiếp đó tờ Tin tức hằng ngày được xuất bản vào tháng 9-1947, gồm 2 trang khổ 15-20cm. Tờ Tin mới cũng của Ty Thông tin ra hằng tuần, 4 trang khổ 15-20, in tipô, ra số đầu tiên vào ngày 21-11-1950, đến số 50 (ngày 4-11-1952) thì hòa nhập vào tờ Tin tức Bình Định. Đến tháng 10-1951, Ty Tuyên truyền – Văn nghệ lại xuất bản tờ Tin tức gồm 2 trang khổ 30 - 40cm. Để cổ vũ cho phong trào thi đua Ái quốc do Hồ Chủ tịch phát động, Tập san Thi đua Ái quốc chỉ ra được một số vào ngày 10-12-1948. Tờ Dân chúng của cơ quan tuyên truyền kháng chiến ra số đầu tiên vào ngày 23-4-1949 (không thấy có các số tiếp theo). Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, tờ Hòa bình được xuất bản mỗi tuần một số thay cho các tờ Tin tức trước đây. Số đầu tiên ra ngày 20-7-1954 và tồn tại đến ngày 15-5-1955, ngày tập kết cuối cùng của chính quyền và quân đội ta.

Nhìn chung, vì Bình Định là vùng tự do nên trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, báo chí cách mạng rất phong phú, đa dạng, tuy ra khổ nhỏ, nhưng được in tipô khá đẹp. Nội dung được báo đăng tải gồm các bài giải thích đường lối, chủ trương, chính sách kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ; giải thích bản chất của chế độ dân chủ nhân dân, đại đoàn kết dân tộc; thông tin chiến thắng của các chiến trường, thành tích thi đua tăng gia sản xuất, bố phòng xây làng chiến đấu, phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng đời sống mới, bài trừ mê tín, dị đoan, đồi phong, bại tục; nêu gương người tốt việc tốt.. Thể loại thơ, ca, hò, vè, tranh minh họa, tranh châm biếm, nhất là các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Tú Mỡ, Nguyễn Viết Lãm, Vương Linh, Phạm Hổ, Yến Lan, Tô Hải… rất hấp dẫn đối với bạn đọc.

Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt, đầy hy sinh, gian khổ, những năm từ 1955 đến 1960, tỉnh, huyện đều không có khả năng xuất bản báo, vì không có cán bộ phóng viên, máy móc, giấy mực. Sau ngày Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20-12-1960), Tỉnh ủy giao Ban Tuyên huấn tỉnh trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xuất bản báo. Tờ Giải phóng, cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bình Định ra số đầu tiên vào dịp kỷ niệm một năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Thời gian này, đồng chí Tô Liễu, biên tập viên Tạp chí Học tập của Trung ương Đảng, từ miền Bắc trở về quê nhà, được Tỉnh ủy phân công làm Phó trưởng ban Tuyên huấn tỉnh, trực tiếp phụ trách báo Giải phóng. Báo ra mỗi tháng một kỳ, 4 trang khổ tờ giấy manh học sinh, in litô (bảng đá), mỗi số non 100 bản. Cán bộ phụ trách in litô hồi đó là đồng chí Cao Văn Minh (đã hy sinh, là liệt sĩ). Tòa soạn báo chỉ có vỏn vẹn một vài cán bộ, đồng chí phụ trách Tòa soạn vừa làm “chủ nhiệm”, biên tập viên, phóng viên. Một số cán bộ các ngành cấp tỉnh làm cộng tác viên, thông tín viên. Những năm 1963 – 1964 – 1965, trong phong trào đồng khởi phá ấp chiến lược, giải phóng đại bộ phận nông thôn, số lượng phát hành báo Giải phóng tăng hơn trước và được đưa đến tận các cơ sở vùng giải phóng trong tỉnh, mang lại hiệu quả tuyên truyền mạnh mẽ.

