Chuyện về 3 anh hùng tuổi thiếu niên
17:9', 24/10/ 2003 (GMT+7)

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 liệt sĩ: Vũ Bảo, chiến sĩ giao liên, du kích xã Cát Khánh (Phù Cát); Võ Phước và Nguyễn Thị Yến, chiến sĩ Đội du kích Quyết tử Chim Én (Hoài Nhơn). Nhân sự kiện này, chúng tôi xin kể lại gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm của 3 liệt sĩ anh hùng.

* Vũ Bảo - người chèo đò dũng cảm

Liệt sĩ Vũ Bảo tên thật là Võ Văn Bảo, sinh năm 1949 trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng tại xã Cát Khánh (Phù Cát). Cha tập kết ra Bắc, Vũ Bảo lớn lên trong vòng tay mẹ và bà con xóm làng. Năm 14 tuổi, Vũ Bảo đã giác ngộ cách mạng và tham gia làm giao liên du kích. Với lòng nhiệt tình, xông xáo và mưu trí, Vũ Bảo luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, nhất là chạy thư hỏa tốc và các công văn tài liệu mật, đồng thời bám sát theo dõi nắm chắc tình hình địch kịp thời báo cáo cho cấp trên.

Ngày 20-7-1963, giặc bất ngờ đổ quân bao vây thôn An Quang hòng tiêu diệt các cán bộ cách mạng đang công tác tại đây. Do có sự chỉ điểm của bọn tay sai, vòng vây của giặc cứ siết chặt dần, duy nhất chỉ còn mỗi cách vượt sông là rút lui an toàn. Trước tình thế ấy, Vũ Bảo đã nhanh chóng đưa các cán bộ lên thuyền vượt vòng vây. Khi thuyền chèo đến giữa dòng thì bị giặc phát hiện, chúng tập trung hỏa lực bắn xối xả. Sợ các cán bộ bị thương vong, Vũ Bảo đề nghị cả đoàn lao xuống nước, tay bám vào mạn thuyền; còn trên thuyền chỉ một mình Vũ Bảo đứng chèo dưới làn mưa đạn của địch. Thấy quá nguy hiểm, một đồng chí đã đề nghị Vũ Bảo đưa cho mình chèo thuyền nhưng Vũ Bảo không đưa và nói: "Một mình cháu hy sinh cũng không ảnh hưởng nhiều đến cách mạng. Nếu các chú hy sinh thì thiệt hại cho Tổ quốc, cho đồng bào nhiều lắm."

Vũ Bảo vừa dứt lời thì một viên đạn của địch đã găm vào ngực. Tuy vậy, Vũ Bảo vẫn gắng sức đưa thuyền cặp vào bờ, bảo vệ an toàn cho đoàn cán bộ cách mạng. Khi được các chú cán bộ đưa vào bờ, Vũ Bảo vẫn cố sức đưa tay sờ từng người và hỏi: "Các chú có sao không?". Biết được đoàn cán bộ còn nguyên vẹn, Vũ Bảo bình thản nở nụ cười mãn nguyện rồi trút hơi thở cuối cùng tại bờ sông Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành). Khi ấy, Vũ Bảo vừa tròn 14 tuổi. Hành động hy sinh dũng cảm của Vũ Bảo đã được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng ba.

* Nguyễn Thị Yến và Võ Phước – đội viên Đội quyết tử

Liệt sĩ Nguyễn Thị Yến (bí danh là Ngân) sinh năm 1958 tại xã Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn) trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng. Lên 5 tuổi, Nguyễn Thị Yến đã mồ côi cha (cha tham gia cách mạng và hy sinh năm 1962). Rồi mẹ lại bị giặc Mỹ giết hại. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Thị Yến đã khắc sâu mối hận thù bọn Mỹ ngụy ác ôn, khát máu. Năm 1967, Nguyễn Thị Yến được tổ chức cách mạng giáo dục, dìu dắt làm cơ sở hợp pháp cho lực lượng quân báo huyện đội Hoài Nhơn. Với trí thông minh và lòng gan dạ, Nguyễn Thị Yến đã theo dõi nắm tình hình hoạt động của địch, thu thập và cung cấp kịp thời nhiều tin tức quý giá cho cấp trên.

