Bên bờ ''Biển nhớ''
16:17', 13/10/ 2003 (GMT+7)

Từ trên ký túc xá, nhóm sinh viên Lào năm thứ nhất hớn hở chỉ tay ra biển. Không biết đây là lần thứ mấy trong ngày các bạn nhìn thấy những ngọn sóng bạc đầu. Biển cách họ chỉ một tầm tay với, chả bù trước đây khi ở Viên Chăn, Cham Pa Săc, A Tô Pư… biển không có cả trong mơ.

Một tiết mục văn nghệ do các lưu học sinh Lào biểu diễn.

Có thể nói, biển là ấn tượng mạnh nhất khi các bạn Lào sang Việt Nam du học. Và từ chỗ định nghĩa ''biển là sông chỉ có một bờ'' (!), nay mỗi khi rảnh rỗi, sinh viên Lào thường ngồi ngắm biển. Họ thật thích thú khi biết rằng vào thập niên 60, có một giáo sinh của trường Sư phạm Quy Nhơn (tiền thân trước 1975 của ĐHSP Quy Nhơn) đã định danh eo biển này là Biển Nhớ. Trong đêm tạ từ người bạn gái phải chuyển theo gia đình về Sài Gòn, anh đã hát vang cảm xúc ''ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khua…''. Chàng giáo sinh ấy sau này là nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn.

Hầu hết sinh viên Lào đến học tại Quy Nhơn đều 18 tuổi. Kẹo Khăm Phệt La Sa Mi và Bun Pha Mi Khi La Săc cùng đến từ Cham Pa Săc, nay cùng học Tổng hợp sinh. Cùng qua nhưng cả 2 chẳng biết nhau, đến khi sang Quy Nhơn, mới biết ở cách nhau chỉ 49 km. Hai bạn cho biết, tuy hệ thống tư duy của người Việt và người Lào giống nhau nhưng trong tiếng Lào tên đứng trước, họ đứng sau; để bày tỏ tình yêu thương, người Việt bảo để trong lòng, người Lào bảo trong tim. Cạnh những sinh viên trẻ, ở ĐHSP Quy Nhơn còn có những sinh viên Lào lớn tuổi như Son Chít, 32 tuổi, quê Cham Pa Săc, nhân viên Ban tổ chức tỉnh, đã có một vợ hai con trai. Anh nói: ''Sống, sinh hoạt, học tập với sinh viên Việt Nam thật dễ chịu, như anh em trong một gia đình''. Hoặc như Thoong Bu Ni, 37 tuổi, đồng hương Son Chít, vốn là giáo viên cấp 3 môn Toán. Nay, anh đang theo khóa Cao học Toán. Thấy tôi ngạc nhiên, anh nói: ''Mình đã học một năm tiếng Việt rồi. Thầy giảng, tiếp thu tốt''. Cô Hồng Hạnh, Tiến sĩ Ngôn ngữ học, bổ sung: ''Trường có 4 thầy, cô dạy tiếng cho lưu học sinh Lào. Thời gian đầu giảng bằng tiếng Anh. Khi sinh viên cạn tiếng Anh, dùng tiếng Lào và tiếng Việt. Có lúc, giảng… bằng nhiều thứ tiếng, đến khi nào sinh viên hiểu mới thôi…''.

Nếu sau 4 năm học, phải lòng một ai đó, bạn có lưu lại Việt Nam? La Sa Mi (nam) và Noon Son (nữ) đều e thẹn lắc đầu: ''Không đâu! Mình sẽ rủ người ấy về Lào. Mình nhớ ba mẹ, nhớ quê lắm''. Chững chạc hơn, Son Chít và Bu Ni nói: ''Mình đi học về để phục vụ đất nước mình. Anh em trong cơ quan, học sinh, sinh viên bên nhà thường điện thoại động viên, nhắc nhở."

Hiện ĐHSP Quy Nhơn có 101 sinh viên Lào, trong đó có 5 sinh viên Cao học Toán, Sinh. Đồng thời, từ năm học này trường tiếp nhận thêm 40 em từ Chăm Pa Săc, A Tô Pư sang học tiếng theo hợp đồng đào tạo với tỉnh Bình Định. Thạc sĩ Hồ Xuân Quang, Trưởng phòng Công tác chính trị nhà trường nói: ''ĐHSP Quy Nhơn được Bộ GD-ĐT đánh giá có môi trường tự nhiên và sư phạm vào hạng top ten trong nước. Cách nay một năm, trường nhận lưu học sinh Lào khóa đầu tiên. Tỉnh và trường cố gắng tạo các điều kiện ăn ở, học tập tốt nhất cho các em. Có thể do đó, nhiều sinh viên Lào đã chọn ĐHSP Quy Nhơn''.

. Đặng Ngọc Khoa

(báo Thanh Niên ngày 8-10-2003)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề kỹ thuật viên máy tính  (12/10/2003)
Bản lĩnh những người trẻ tuổi   (10/10/2003)
Phong trào của lòng nhân ái   (09/10/2003)
Chàng thủ khoa mê toán   (08/10/2003)
Giọt nước mắt đầu tiên...   (03/10/2003)
Lê Hồng Đức - tác giả phần mềm Quản trị bán hàng   (02/10/2003)
Nhóm "cử" trẻ làm công nghệ thông tin   (01/10/2003)
Ước mơ từ phòng 306   (30/09/2003)
Ghi nhận từ chương trình giao lưu giữa Báo Thanh Niên với sinh viên Bình Định   (29/09/2003)
Sự quyến rũ của thời trang jean và áo thêu   (28/09/2003)
HLV Bùi Trung Hiếu: Đừng bao giờ tự mãn với những gì mình đạt được  (27/09/2003)
Lê Minh Mính: "Tôi trưởng thành từ sự thất bại"   (26/09/2003)
7 lời khuyên vàng đối với nữ sinh nội trú   (24/09/2003)
Nói với em mùa khai giảng   (24/09/2003)
Khi ta yêu   (22/09/2003)