Đến giữa năm 1965, đế quốc Mỹ ào ạt đổ quân vào miền Nam, thực hiện chiến

 tranh cục bộ, báo Giải phóng được đổi tên thành báo Quyết thắng, ra mỗi tháng một kỳ, xuất bản liên tục cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Những năm cuối thập kỷ 60 đầu thập kỷ 70, đông đảo cán bộ Bình Định từ miền Bắc lần lượt tình nguyện trở về quê nhà trực tiếp tham gia chống Mỹ, cứu nước, giải phóng quê hương. Một số cán bộ chính trị, cán bộ giáo dục được tăng cường cho Ban Tuyên huấn và bổ sung vào Tòa soạn báo Quyết thắng. Sau khi đồng chí Tô Liễu ra Bắc chữa bệnh (đầu năm 1971), đồng chí Nguyễn Xuân Lai (Mai), tiếp đến đồng chí Ngô Xuân Phước và sau cùng là đồng chí Phạm Dư được phân công phụ trách Tòa soạn báo Quyết thắng. Thời gian này, việc giao thông liên lạc giữa tỉnh với khu và Trung ương ngày càng thông suốt, thuận lợi, Tỉnh ủy đã cử một số cán bộ ra miền Bắc xin chi viện về thiết bị máy móc, chữ, mực in và công nhân kỹ thuật về đảm đương nhiệm vụ in ấn báo Quyết thắng. Từ đó, báo được in rõ, đẹp hơn, xen vào các trang báo có một số hình ảnh (ảnh kẽm được chế bản từ miền Bắc mang về). Nội dung, thể loại được đăng tải trên báo gồm xã luận giải thích các chủ trương, chính sách; tin tức phản ảnh chiến thắng trên các chiến trường trong tỉnh, khu V và miền Nam, thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự chi viện hết mình của hậu phương lớn; biểu dương người tốt, việc tốt; thơ ca, hò vè cổ động toàn dân hăng hái thi đua đẩy mạnh cuộc chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng, theo Lời kêu gọi của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào… Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”.

Ngoài ra, bên Tỉnh đội có tờ Quân giải phóng và Thị ủy Quy Nhơn có tờ Tin Quy Nhơn, ra không được đều kỳ và liên tục.

Nhìn chung, trong kháng chiến chống Mỹ, báo Giải phóng, sau đổi thành báo Quyết thắng, tuy về danh nghĩa là cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh, nhưng về thực chất thì do Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, có Ban Tuyên huấn vừa làm tham mưu, vừa tác nghiệp. Do gặp nhiều khó khăn về đội ngũ biên tập viên, phóng viên cũng như về cơ sở vật chất kỹ thuật nên nội dung báo không được đa dạng, phong phú, nhiều khi còn đơn điệu, hình thức kém hấp dẫn. Tuy vậy báo chí Bình Định trong thời kháng chiến chống Mỹ là công cụ tuyên truyền hiệu quả, được đông đảo cán bộ và nhân dân tin tưởng, mến mộ.

Sau đại thắng mùa xuân 1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thực hiện chủ trương của Trung ương, tháng 11-1975 hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định sáp nhập thành tỉnh Nghĩa Bình. Thị xã Quy Nhơn trở thành tỉnh lỵ của tỉnh mới. Hai tòa soạn: báo Quảng Ngãi xây dựng và báo Quyết thắng (Bình Định) cũng hợp nhất thành báo Nghĩa Bình trụ sở đóng tại 114 Tăng Bạt Hổ, thị xã Quy Nhơn.

Tổ chức tờ báo được ổn định nhanh, nguồn cán bộ chủ yếu là anh chị em phóng viên, biên tập viên từ chiến khu Bình Định, Quảng Ngãi và khu 5 về đang công tác tại hai tòa soạn hợp lại. Phụ trách tờ báo Nghĩa Bình trong thời gian này là đồng chí Phạm Dư.

Báo Nghĩa Bình ra số đầu tiên vào ngày 1-1-1976, in tipô, 4 trang, đen trắng, khổ 34cm - 43cm xuất bản 1 kỳ/tuần vào thứ sáu.

Thời gian này báo tập trung tuyên truyền cho việc khôi phục sản xuất đối với các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khai hoang phục hóa để mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp; về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Cuối năm 1976 tổ chức lãnh đạo cơ quan báo có sự thay đổi: Đồng chí Hoài Nam, Phó ban Tuyên giáo tỉnh về làm Tổng biên tập Báo Nghĩa Bình; đồng chí Phạm Dư, Phó tổng biên tập; các đồng chí: Huỳnh Hữu Tỷ, Nguyễn Phúc Hoàng là ủy viên Ban biên tập.

Từ tháng 1-1977, báo Nghĩa Bình tăng lên 2 kỳ vào thứ ba và thứ sáu, khuôn khổ, số trang... vẫn như số đầu tiên.

Thời gian này báo tập trung tuyên truyền cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Nam thông qua việc cải tạo CTN ở thành phố, thị tứ và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn.

