Bản lĩnh những người trẻ tuổi
15:57', 10/10/ 2003 (GMT+7)

Nghèo, học giỏi, tích cực trong các phong trào đoàn thể và một bản lĩnh vững vàng trước những chông gai của số phận để bước chân vào giảng đường. Đó là tất cả những gì chúng tôi cảm nhận được ở 40 bạn học sinh - sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp Bình Định được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên trong cuối tháng 9 vừa qua.

* Chông chênh đường đến bục giảng

Đến trường - một điều tưởng như đơn giản nhưng với họ là cả một chặng đường đầy gian nan. Cách đây 2 năm, cha của Phạm Xuân Vạn (lớp Sử K24A - ĐHSP Quy Nhơn) qua đời với bệnh tim, để lại 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào khoản tiền lương của mẹ - một giáo viên tiểu học. Những năm học phổ thông, cuộc sống gia đình khó khăn nên Vạn đã một lần phải từ bỏ ước mơ thi vào đại học để đi làm nuôi các em ăn học. Và hôm nay, để đến được với giảng đường, Vạn phải vừa đi học vừa làm phụ hồ. Còn Đặng Danh Dự (lớp Thể dục 1, trường CĐSP Bình Định) đã từng là SV tại chức sư phạm toán (ĐHSP Quy Nhơn) nhưng đành phải bỏ ngang giữa chừng khi đang bước vào năm học thứ 3, bởi lẽ học phí mỗi năm 1 triệu rưởi, cộng với các chi phí khác là một khoản tiền quá lớn đối với 4 sào ruộng của gia đình. Dự bị mồ côi cha, mẹ lại già yếu nên cô em gái đã tự nguyện nghỉ học để các anh tiếp tục được đến trường. Khoảng thời gian còn học tại trường ĐHSP Quy Nhơn, khi vừa hoàn thành một đợt học, Dự như một con thoi không mệt mỏi trên suốt quãng đường Bình Định - Đắc Lắc. Tranh thủ thời gian nghỉ giữa các đợt học, Dự theo các anh chị lên Đắc Lắc để đi làm kiếm tiền đóng học phí và trang trải sinh hoạt. Khi bước chân vào giảng đường trường CĐSP Bình Định, Dự phải tranh thủ vừa học vừa làm gia sư.

Các học sinh của lớp điều dưỡng 11A - Trường Trung học y tế Bình Định đã rất ngưỡng mộ tấm gương của bạn Nguyễn Minh Tá. Cha mất sớm, mẹ đã già, Tá phải vừa đi học vừa đi làm thêm để lo cho bản thân và gởi tiền về lo 3 em ăn học. Trong khi đó, Huỳnh Thị Diệu Thể (lớp sư phạm Nhạc 16, Trường Trung học văn hóa - nghệ thuật) thì hoàn cảnh lại khó khăn hơn khi bị mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha mất vì bệnh ung thư cách đây 2 năm, đến tháng 6-2003 anh em Thể lại phải chịu tiếp cái tang thứ hai vì mất mẹ. 4 anh em Thể tưởng như không gượng dậy nổi. Cái máy vi tính và máy photocopy do bà con trong xóm (khu vực 4 - phường Ngô Mây) góp lại giúp đỡ trở thành nguồn sống của 4 anh em. Ngoài thời gian học, Thể cùng anh trai vừa quán xuyến nhà cửa, kèm cặp 2 em vừa đứng máy photo. Chỉ vào máy photocopy đang hoạt động, Thể nói, vào mùa thi, bình quân mỗi ngày hai anh em phải làm đến vài chục cuốn nên chỉ còn cách học trong lúc đang đứng máy.

* Chiến thắng khó khăn bằng niềm tin và ý chí

Chính từ trong khó khăn, những người bạn trẻ càng quyết tâm trau dồi kiến thức để thực hiện ước mơ của mình. Không nản lòng và đầu hàng hoàn cảnh, sau 5 năm vừa đi làm thêm vừa theo học chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp sản xuất (trường Đại học Tài chính kế toán Hà Nội), 5 năm phục vụ trong quân ngũ (trường Kỹ thuật tăng - thiết giáp), Xuân Vạn vẫn trở về để thực hiện ước mơ của mình: trở thành thầy giáo dạy sử.

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng Diệu Thể vẫn khẳng định một câu chắc nịch: "Ba mẹ đã rất kỳ vọng và hi sinh nhiều cho 4 anh em, vì thế khổ mấy anh em mình cũng chịu được chứ không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng". Và mọi người sẽ càng khâm phục hơn khi biết rằng không chỉ riêng Thể học giỏi mà anh trai của Thể (hiện là SV năm thứ 4 ngành Công nghệ thông tin - ĐHSP Quy Nhơn) cũng liên tiếp nhiều năm liền được nhận học bổng của trường, 2 em gái đều là học sinh giỏi của trường THCS Quang Trung.

Không chỉ "oách" về kết quả học tập, các bạn còn là những thủ lĩnh thanh niên tiêu biểu. Với họ, tham gia hoạt động Đoàn, Hội vừa là để có thêm kiến thức vừa bồi đắp cho mình bản lĩnh và sự tự tin. Xuân Vạn, ngoài học giỏi còn là lớp trưởng, Phó bí thư Liên chi đoàn, Phó bí thư chi bộ sinh viên. Còn cô bạn "bé hạt tiêu" Võ Thị Bích Thủy (lớp điều dưỡng 11A - Trung học Y tế Bình Định) vốn ngày thường nhút nhát cũng đã lọt vào top những thanh niên tình nguyện được Tỉnh Đoàn tặng bằng khen trong chiến dịch mùa hè xanh năm 2003. Còn Dự, sau khi kể về quãng thời gian đầy sôi nổi và ý nghĩa tại mặt trận xã ĐakMang (Hoài Ân) trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè vừa qua đã rất hồn nhiên: "Với những người trẻ như chúng mình thì phải làm nhiều hơn nữa chứ bao nhiêu đó đã là gì đáng kể đâu!"

Hơn ai hết, những bạn trẻ này hiểu rõ ước mơ của mình và nỗ lực không ngừng để biến ước mơ đó thành hiện thực.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phong trào của lòng nhân ái   (09/10/2003)
Chàng thủ khoa mê toán   (08/10/2003)
Giọt nước mắt đầu tiên...   (03/10/2003)
Lê Hồng Đức - tác giả phần mềm Quản trị bán hàng   (02/10/2003)
Nhóm "cử" trẻ làm công nghệ thông tin   (01/10/2003)
Ước mơ từ phòng 306   (30/09/2003)
Ghi nhận từ chương trình giao lưu giữa Báo Thanh Niên với sinh viên Bình Định   (29/09/2003)
Sự quyến rũ của thời trang jean và áo thêu   (28/09/2003)
HLV Bùi Trung Hiếu: Đừng bao giờ tự mãn với những gì mình đạt được  (27/09/2003)
Lê Minh Mính: "Tôi trưởng thành từ sự thất bại"   (26/09/2003)
7 lời khuyên vàng đối với nữ sinh nội trú   (24/09/2003)
Nói với em mùa khai giảng   (24/09/2003)
Khi ta yêu   (22/09/2003)
Tân sinh viên và nỗi lo tựu trường   (19/09/2003)
Giấc mơ   (18/09/2003)