Dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số:
Những tín hiệu vui ban đầu
3:39', 2/1/ 2002 (GMT+7)

Thanh niên dân tộc thiểu số học nghề may công nghiệp tại TT DN-GTVL TN Bình Định

Công tác giáo dục cho học sinh dân tộc ở vùng sâu vùng xa đang rất được chú trọng. Đã có những thầy cô giáo không ngại núi cao đèo sâu cõng chữ lên non cho các em. Và cũng đã có những cán bộ đoàn, thầy giáo trường nghề vượt đèo vượt dốc đến tận nơi để giới thiệu, vận động thuyết phục thanh niên dân tộc thiểu số xuống đồng bằng học nghề.

* Nắm một nghề trong tay

Hôm đoàn cán bộ Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm thanh niên (TT DN - GTVL TN) Bình Định đi khảo sát nhu cầu học nghề của thanh niên người dân tộc thiểu số ở Vân Canh, một bà mí làng Canh Phước (Canh Hòa) phấn khởi nói: "Mình muốn cho con gái mình đi học may để mai mốt đi làm tập thể". Làm tập thể, tức là đi làm công nhân trong các xí nghiệp, công ty. Và từ chuyến đi ấy, việc thí điểm dạy nghề cho thanh niên người dân tộc ở Vân Canh đã được tiến hành tại TT DN-GTVL TN Bình Định, với 10 học viên người Bana và Chăm đầu tiên đang theo học tại hai lớp may công nghiệp.

Ralan Thị Quí, 19 tuổi, dân tộc Bana ở xã Canh Hòa khoe: "Mình đang học may túi. Mình nhập học sau các bạn cùng lớp nên sẽ thi lấy chứng chỉ với các bạn lớp may 2". Học may có khó không? Hoàng Thị Hương (Canh Thuận) nói: "Không, không thấy khó". Còn Quí thì cười: "Mới đầu cũng hơi khó vì tay không quen cầm kéo, chân không quen đạp bàn máy nhưng bây giờ thì quen rồi nên thấy dễ".

TT DN-GTVL TN Bình Định hiện có 2 lớp may công nghiệp mở cách nhau khoảng 1 tháng và đều có học viên là người dân tộc thiểu số. Những học viên này được hưởng các chế độ ưu tiên của nhà nước như: được miễn học phí (130.000đ/tháng), được trợ cấp thêm 150.000đ/người/tháng, ở ký túc xá miễn phí. Bạn Đoàn Thị Thư (Canh Thuận) vui vẻ kể: "Tụi mình được Trung tâm hỗ trợ các vật dụng nhà bếp để tự nấu ăn nên số tiền 150.000 đồng cũng đủ để ăn, không phải xin thêm tiền cha mẹ". Những chế độ ưu tiên trên đã trở thành là sự động viên, hỗ trợ có ý nghĩa giúp những bọn trẻ này yên tâm học nghề và có nhận thức nhất định về vai trò quan trọng của việc học nghề, lập nghiệp. Đoàn Thị Dĩnh (Canh Thuận) thổ lộ: "Mình nhớ nhà lắm, nhưng chừng nào các thầy cho thì mới về chứ không trốn về". Còn Trần Thị Trang (Canh Hòa) thì chân thành: "Đã từ lâu mình mơ ước được đi học may nhưng không biết học ở đâu. Nhờ được các anh ở xã Đoàn giới thiệu, mình và các bạn được đi học may, không những không phải đóng học phí mà còn được cấp tiền ăn nữa".