Trong suốt năm 1978, tình hình nhân sự và công tác tuyên truyền của báo không có gì đột biến. Thời gian này, báo tiếp tục tập trung tuyên truyền cho xây dựng hợp tác xã nông nghiệp; giải quyết vấn đề lương thực thông qua việc thâm canh, tăng vụ, xây dựng các vùng kinh tế mới, thực hiện định canh, định cư, áp dụng tiến bộ KH-KT vào nông nghiệp, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp thông qua việc làm thủy lợi, giao thông nông thôn...

Trong năm 1979, báo Nghĩa Bình đã có trang cuối tháng theo những chủ đề phù hợp với yêu cầu tuyên truyền từng thời gian như: uống nước nhớ nguồn, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... gồm những bài viết có tính chất nhẹ nhàng, có góc thơ, truyện vui, ca dao...

5 năm sau ngày ra số báo đầu tiên, đầu năm 1981, báo Nghĩa Bình tăng từ 2 kỳ lên 3 kỳ/tuần vào thứ ba, thứ năm và thứ bảy với số trang và khổ báo như cũ.

Trong suốt 3 năm (1981, 1982 và 1983) tờ báo gần như không thay đổi với các chuyên mục cũ và trang cuối tháng ngày càng được định hình.
Đầu năm 1984 (ngày 3-1-1984) Báo Nghĩa Bình mở rộng khổ từ 31cm x 43cm lên 36cm x 50cm. Báo vẫn giữ nguyên kỳ xuất bản vào thứ ba, thứ năm và thứ bảy hàng tuần.

Tháng 4-1984 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghĩa Bình quyết định đề bạt 3 đồng chí Phó tổng biên tập: Nguyễn Thanh Đạt, Huỳnh Hữu Tỷ, Trần Trung Kiên.

Năm 1984, cũng là năm Báo Nghĩa Bình đón mừng ngày xuất bản số báo thứ 1.000 (ngày 22-9-1984). Đó là cái mốc đánh dấu sự vững vàng của một tờ báo Đảng địa phương. Lúc bấy giờ, trong số các tờ báo Đảng địa phương (trừ 3 tờ báo hàng ngày là Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Hải Phòng kiến thiết) thì báo Nghĩa Bình là tờ báo duy nhất trong 40 tờ báo tỉnh thành ra mỗi tuần 3 kỳ với chỉ số phát hành 7.000 tờ/kỳ đến phần lớn các xã, phường, các tổ chức Đảng và chính quyền cơ sở và một số đội sản xuất trong hợp tác xã nông nghiệp. Đặc biệt huyện An Nhơn phát hành báo đến tất cả 300 đội sản xuất.

Kỷ niệm 10 năm ngày xuất bản (1-1-1976 đến 1-1-1986) Báo Nghĩa Bình nâng khổ tờ báo từ 36cm x 50cm lên 42cm x 56cm nhưng lại rút bớt kỳ xuất bản từ 3 kỳ xuống 2 kỳ phát hành vào thứ ba và thứ sáu hàng tuần.

Các năm 1987, 1988 và 6 tháng đầu năm 1989, Báo Nghĩa Bình vẫn xuất bản đều đặn 2 kỳ/tuần với khổ lớn như trên với các chuyên trang, chuyên mục ngày càng phong phú. Năm 1987 đồng chí Nguyễn Thanh Đạt giữ Quyền Tổng biên tập thay đồng chí Hoài Nam chuyển qua làm Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Giữa năm 1989, Trung ương có chủ trương tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Tòa soạn Báo Nghĩa Bình cũng được chia đôi. Báo Nghĩa Bình ra số cuối cùng là số 1559 vào ngày 27-6-1989, hoàn thành nhiệm vụ của một tờ báo Đảng địa phương ở thời kỳ có nhiều biến động trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc sau chiến tranh.

Phần II: BÁO BÌNH ĐỊNH
Ngay sau khi tỉnh Bình Định được tái lập, ngày 1-7-1989, báo Bình Định ra số đầu tiên. Về hình thức, chỉ có măng sét là thay đổi từ “Nghĩa Bình” sang “Bình Định”. Khổ báo vẫn giữ nguyên khổ lớn, in một màu, tipô. Số báo đầu tiên tập trung vào mốc lịch sử tái lập tỉnh, ngợi ca quê hương Bình Định.

