Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.300 học sinh-sinh viên (HSSV) vay vốn ngân hàng để học tập. Nhân dịp năm học mới, chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Tạ Thanh Liêm, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) về các điều kiện, thủ tục vay vốn…
- Đối tượng HSSV nào được vay vốn của ngân hàng, thưa ông?
+ Đối tượng HSSV được vay vốn là những người có hoàn cảnh khó khăn đang theo học hệ chính quy tập trung tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề công lập hoặc bán công có thời gian đào tạo từ một năm trở lên. Ngoài ra, HSSV đó phải được chính quyền địa phương xác nhận có hoàn cảnh khó khăn; mục đích vay vốn là để chi phí học tập trong thời gian theo học tại các trường; có bảng điểm học kỳ 1 (đối với HSSV năm thứ nhất) và của năm trước liền kề (đối với HSSV năm 2 trở đi). HSSV thuộc diện chính sách, người nghèo hoặc thuộc hộ nghèo hoặc có hộ khẩu thường trú ở khu vực 1 và 2 điểm trung bình phải đạt 5-6 điểm, nếu ở khu vực 3 phải đạt từ điểm 7 trở lên.
- Để vay được vốn HSSV cần phải làm các thủ tục gì?
+ Đầu năm học mới và đầu học kỳ 2 năm học thứ nhất các trường lập danh sách HSSV thuộc diện vay vốn của nhà trường gởi cho NHCSXH đồng thời phát mẫu đề nghị vay vốn của ngân hàng cho HSSV vay lần đầu. HSSV phải làm đầy đủ các văn bản cam kết: đại diện hộ gia đình hoặc người đỡ đầu hợp pháp sẽ trả nợ thay nếu HSSV không có khả năng chi trả; xác nhận của UBND địa phương về hộ khẩu thường trú, địa chỉ và chữ ký của đại diện hộ gia đình HSSV; xác nhận của Ban giám hiệu nhà trường. Kết quả học tập năm trước liền kề là điều kiện để học sinh vay vốn ở năm tiếp theo.
Số tiền vay tối đa là 300.000 đồng/tháng, được nhận tiền theo học kỳ. Thời hạn trả tối đa trong vòng 8 năm, lãi suất 0,45%/tháng, tùy theo thu nhập, có thể trả theo tháng, quí hoặc năm. Trong quá trình đang học tại trường HSSV không phải trả nợ và lãi suất, bắt đầu trả gốc lẫn lãi từ khi ra trường. Khi đó, HSSV phải đến ngân hàng làm giấy cam đoan trả nợ thì trường mới cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp, phát bằng tốt nghiệp và trả hồ sơ cho HSSV.
- Được biết Bình Định hiện có khoảng 1.300 HSSV vay vốn, tuy nhiên số dư nợ quá hạn đã lên đến gần 400 triệu đồng (của 465 HSSV), ông có thể cho biết nguyên nhân và biện pháp để hạn chế tình trạng này?
+ Có ba nguyên nhân chính dẫn đến nợ quá hạn của HSSV. Đó là đa số HSSV ra trường chưa có việc làm hoặc gia đình quá nghèo nên chưa có nguồn trả nợ. Một số khác ngân hàng đã gởi thông báo trả nợ về gia đình, địa phương nơi HSSV có hộ khẩu thường trú song chưa có hồi âm. Số HSSV còn lại lại có tâm lý ỷ lại, xem đây là vốn cấp không nên không muốn trả nợ. Về lâu dài, theo tôi, nên có quy chế cho vay qua gia đình của HSSV có hoàn cảnh khó khăn để gia đình gởi tiền cho họ đang học tập tại các trường. Như vậy gia đình sẽ có trách nhiệm hơn.
- Xin cám ơn ông!
. Thu Hà (thực hiện) |