Cô thủ lĩnh của lớp Sử - Địa 4
16:28', 15/10/ 2003 (GMT+7)

Trần Thị Long Phi và thầy chủ nhiệm

Trong câu chuyện về những sinh viên nghèo, vượt khó học giỏi, tích cực trong các phong trào đoàn thể, chị Nguyễn Thị Bình Hà - giảng viên kiêm Phó bí thư Đoàn trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Bình Định không giấu được lời khen ngợi với cô sinh viên của lớp Sử - Địa 4. Bị ấn tượng bởi những gì chị Hà vừa giới thiệu, chúng tôi quyết định phải gặp cho bằng được cô bạn sinh viên này. Biết thế, chị Hà cười tủm tỉm rồi "đế" thêm một câu nữa: "Đảm bảo khi gặp mặt, em sẽ "thích" ngay cho xem".

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với cô bạn gái có cái tên rất mạnh mẽ - Trần Thị Long Phi - đã được bắt đầu như thế.

Ở thôn Ca Công Nam (thuộc xã Hoài Hương - Hoài Nhơn), chuyện chị Huỳnh Thị Hồng một nách nuôi 5 con ăn học khiến ai cũng phải khâm phục. Và càng khâm phục hơn khi các con chị đều là những học sinh, sinh viên giỏi được thầy cô giáo, bạn bè quý mến. Cô sinh viên năm thứ 2 trường CĐSP Bình Định - Trần Thị Long Phi - chính là chị cả trong nhà. Phi chậm rãi kể lại chuyện gia đình mình: Trong một lần đi biển vào năm ngoái, ba của Phi đã bị mắc vào lưới trôi dưới biển. Từ ngày ấy, chị em Phi vĩnh viễn không còn có ba trên đời. Năm đó Phi cũng vừa mới bước chân vào giảng đường của trường CĐSP Bình Định.

Vùng biển cạn không có nhiều việc để làm, 5 đứa con lại đang tuổi ăn tuổi học, mẹ Phi đành giao phó hết việc nhà cho con gái lớn rồi theo thuyền đánh cá đến các tỉnh để vá lưới. Trước đây, mẹ Phi chỉ đi những vùng biển gần, từ Nhật Lệ (Quảng Bình) đến Nha Trang (Khánh Hòa), nhưng từ khi ba mất trong nhà không còn nguồn thu nhập nào khác nên chuyến đi cứ thế kéo dài đến những vùng biển xa xôi tận phía Nam. Mỗi lần đi từ 20 - 25 ngày, chi phí dè xẻn lắm mẹ cũng chỉ dành dụm được 250.000 đồng.

Gặp thời tiết nắng ráo công việc bình thường, chị Hồng còn gởi vào cho Phi được 150.000 đồng mỗi tháng mua sách vở và trang trải các khoản sinh hoạt. Còn những khi trời mưa bão thì đành chịu. Để phòng trừ những lúc không có tiền nên ngay từ đầu năm học Phi đã dồn hết các khoản để đóng cho ký túc xá. Trần Long Phước, cậu em kề của Phi, vừa mới bước chân vào lớp 10 trường làng, thấy chị học giỏi nên đã tự nguyện nghỉ học ở nhà, "nhường" phần học của mình cho chị. Chúng tôi giật mình khi biết rằng, mỗi suất ăn của Phi chỉ vỏn vẹn 750 đồng (45.000 đồng/tháng). Thấy chúng tôi ngạc nhiên, Phi phân bua: "Năm đầu tiên mới vào, tụi mình cũng không quen với phần cơm ít nên thường xuyên phải đánh vật với mấy con kiến bò… trong bụng. Nhưng bây giờ đã thành thói quen rồi, đến bữa mà cố lắm cũng chỉ 2 chén chứ không hơn được".