Để có số báo Bình Định đầu tiên ra đời, công tác tổ chức đã được chuẩn bị rất kỹ trước đó. Vấn đề đặt ra cho Ban biên tập lúc bấy giờ là làm thế nào giữ vững chất lượng tờ báo, vẫn bảo đảm ra mỗi tuần 2 kỳ báo với số lượng cán bộ, phóng viên, biên tập viên đã giảm đi rất nhiều do số cán bộ, phóng viên, biên tập viên ở Quảng Ngãi trở về làm báo Quảng Ngãi.

Trong tình hình đất nước đổi mới, vấn đề chống tiêu cực trên báo được phát huy mạnh mẽ từ những năm trước đó, Báo Bình Định tiếp nối Báo Nghĩa Bình đã có những bước chuyển biến tích cực đẩy mạnh thông tin 2 chiều, chống tham nhũng, chống tiêu cực.

Số báo thứ 6 ngày 29-9-1989 là số báo cuối cùng in khổ lớn của Báo Bình Định sau khi xuất bản được 26 số.

Bắt đầu từ số 27 trở đi Báo Bình Định tiến hành một cuộc đổi mới mạnh mẽ. Mặc dù vẫn in tipô nhưng báo đã chuyển từ 4 trang khổ lớn sang thành 8 trang khổ nhỏ, in 2 màu, thay đổi hình thức măng sét. Thay đổi khổ, việc phân trang cụ thể hơn. Trang 1 gồm tin tức thời sự với các chuyên mục mới “Vấn đề hôm nay”, “Đối thoại hàng tuần” (cho số thứ 3) và “Diễn đàn người Bình Định” (cho số thứ 6). Các trang ruột xuất hiện hàng loạt chuyên mục mới. Các trang 4 và 5 dành cho các vấn đề văn hóa, văn nghệ, xã hội; trang 2 dành cho kinh tế nông lâm nghiệp; trang 3 kinh tế công thương nghiệp. Lần đầu tiên mở ra trang Bạn đọc. Ngoài các chuyên mục đã có từ trước như Bảo nhau, Đầu làng… cuối phố, Bình Định quê ta… báo đã mở thêm hàng loạt chuyên mục mới “Chuyện tuần này”, “Những điều trông thấy” (trang 8), “Giới thiệu gương mặt sáng tác”, “Câu lạc bộ cuối tuần”, “Tin nhanh thể thao” (trang 4+5), “Đọc nhanh báo bạn” (trang 7)…

Sự cải tiến mạnh mẽ về hình thức và nội dung đã thực sự lôi cuốn bạn đọc. Chỉ sau 6 số báo cải tiến, ông Trần Công Lý – một bạn đọc tâm đắc của báo đã gửi đến Tòa soạn bức thư khen ngợi (đăng trên số 33 ngày 24-10-1989). Nội dung thư có đoạn “Báo Bình Định chất lượng ngày càng cao. Các chuyên mục đi sâu hơn, rộng hơn, đề cập nhiều vấn đề nóng bỏng hơn, nếu không nói là mang tính thời sự quyết liệt. So với Báo Nghĩa Bình, Báo Bình Định khen, chê nhiều hơn. Nhiều chuyên mục lý thú. Chúng tôi mừng vui vì Báo Bình Định ngày càng đáp ứng mong mỏi của bạn đọc”.

Từ đây Báo Bình Định đã không ngừng hoàn thiện về nội dung và hình thức.

Đến số báo 284 ra ngày 15-11-1991, Báo Bình Định được in ôp-xét. Hình ảnh đã rõ ràng hẳn lên. Tờ báo trang nhã. Ban biên tập phần nào đã yên tâm về mặt hình thức, tập trung đẩy mạnh cải tiến nội dung.

Đến tháng 7-1992 đồng chí Tổng biên tập Nguyễn Thanh Đạt nghỉ hưu. Đồng chí Trần Trung Kiên được cử giữ chức vụ Tổng biên tập. Đồng chí Bùi Thị Xuân Mai, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh được điều về Báo, giữ chức vụ Phó Tổng biên tập.

Từ ngày 2-9-1992, lần đầu tiên Báo Bình Định mở ra cuộc thi với quy mô lớn về đề tài và trị giá giải thưởng: Cuộc thi phóng sự, điều tra. Từ đây, thể tài phóng sự, điều tra trên báo được tăng cường. Chất lượng nội dung đã được nâng lên một bước mới. Số lượng bài minh họa ảnh tăng lên rõ rệt. Hình thức tờ báo sống động nhờ hình ảnh của phóng sự, điều tra được đặt ngay trên trang 1.

