Lê Thị Vinh Hương, sinh năm 1978, quê ở Hoài Nhơn, đã tốt nghiệp trường Đại học Dân lập Văn Lang loại giỏi khi cô bảo vệ thành công đề án tốt nghiệp "Thiết kế hệ thống xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại cho TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020". Vừa qua, Lê Thị Vinh Hương được UBND tỉnh mời về công tác tại Sở Khoa học - Công nghệ theo chính sách khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ và thu hút nhân lực có trình độ cao. Ngoài việc được bố trí việc làm tại Sở Khoa học - Công nghệ, Vinh Hương còn được UBND tỉnh thưởng một số tiền 10 triệu đồng. Có thể nói Lê Thị Vinh Hương là một trong số ít những sinh viên Bình Định được hưởng chính sách này.
PV Báo Bình Định đã có cuộc chuyện trò với Vinh Hương. Mở đầu cuộc trò chuyện, Vinh Hương đã tự "trích ngang" về mình: Hương sinh ra và lớn lên ở Hoài Nhơn. Trong những năm theo học tiểu học và trung học cơ sở tại Bồng Sơn, Hương luôn là học sinh giỏi. Đến khi lên phổ thông trung học, Hương được chuyển vào trường Quốc Học (Quy Nhơn). Tại đây, Hương chỉ đạt mức học sinh khá thôi, chứ không giỏi (cười). Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Hương thi vào 2 trường: Đại học Sư phạm Quy Nhơn và Đại học Dân lập Văn Lang. Và Hương đã chọn học ngành Công nghệ - Môi trường của trường Đại học Dân lập Văn Lang, vì Hương rất thích ngành học này.
- Vì sao bạn lại chọn đề tài "xử lý chất thải rắn công nghiệp độc hại…" để làm đề án tốt nghiệp?
+ Vào những năm đầu tiên bước chân vào trường Đại học, Hương được biết một số anh chị sinh viên khóa trước của trường đã làm đề án tốt nghiệp về vấn đề này, nhưng họ chỉ dừng lại ở vấn đề quản lý rác thải công nghiệp. Lúc ấy, Hương đã suy nghĩ: tại sao chỉ quản lý mà không xử lý luôn? Đề tài được nảy sinh từ đó. Tuy nhiên khi bắt đầu bước vào nghiên cứu đề tài, Hương mới nhận ra vấn đề xử lý rác thải vô cùng phức tạp và đa dạng, nên Hương chỉ chọn một vấn đề nhỏ là "xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại" để làm đề tài tốt nghiệp của mình.
- Bạn có thể cho biết những bước cơ bản để xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại mà bạn đã làm trong đề án?
+ Quy trình xử lý chất thải rắn của Hương được bố trí trong một khu liên hợp bao gồm các bước: Phân loại chất thải (thường gồm các chất: nilông, cactông, cao su, hóa chất khác…); chôn lấp (những chất có thể tự phân hủy trong đất và không gây nguy hại đến môi trường); đưa vào lò đốt; cố định hóa rắn (những chất lỏng có pha nước).
- Theo bạn thì Bình Định có cần thiết phải tiến hành thực thi vấn đề này ?
+ Đó là vấn đề tất yếu của cuộc sống hiện đại, không những tiến hành mà phải tiến hành sớm trước khi hậu quả do nó gây ra. Hiện nay, ở Bình Định đã có Khu công nghiệp Phú Tài, theo tôi thì cần phải sớm tiến hành vấn đề xử lý chất thải công nghiệp, nói chung và chất thải rắn nguy hại, nói riêng.
- Cảm ơn bạn!
. CÔNG TÂM
|