Cái chết tức tưởi của ba, giọt mồ hôi của mẹ và sự hi sinh của cậu em trai như quyện chặt vào nhau tiếp cho Phi có thêm nghị lực vượt qua khó khăn để học tốt và thực hiện ước mơ của mình. Ngay từ thời còn học phổ thông, Phi đã bộc lộ niềm đam mê với các môn học xã hội và học rất giỏi. Đến khi bước chân vào lớp Sử - Địa 4 của trường CĐSP Bình Định, học kỳ nào, Phi cũng giành lấy cho mình một suất học bổng. Một bạn cùng quê còn cho biết thêm, ngoài những môn học trên lớp, Phi còn tự rèn luyện thêm các môn học khác như ngoại ngữ, tin học và cũng lấy bằng "ngon ơ" như thiên hạ. Thương cảnh cô sinh viên nghèo hiếu học, các thầy cô giáo trong trường giới thiệu cho Phi tranh thủ buổi tối đi dạy kèm cho một học sinh lớp 7.

Không chỉ giỏi trong học tập, Phi còn nổi tiếng là một thủ lĩnh thanh niên xuất sắc của lớp Sử - Địa 4 và của trường. Khi nói đến chuyện tổ chức các phong trào sinh hoạt Đoàn, tham gia phong trào thanh niên tình nguyện, Phi hoạt bát bẳn lên. Phi nói chắc nịch: "Với mình, tham gia công tác Đoàn càng sôi nổi thì học càng hăng và chỉ có như thế mới không thấy nhàm chán". Trong lời kể say sưa của Phi, chúng tôi được biết, cô bạn này tham gia hoạt động Đoàn, Hội từ những năm học cấp II và đem về không ít thành tích cho trường.

"Nhận xét về Long Phi?" - ông Nguyễn Hữu Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Hoài Nhơn), không hề ngạc nhiên cũng không phải mất thời gian suy nghĩ để nhận ra tên cựu học sinh của mình. Ông nói: "Gia đình khó khăn, nhà đông anh em nhưng Phi học rất giỏi. Đã thế, ở Phi hầu như có một năng khiếu tổ chức và sáng tạo trong các hoạt động đoàn thể. Các cuộc thi do trường tổ chức, bao giờ Phi cũng giành phần thưởng cao nhất. Có thể nói Phi là một học sinh đặc biệt của trường". Còn chị Nguyễn Kim Anh - giảng viên kiêm Bí thư Đoàn trường CĐSP Bình Định thì: "Phi là một sinh viên rất trội so với các bạn cùng lớp. Trong học tập, Phi có thái độ, phương pháp và nhận thức rất tốt. Không những thế, Phi còn chủ động trong việc đề xuất các phong trào, có tinh thần phê và tự phê rất cao". Chính từ những thành tích ấy, cuối năm học vừa rồi, Phi được Đoàn trường giới thiệu vào học lớp đối tượng Đảng.

Nói về ước mơ của mình, Trần Thị Long Phi tâm sự: "Trước đây, khi thấy nhà nghèo, ba mẹ vất vả nên mình học hành sa sút. Khi ấy, ba mình đã nói: ba sống chủ yếu là để nuôi các con ăn học. Ba còn sống thì các con cứ ăn học tới cùng. Bây giờ ba không còn nữa. Nhưng cách tốt nhất để mình chuộc lỗi với ba là cố gắng thực hiện những gì ba mình đã nói". Dẫu con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai nhưng tôi chắc Phi sẽ làm được.

. Lê Thu Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Học sinh – sinh viên đủ điều kiện sẽ được vay vốn   (14/10/2003)
Bên bờ ''Biển nhớ''  (13/10/2003)
Nghề kỹ thuật viên máy tính  (12/10/2003)
Bản lĩnh những người trẻ tuổi   (10/10/2003)
Phong trào của lòng nhân ái   (09/10/2003)
Chàng thủ khoa mê toán   (08/10/2003)
Giọt nước mắt đầu tiên...   (03/10/2003)
Lê Hồng Đức - tác giả phần mềm Quản trị bán hàng   (02/10/2003)
Nhóm "cử" trẻ làm công nghệ thông tin   (01/10/2003)
Ước mơ từ phòng 306   (30/09/2003)
Ghi nhận từ chương trình giao lưu giữa Báo Thanh Niên với sinh viên Bình Định   (29/09/2003)
Sự quyến rũ của thời trang jean và áo thêu   (28/09/2003)
HLV Bùi Trung Hiếu: Đừng bao giờ tự mãn với những gì mình đạt được  (27/09/2003)
Lê Minh Mính: "Tôi trưởng thành từ sự thất bại"   (26/09/2003)
7 lời khuyên vàng đối với nữ sinh nội trú   (24/09/2003)