Từ đây các cuộc thi nối tiếp các cuộc thi. Sau cuộc thi “Phóng sự điều tra” là cuộc thi “Phóng sự điều tra và ký” và cuộc thi “Phóng sự, điều tra, ký và người tốt việc tốt” kéo dài tới năm 2000. Cuộc thi sau quy mô lớn hơn, giải thưởng lớn hơn cuộc thi trước.

Các cuộc thi với hai hệ giải thưởng dành cho phóng viên và cộng tác viên đã thực sự thu hút đội ngũ cộng tác viên. Qua cuộc thi số lượng cộng tác viên của báo đã tăng lên rõ rệt, sự gắn bó giữa cộng tác viên và tòa soạn mật thiết hơn.

Tháng 2 năm 1992, trong ngổn ngang khó khăn về nguồn lực, nhất là nhân lực, một số phóng viên gạo cội rời khỏi báo đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…hợp lý hóa gia đình, nhưng Ban Biên tập đã mạnh dạn cho ra đời “Bình Định Nguyệt san”. Từ số lượng 20 trang in khổ nhỏ, trang bìa không tách màu ban đầu, tờ nguyệt san đã không ngừng trưởng thành và tăng lên 36 trang, các trang bìa đã được in tách màu, nội dung ngày càng phong phú, thu hút được sự quan tâm, yêu mến của độc giả.

Một mốc sau thời gian rất đáng ghi nhận của Báo Bình Định nữa đó là nhân dịp kỷ niệm 21 năm ngày giải phóng quê hương và lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ngày 1-4-1996, trong điều kiện cơ quan, cả CB,CNV và phóng viên chỉ có 28 người, Ban Biên tập quyết định tăng thêm 1 kỳ báo trong tuần. Như vậy từ mỗi tuần Báo Bình Định ra 2 kỳ (thứ ba và thứ sáu) đến ngày 1-4-1996 báo Bình Định có 3 kỳ trong tuần (thứ ba, thứ năm và thứ bảy). Đặc biệt số báo thứ bảy có 12 trang. Đáp ứng cho yêu cầu này, trước đó Ban Biên tập đã có sự chuẩn bị chu đáo. Từ 1-4-1996, Báo Bình Định đã thay đổi cách viết tin một cách triệt để. Tin trở nên ngắn gọn hơn rất nhiều và số lượng tin tăng lên rất đáng kể. Nếu trước đó trên mỗi số báo chỉ có từ 10-13 tin thì từ cái mốc thời gian này, số tin trên báo đã tăng lên đến 25-30 tin. Tính thời sự trong thông tin cũng được tăng cường do quy trình từ phóng viên đưa tin bài đến khi báo ra được rút ngắn. Mảng tin trên báo được phân loại, và không chỉ có tin thời sự trên trang 1, Báo Bình Định còn có các chùm tin trang trong như “tin kinh tế”, “tin văn hóa- xã hội”, “tin đầu làng…cuối phố”. Cũng từ yêu cầu này, một ban mới là Ban thứ 7 và Bình Định Nguyệt san ra đời. Chuyên mục, chuyên trang tiếp tục được mở rộng và ngày càng định hình.

Sau tròn 3 năm từ ngày báo tăng kỳ, ngày 1-4-1999, số báo Bình Định thứ 7 hàng tuần được in tách màu 4 trang. Từ đây đặt ra yêu cầu ảnh trên các trang 1, 6, 7, 12 phải nhiều, đẹp, mang cả tính nghệ thuật. Báo bắt đầu mở ra chuyên mục “Ảnh chọn kỳ này” đăng nhóm ảnh đẹp trên trang 12.

Đầu tháng 10-1998, Báo Bình Định đã tổ chức trọng thể chào mừng xuất bản số báo thứ 1.000, trùng hợp cùng lúc tỉnh Bình Định tổ chức kỷ niệm 396 năm Quy Nhơn và 100 năm thành lập thành phố tỉnh lỵ Bình Định. Trong ngày hội lớn của báo, nhiều báo bạn thân thiết và các tỉnh lân cận đã đến chúc mừng. Từ đây, Ban Biên tập đã nảy sinh nhiều dự định mới trong đó có dự định chuẩn bị mọi điều kiện để Báo Bình Định tiếp tục tăng kỳ vào tháng 7-1999. Được sự nhất trí của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các trang bị như máy vi tính, máy photocoppy, máy ảnh cho phóng viên được tăng cường. Đầu năm 1999, Ban biên tập thể nghiệm thành lập Tiểu ban thời sự do phóng viên từ các ban hoạt động kiêm nhiệm đồng thời chọn ra mỗi huyện một cộng tác viên khá nhất để thành lập tổ “cộng tác viên tâm đắc”. Tiểu ban thời sự cùng tổ “cộng tác viên tâm đắc” đã góp phần làm cho tin tức và vấn đề thời sự trên báo Bình Định phong phú, nóng bỏng hơn, kịp thời hơn.

