Phong trào của lòng nhân ái
16:17', 9/10/ 2003 (GMT+7)

Thanh niên lực lượng vũ trang huyện Vân Canh tham gia HMNĐ (ảnh: Trang Xuân Chi)

Dự kiến vào ngày 25-10 sắp tới, Vĩnh Thạnh sẽ lần đầu tiên tổ chức đợt hiến máu nhân đạo (HMNĐ). Như vậy, sau 7 năm phát động, đến nay phong trào HMNĐ đã lan rộng đến tất cả các địa phương trong tỉnh với sự tham gia của hàng ngàn đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn bởi những giọt máu thấm đẫm lòng nhân ái và tinh thần tình nguyện như thế của những người trẻ tuổi.

* Sức mạnh một cuộc vận động

Nếu như vào năm 2001, Bình Định chỉ mới có 6/11 huyện, thành phố tổ chức được hoạt động HMNĐ thì đến nay các "điểm trắng" trên bản đồ HMNĐ của Bình Định đã sắp sửa được khép kín. Tính từ năm đầu tiên Hội LHTN tỉnh phát động phong trào HMNĐ (1997) cho đến nay (quí 3-2003), đã có 7.230 ĐVTN đăng ký HMNĐ, trong đó có 2.656 người cho máu. Nhiều bạn đã tham gia HMNĐ 2 - 3 lần, thậm chí đến 5 lần như anh Nguyễn Hữu Hùng - Chủ tịch UB Hội LHTN xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn).

Các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Vân Canh, dù đến năm 2003 mới phát động được phong trào HMNĐ trong ĐVTN nhưng cũng đã chứng tỏ mình không "thua chị kém em". Ngày huyện miền núi Vân Canh tổ chức HMNĐ thực sự là một ngày hội - ngày hội của lòng nhân ái - bởi có hơn 100 người, hầu hết là ĐVTN các dân tộc Thái, Kinh, Bana, Chăm ở 6/7 xã, thị trấn (trừ Canh Liên) của huyện đăng ký HMNĐ, trong đó có 58 người đã cho máu, vượt chỉ tiêu đề ra.

Nhưng phong trào HMNĐ không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ các đợt phát động. Ở Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Phước, sự ra đời của các chi hội, câu lạc bộ "Ngân hàng máu sống" chính là những hình thức để các bạn trẻ tăng "tính chiến đấu" của phong trào. Ở các địa phương này, bất cứ khi nào bệnh viện cần máu và có yêu cầu, các thành viên của Ngân hàng máu sống sẽ có mặt để HMNĐ cứu người. Anh Phan Minh Tùng, Ủy viên thường trực Hội LHTN tỉnh nhận xét: "Khi mới phát động phong trào, có nhiều bạn chưa hiểu hết ý nghĩa của việc HMNĐ nên công tác vận động gặp nhiều khó khăn. Còn nay, phong trào đã lan rộng đến khắp các địa phương trong tỉnh. Ở nhiều nơi, việc HMNĐ đã trở thành nếp, thành một chương trình hoạt động hàng năm của tổ chức Đoàn - Hội".

* Thắm tươi tình nhân ái

Nhiều bạn trẻ đã nhận thức được ý nghĩa của cuộc vận động HMNĐ nên hưởng ứng rất nhiệt tình. Họ hiểu ra rằng HMNĐ không những không có hại cho sức khỏe mà còn làm cho người ta "khỏe ra" bởi đã giúp cứu sống được những người nghèo khó.

Ở Trường CĐSP Bình Định, có một câu chuyện cảm động về tinh thần tình nguyện hiến máu cứu người mà đến nay nhiều SV vẫn còn nhắc lại, dù chuyện xảy ra đã 2 năm. Đó là trường hợp em trai của bạn Hà Văn Thạnh (Lớp Lý 3B) bị tai nạn chuyển từ quê xuống Quy Nhơn trong tình trạng nguy kịch, mất khá nhiều máu và đã được hai bạn Trương Công Hạn và Trương Văn Hận (bạn cùng lớp và cùng phòng KTX với Thạnh) tiếp máu cứu, cho dù lúc ấy là 2 giờ sáng và sáng hôm sau các bạn phải thi học kỳ. Hoặc một lần khác, được BV Đa khoa thành phố báo cần nhóm máu B cho một ca mổ u não, 2 bạn Cao Trọng Pháo (Lớp Lý 3B) và Trần Văn Dũng (Lớp Sử - Giáo dục công dân 3B) đã tình nguyện cho máu bệnh nhân nọ, giúp bệnh nhân qua ca phẫu thuật an toàn. Ở đây, các cuộc vận động hiến máu nhân đạo do Thành Đoàn tổ chức đều được SV hưởng ứng rất nhiệt tình, có lúc có đến hơn 100 SV đăng ký trong khi chỉ cần 30 người là đáp ứng yêu cầu.

Nhưng để phong trào này thực sự trọn vẹn như chính tinh thần của nó, cũng có một số "hạt sạn" cần phải được nhặt ra. Ở Bình Định, hiện ngoài số tiền bồi dưỡng sức khỏe theo quy định chung của cả nước, người HMNĐ vẫn chưa được hưởng một chế độ ưu đãi nào cả. Nên cho dù có tham gia HMNĐ 5 hay 7 lần thì khi vào viện và cần truyền máu, các bạn đó vẫn phải tự mua. Một vấn đề khác gây khá nhiều bức xúc và thắc mắc cho ĐVTN là máu do họ hiến với tinh thần nhân đạo có được sử dụng vào mục đích nhân đạo hay không. Bác sĩ Trang Xuân Chi – cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh – người "có mặt trên từng cây số" trong các cuộc vận động HMNĐ của thanh niên phát biểu: "Tôi đánh giá cao tinh thần nhân ái của các bạn trẻ tham gia HMNĐ, vì thế câu hỏi về chế độ cho người HMNĐ, về "đầu ra" của máu được hiến nhân đạo cần được Ban chỉ đạo cuộc vận động HMNĐ trả lời cụ thể".

Việc soạn thảo quy chế về quyền lợi của người tham gia HMNĐ cũng như các vấn đề liên quan đến HMNĐ là cần thiết. Điều đó sẽ giúp cho cuộc vận động mang đầy tinh thần nhân ái và tình nguyện này ngày càng mở rộng cả quy mô lẫn chất lượng.

. Nguyên Sương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chàng thủ khoa mê toán   (08/10/2003)
Giọt nước mắt đầu tiên...   (03/10/2003)
Lê Hồng Đức - tác giả phần mềm Quản trị bán hàng   (02/10/2003)
Nhóm "cử" trẻ làm công nghệ thông tin   (01/10/2003)
Ước mơ từ phòng 306   (30/09/2003)
Ghi nhận từ chương trình giao lưu giữa Báo Thanh Niên với sinh viên Bình Định   (29/09/2003)
Sự quyến rũ của thời trang jean và áo thêu   (28/09/2003)
HLV Bùi Trung Hiếu: Đừng bao giờ tự mãn với những gì mình đạt được  (27/09/2003)
Lê Minh Mính: "Tôi trưởng thành từ sự thất bại"   (26/09/2003)
7 lời khuyên vàng đối với nữ sinh nội trú   (24/09/2003)
Nói với em mùa khai giảng   (24/09/2003)
Khi ta yêu   (22/09/2003)
Tân sinh viên và nỗi lo tựu trường   (19/09/2003)
Giấc mơ   (18/09/2003)
Bội thực phim Hàn Quốc  (17/09/2003)