* "Kéo" thanh niên dân tộc đến với trường nghề

Nếu không đi học may, những bạn trẻ như Quí, Trang, Dĩnh… cũng chỉ loanh quanh ở nhà, đi làm rẫy hoặc làm mướn với thu nhập cao lắm cũng chỉ chừng 20.000đ/ người/ ngày, nhưng không phải ngày nào cũng có người kêu đi làm mướn. Và như thế, tiềm năng lao động ở nông thôn, miền núi đã không được khai thác hết do người lao động không được đào tạo nghề, hướng nghiệp. Anh Hồ Sĩ Dũng - Phó Giám đốc TT DN-GTVL TN Bình Định cho biết: "Qua khảo sát ở các huyện miền núi của tỉnh, chúng tôi nhận thấy thanh niên người dân tộc thiểu số rất cần việc làm. Và một khóa dạy nghề ngắn hạn nhưng ra nghề có việc làm ngay sẽ đáp ứng nhu cầu của các đối tượng này".

Ngoài chế độ chính sách nhà nước cấp, Trung tâm DN-GTVL TN cũng có một số ưu đãi đối với học viên là người dân tộc. Nếu học chưa thạo nghề thì các học viên người dân tộc sẽ được Trung tâm bố trí học tiếp cho đến khi thuần thục mới cấp chứng chỉ. Mặt khác, để giúp các bạn quản lý chi tiêu, việc cấp tiền chính sách cho họ cũng được Trung tâm chia ra cấp từng tuần chứ không cấp luôn một lần mỗi tháng để đảm bảo cho các bạn chi tiêu hợp lý.

Sau khi học xong khóa may công nghiệp, nếu có nhu cầu, tất cả các học viên sẽ được Trung tâm giới thiệu việc làm tại các công ty, xí nghiệp may ở Quy Nhơn hoặc TP Hồ Chí Minh. Anh Hồ Sĩ Dũng nhận định: "Chúng tôi nghĩ rằng sau lớp này, số học viên là người dân tộc sẽ tăng hơn nữa. Vì vậy, để tiện cho việc quản lý, giảng dạy, một lớp may công nghiệp dành riêng cho học viên người dân tộc thiểu số đã được Trung tâm nghĩ đến. Mặt khác, Trung tâm dự định sẽ mở lớp gò hàn và điện dân dụng vào khoảng tháng 6 tới, để các nam thanh niên người dân tộc thiểu số cũng có thể theo học. Chúng tôi cũng đề nghị tỉnh, ngoài tiền trợ cấp 150.000đ/tháng, nên hỗ trợ thêm tiền ăn để các em yên tâm học nghề".

Hiện nay, thông tin tuyển sinh DN-GTVL của TT DN-GTVL TN Bình Định đã xuống tận các xã, thông qua tổ chức Đoàn, Hội. Từ năm 2004, hoạt động giới thiệu việc làm và giải quyết việc làm cho thanh niên đã trở thành một trong những chỉ tiêu thi đua mà Tỉnh Đoàn giao cho các các huyện Đoàn. Như vậy, chắc chắn con số học viên là thanh niên nông thôn nói chung và thanh niên người dân tộc thiểu số nói riêng ở các Trung tâm dạy nghề sẽ tăng lên đáng kể.

NGUYÊN SƯƠNG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tình yêu là gì?  (28/01/2004)
Lời nguyện ước mùa xuân  (21/01/2004)
Sức trẻ của chi bộ tuổi hai mươi  (20/01/2004)
Du lịch sinh thái Hồ Núi Một: Điểm hẹn ngày xuân   (19/01/2004)
Khuya vắng… tích te…   (16/01/2004)
Đi thư viện để làm gì?   (15/01/2004)
Tết muộn  (14/01/2004)
Hồi đó ...   (13/01/2004)
Nhiều bài viết cảm động về gương vượt khó học giỏi  (12/01/2004)
Cây roi gia pháp  (11/01/2004)
Có những tấm lòng  (09/01/2004)
Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn trên con đường tiến quân vào khoa học công nghệ   (07/01/2004)
Thận trọng với mốt  (06/01/2004)
Nghề tiếp thị: vui ít buồn nhiều   (05/01/2004)
Năng động Đoàn phường Ghềnh Ráng   (04/01/2004)