Tháng 7-1999, sự chuẩn bị đã đầy đủ, thời cơ đã chín muồi, Ban Biên tập Báo Bình Định quyết định tăng thêm kỳ báo thứ 4. Nghĩa là mỗi tuần Báo Bình Định có Bình Định thứ 2, Bình Định thứ 4, Bình Định thứ 6 và Bình Định thứ 7. Số Bình Định thứ 7 vẫn bảo đảm 12 trang như cũ. Cùng với sự tăng kỳ báo hàng loạt các chuyên mục mới ra đời. Nhiều chuyên mục định hình, được bạn đọc yêu mến quan tâm như: “Từ sự kiện đến vấn đề”, “Người tốt việc tốt”, “Diễn đàn”, “Phỏng vấn nhanh nhà chức trách” (Trang 1); “Doanh nhân - doanh nghiệp”, “Tiếng nói nông dân” (Trang 2, trang 3); “Tình yêu - hôn nhân - gia đình”, “Chuyện vụ án” (trang 4, trang 5); “Sức khỏe cộng đồng”, “Tai nghe, mắt thấy” (trang 6); “Giải trí - tiêu dùng” (số thứ 6)… Đặc biệt Báo đã dành phần đất cho nhóm tin nhanh, tin qua Internet,… được bạn đọc rất hoan nghênh vì tính thời sự cập nhật của nó.

Tháng 10-1999, Chính phủ ra chủ trương làm việc 40 giờ/tuần. CBCNV Nhà nước nghỉ hai ngày là thứ bảy và chủ nhật. Để phù hợp với chủ trương này, Ban Biên tập Báo Bình Định quyết định thay đổi ngày phát hành từ thứ 2, thứ 4, thứ 6 và thứ 7 chuyển thành thứ 2, thứ 3, thứ 5 và thứ 6. Đồng thời hàng tháng vẫn tiếp tục duy trì Bình Định Nguyệt san.

Tháng 7 năm 2001, được phép của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Bộ Văn hóa thông tin, Báo Bình Định tăng thêm kỳ báo thứ 5, vẫn tiếp tục duy trì Bình Định Nguyệt san.

Đầu tháng 11-2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề bạt hai đồng chí Lưu Ngọc Minh (Trưởng Ban Văn xã) và Trần Thanh Hải (Trưởng ban Kinh tế) giữ chức vụ Phó Tổng biên tập. Như vậy đến lúc này Báo Bình Định có 1 Tổng và 3 Phó Tổng biên tập.

Ngày 1-1 năm 2003: bên cạnh tờ báo viết (báo in), Báo Bình Định đã chính thức khai trương một loại hình báo chí mới: Báo Bình Định điện tử.

Nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, cán bộ, phóng viên, CNV Báo Bình Định rất phấn khởi, tự hào. Phấn khởi, tự hào về truyền thống, đồng thời luôn kỳ vọng về chặng đường phát triển tới, cán bộ, phóng viên, CNV Báo Bình Định quyết đồng tâm hợp lực đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao chất lượng tờ báo (báo viết và báo điện tử) cả về nội dung và hình thức. Có như vậy Báo Bình Định mới hòa được vào trào lưu đổi mới báo chí của cả nước, vươn lên sánh vai cùng các tờ báo Đảng bộ địa phương mạnh trong cả nước.
-----------------
*Phần I: Phần viết về Báo Bình Định qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, viết dựa theo tư liệu lịch sử của tỉnh, hồi ức của đồng chí Tô Liễu và tài liệu của đồng chí Hà Giao. Do thời gian quá hạn hẹp nên không tránh khỏi sai sót. Sau này khi biên soạn Lịch sử báo chí Bình Định chúng tôi sẽ có sự hiệu đính, bổ sung đầy đủ hơn.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>