Sáng tác trẻ
Giọt nước mắt đầu tiên...
15:55', 3/10/ 2003 (GMT+7)

Tôi sống trong gia đình buôn bán. Bố mẹ tôi suốt ngày xoay tít trong vòng xoáy: giao hàng, nhận hàng, bán hàng... Và chỉ mỗi việc ấy. Còn tôi chỉ thi thoảng phụ mẹ.

Cái tin chú tôi qua đời nhanh chóng truyền đi cả làng. Chú chết nhanh chóng quá, vội vàng quá, có lẽ chưa trăn trối điều gì...

Đám tang chú được bố mẹ tôi chuẩn bị rất chu đáo, nhiều người khóc, mà nhất là mẹ tôi. Còn đám trẻ con kéo nhau đến xem, có đứa đứng ngẩn ra.

Chẳng hiểu sao trong lúc mọi người khóc gào xót thương cho kẻ xấu số thì tôi còn đủ bình tĩnh sáng suốt, còn đủ lý trí tỉnh táo để xem từng người một. Nhìn cái thi thể chú phủ trắng trong quan tài tôi chẳng rơi giọt nước mắt - không thể nào rơi nước mắt và tôi lại hình dung cuộc đời của chú.

Xưa nay tôi chưa bao giờ biết khóc. Bạn tôi bảo: "Con gái gì mà như gỗ đá". Vâng, có lẽ tôi đá gỗ chăng. Cho nên tôi không khóc trước cái chết của chú tôi. Trước đây xem những bộ phim "Trái tim mùa thu", "Lương Sơn Bá...", chúng nó cứ sụt sùi còn tôi cứ ráo hoảnh. Nhưng đằng này là chú ruột tôi, chẳng hiểu sao tôi không rặn được giọt nước mắt nào.

Trong khi mẹ tôi, cô tôi lăn lộn bên quan tài, tôi lại nhìn chằm chằm lên tờ sớ, bài vị khắc gỗ trên bàn thờ. Khi bố mang về, mẹ bảo:

- Thẻ này khắc chữ xấu quá, mờ quá, sao không bảo đánh bóng lên? Quay phim làm sao ăn ảnh?

- Còn phải gửi sang tận bên Mỹ chứ ít!

Mẹ cằn nhằn bố. Và bao giờ bố cũng đáp lại bằng câu:

- Ôi dào, chuyện vặt ai để ý.

- Miễn là có hình có ảnh là được. Chỉ có bà mới quan trọng hóa vấn đề. Rách việc!

Mẹ cẩn thận, phân bua:

- Thì tôi sợ anh bên ấy trách mình.

- Ông nhớ bảo chuẩn bị phần nhạc và lời cho tốt, à mà có cả mấy bài thơ đọc thu lồng vào băng nữa đấy!

Tôi nhìn bài vị bằng gỗ có dán hình chú ngây ngô như đứa trẻ lên mười, giật mình với dòng chữ lờ mờ "Lương Quý Thành, sinh... Từ trần lúc... giờ... ngày... tháng... năm. Và cuối cùng là dòng chữ: Hưởng dương 28 tuổi. Chú tôi vẫn chưa đi hết cái gọi là non quá nửa cuộc đời.

Chú đi dầm mưa cả ngày rồi đâm đầu vào trụ điện, máu be bét. Đêm về sốt cao, mấy ngày rồi qua đời. Tôi bình tĩnh nhớ lại hình ảnh chú tôi suốt ngày cứ cười hềnh hệch, người lớn chẳng lớn, trẻ nhỏ cũng chẳng trẻ, lê lết ngoài đường. Lũ trẻ hàng xóm ngày nào cũng lôi chú ra đường; đứa ngồi cưỡi trên lưng, đứa luồn dây qua cổ làm bò kéo đi, rồi chúng lôi đi xềnh xệch, rồi chúng vỗ tay cười. Nhìn chú nhăn nhó một cách ngớ ngẩn tôi dẫu xót xa nhưng biết làm gì hơn. Bởi ngày nào cũng thế. Có hôm chú lăn ra trời mưa lấy đất nặn làm xe. Bọn trẻ đưa kéo đứa cù, đứa xô đứa đẩy, đứa nghịch hơn lại nắm quần chú kéo xuống và ré lên cười hô hố. Chú cũng cười... Và tối đến hình ảnh này theo tôi vào tận giấc ngủ. Chú qua đời, tôi thở phào.... Có lẽ kể từ đây những hình ảnh kia sẽ không theo tôi vào tận đêm khuya nữa, chẳng còn ám ảnh dày vò tôi nữa. Biết đâu đó chẳng phải là cách giải thoát cho chú đó sao. Từ đây chẳng còn ai hành hạ chú nữa. Chú chẳng còn làm bò cho bọn trẻ con cưỡi nữa.