Còn Liệt sĩ Võ Phước sinh năm 1957 trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng ở xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn). Từ nhỏ, Võ Phước đã chứng kiến bao tội ác của Mỹ ngụy. Năm 11 tuổi, Võ Phước giác ngộ cách mạng và tham gia làm liên lạc hợp pháp cho lực lượng quân báo huyện đội Hoài Nhơn. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Võ Phước cũng đều xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tháng 8-1969, Nguyễn Thị Yến và Võ Phước gia nhập vào Đội quyết tử Chim Én để được trực tiếp cầm súng giết giặc, trả thù cho quê hương và gia đình. Ngày 14-3-1970, Nguyễn Thị Yến, Võ Phước và 1 đội viên trong Đội quyết tử nhận nhiệm vụ tiêu diệt tên ác ôn khét tiếng Nguyễn Huân, một tên tay sai đã gây nhiều tội ác dã man. Bằng sự cải trang khôn khéo và lòng quả cảm kiên cường, 3 đội viên Đội quyết tử đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt được tên Huân. Tuy nhiên, phía ta hy sinh một đồng chí, còn lại Nguyễn Thị Yến và Võ Phước bị địch bắt. Mặc dù địch đánh đập, tra khảo hết sức tàn nhẫn nhưng Nguyễn Thị Yến và Võ Phước vẫn giữ toàn khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.

Không khai thác được gì, địch đã thủ tiêu Nguyễn Thị Yến và Võ Phước, để lại niềm thương tiếc vô hạn đối với đồng bào, đồng đội. Năm đó, Nguyễn Thị Yến mới 13 tuổi, còn Võ Phước 14 tuổi. Gương chiến đấu hy sinh thầm lặng của 2 Anh hùng thiếu niên Nguyễn Thị Yến và Võ Phước đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba.

* Mãi là tấm gương sáng

Gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của 3 anh hùng thiếu niên Vũ Bảo, Nguyễn Thị Yến và Võ Phước mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ noi theo. Sau ngày giải phóng, để luôn tưởng nhớ đến người anh hùng thiếu niên Vũ Bảo, TP. Quy Nhơn và huyện Phù Cát đã đặt Vũ Bảo là tên một con đường. Cũng như anh hùng liệt sĩ Vũ Bảo, tên tuổi và chiến công của 2 anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Yến và Võ Phước vẫn còn sống mãi trong lòng đồng đội, đồng bào.

. Thúc Giáp

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Siết tay nhau trong tình thân ái   (23/10/2003)
Đi, thấy và ghi từ Trung Quốc   (22/10/2003)
Bầu trời nhỏ xíu   (21/10/2003)
Giấy quỳ của tình yêu   (19/10/2003)
Như Trang, cô Phó bí thư Liên chi đoàn năng nổ, học giỏi  (17/10/2003)
Nhật ký cho mẹ   (16/10/2003)
Cô thủ lĩnh của lớp Sử - Địa 4  (15/10/2003)
Học sinh – sinh viên đủ điều kiện sẽ được vay vốn   (14/10/2003)
Bên bờ ''Biển nhớ''  (13/10/2003)
Nghề kỹ thuật viên máy tính  (12/10/2003)
Bản lĩnh những người trẻ tuổi   (10/10/2003)
Phong trào của lòng nhân ái   (09/10/2003)
Chàng thủ khoa mê toán   (08/10/2003)
Giọt nước mắt đầu tiên...   (03/10/2003)
Lê Hồng Đức - tác giả phần mềm Quản trị bán hàng   (02/10/2003)