Những suy nghĩ miên man khiến tôi chưa rơi nước mắt.

Chú tôi về sâu trong lòng đất lạnh, chắc cô đơn lắm. Đám tang rồi cũng khép lại. Mọi việc trở lại bình thường. Bố mẹ tất bật mua bán. Cũng chẳng còn ai nhắc đến chú nữa. Bạn tôi đến nhà chơi, mang cho tôi mấy cuộn băng, nó bảo:

- Mầy xem đi, rơi nước mắt cho mà xem!

Tôi gật đầu. Hóa ra người ta lại quan trọng cái chuyện nước mắt thế sao?

Một buổi tối mẹ tôi gọi tôi vào hỏi (có lẽ do bố mẹ vừa xem lại cuốn băng đám tang chú):

- Mẹ! Sao đám tang chú con không khóc? Con xem kìa, chỉ có con là đứng như trời trồng.

- Đồ....!

Mẹ:

- Con có biết con không khóc sẽ như thế nào không? Bác bên ấy mà biết thì còn gì?...

Bố tiếp lời, bực bội:

- Giá tôi dựng nó dậy được lần nữa... cho mầy...

Bố hầm hầm bỏ vào nhà trong. Mẹ trách móc:

- Mà sao không chịu khóc cơ chứ? Hay con không thương chú? Con có biết cả nhà ta nhờ vào chú Út không?...

Chỉ có bố mẹ hỏi, còn tôi cúi đầu không nói được câu nào. Rồi mọi chuyện khép lại. Lâu rồi cũng chẳng nghe bố mẹ nói gì về chuyện của chú nữa. Nhưng lại cãi nhau nhiều chuyện vỡ nợ.

Một tối, tôi đi học về đứng ngoài nghe bố mẹ đang bàn (có lẽ bố mẹ nghĩ tôi chưa về):

- Ông tính sao về cuốn băng đó, gởi đi hay sao?

- Từ đã, để rồi tính.

- Mình giải thích với anh ấy thế nào về cái chết của chú nó đây? Bố rít hơi thuốc,nằm ngửa ra ghế...

- Cứ bảo chú nó bệnh nặng không chữa khỏi.

- Không được, sao bệnh nặng mà không báo trước?

Bố im lặng. Căng thẳng.

Mẹ: Mà sao nhiều chuyện thế này, lại sắp đến kỳ trả nợ rồi đấy.

Bố: Thôi được, cứ điện sang bên ấy bảo rằng chú nó đang ốm cần tiền chữa trị cho chú khỏi bệnh.

Mẹ: Liệu anh ấy có tin không?

Bố: À, bà lục lại xem chú nó còn bức hình nào không, gởi đi! Cứ điện sang nói thế. Còn cuộn băng cất đi đã, từ từ tính sau...

Tim tôi se thắt lại, nước mắt tôi đã chảy ra tự khi nào, nước mắt chảy ràn rụa, chẹn đứng cả cổ họng. Tôi lặng lẽ bỏ nhà đi lang thang mãi tận khuya mới về. Lời nói của bố mẹ cứ xoáy vào óc tôi nghe rõ mồn một, sao lúc này tôi chẳng còn đủ lí trí nữa. Bố mẹ đã ngủ say. Một đêm tôi mất ngủ. Sao đến bây giờ tôi mới khóc, và không biết có lần nào tôi khóc như thế nữa không? Hình ảnh chú bị làm bò kéo đi hiện về chập chờn.

Lần đầu tiên tôi khóc như thế...!

. Tuyền Phương

(Hoài Ân)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lê Hồng Đức - tác giả phần mềm Quản trị bán hàng   (02/10/2003)
Nhóm "cử" trẻ làm công nghệ thông tin   (01/10/2003)
Ước mơ từ phòng 306   (30/09/2003)
Ghi nhận từ chương trình giao lưu giữa Báo Thanh Niên với sinh viên Bình Định   (29/09/2003)
Sự quyến rũ của thời trang jean và áo thêu   (28/09/2003)
HLV Bùi Trung Hiếu: Đừng bao giờ tự mãn với những gì mình đạt được  (27/09/2003)
Lê Minh Mính: "Tôi trưởng thành từ sự thất bại"   (26/09/2003)
7 lời khuyên vàng đối với nữ sinh nội trú   (24/09/2003)
Nói với em mùa khai giảng   (24/09/2003)
Khi ta yêu   (22/09/2003)
Tân sinh viên và nỗi lo tựu trường   (19/09/2003)
Giấc mơ   (18/09/2003)
Bội thực phim Hàn Quốc  (17/09/2003)
Ngô Đăng Lưu - người luôn ở vạch xuất phát   (15/09/2003)
Chuyện động trời   (14/09/2003)