|
Các học viên tại buổi khai giảng lớp đào tạo vệ sĩ (ảnh Văn Tư). |
Hẳn có một lúc nào đó bạn ước mơ mình trở thành một vệ sĩ - người bảo vệ chuyên nghiệp, để có cơ hội thể hiện tinh thần dũng cảm và lý tưởng sống biết đứng về phía lẽ phải. Lớp đào tạo vệ sĩ do Công ty cổ phần M.C (TP HCM) mở tại Trung tâm dạy nghề – giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định (TTDN-GTVL TNBĐ) sẽ giúp bạn thực hiện ước mơ của mình.
* HỌC VÌ... THÍCH!
Trong sắc phục màu xám sáng, cà vạt và mũ nồi xanh đậm, giày đen, trông Lý Thị Kim Tiến, quê ở Hoài Châu - Hoài Nhơn, chững chạc hơn tuổi 20 của mình. "Mình thích thể thao và đi đây đi đó, thấy nghề này có vẻ hợp nên đăng ký học" – Tiến nói. Còn Đỗ Lý Trà Giang (18 tuổi), nhà ở phường Lê Lợi (Quy Nhơn) thì phải thuyết phục mãi ba mới cho đi học vì sợ con gái… mất nữ tính. Giang kể: "Hồi nhỏ mình mê thể thao và võ lắm nên khi nghe tin có lớp đào tạo nghề vệ sĩ thì quyết định theo học. Chương trình học bắt buộc phải luyện tập nhiều, từ tập thể lực, luyện võ đến thực hành các kỹ năng cứu hỏa, cấp cứu y tế…, nhưng đã thích thì không thấy vất vả". "Làm nghề này Giang có sợ nguy hiểm không?" "Thì mình học là để can đảm hơn mà".
Tiêu chuẩn tuyển học viên khóa đào tạo vệ sĩ:
- Nam: cao từ 1m68 trở lên, nặng trên 58 kg
- Nữ: cao từ 1m58 trở lên, nặng trên 48 kg
- Tuổi: từ 18-35 tuổi
- Trình độ học vấn: tốt nghiệp THCS trở lên
- Ưu tiên những người biết lái xe, võ thuật, ngoại ngữ
Học phí: 1 triệu đồng/khóa (3 tháng)
Dự kiến khóa đào tạo vệ sĩ tiếp theo tại TTDN-GTVL TNBĐ sẽ khai giảng vào tháng 12-2003. |
Nhưng sức hấp dẫn của nghề nghiệp mới mẻ này không chỉ "lôi kéo" những bạn trẻ chưa có việc làm. Trước khi tham gia lớp học này, Nguyễn Viết Trí là nhân viên địa chính ở phường Hải Cảng, có bằng cử nhân Anh văn và từng là huấn luyện viên võ Teakondo tại Nhà văn hóa thiếu nhi Quy Nhơn. Trí chọn nghề này đơn giản vì yêu thích. Còn với Võ Văn Phương, nhà ở phường Nhơn Phú (Quy Nhơn), thì lý do để anh thợ garage này chuyển nghề lại thực tế hơn: "Mình thấy nghề vệ sĩ có tương lai. Hơn nữa, học nghề này mình được rèn luyện thể lực, được học võ để phòng thân".
Lớp đào tạo vệ sĩ khóa I tại TTDN-GTVL TNBĐ hiện đang có 43 học viên theo học (có 4 nữ), tất cả đều rất trẻ. Với chương trình đào tạo này, ngoài việc phải tuân thủ giờ giấc học tập một cách nghiêm túc, các học viên còn tập thuần thục các tác phong, từ đi, đứng, ngồi, chào, quay phải, quay trái… động tác nào cũng phải mạnh mẽ và dứt khoát đến… lạnh lùng. Thế nhưng đa số các bạn đều cho rằng họ không cảm thấy bị gò bó. Võ Văn Phương nói thêm: "Đúng là kỷ luật, tác phong trong công việc này khác hẳn so với hồi mình làm garage. Nhưng đã học nghề này thì bắt buộc phải như thế thôi. Điều đó sẽ tốt hơn cho mình".
* NGHỀ HỨA HẸN CHO GIỚI TRẺ!
Theo sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, nhu cầu được bảo vệ an toàn ngày càng nhiều hơn. Theo đó, nghề vệ sĩ – bảo vệ chuyên nghiệp cũng được nâng lên một tầm mức mới. Người vệ sĩ - bảo vệ chuyên nghiệp được giao cho những nhiệm vụ "quan trọng" như: bảo vệ khách sạn, ngân hàng, chương trình ca nhạc, bảo vệ các yếu nhân, bảo vệ việc vận chuyển tiền bạc, hàng hóa…, chứ không đơn thuần chỉ là người canh cổng, gác cửa. Vì thế, họ phải được đào tạo một cách chính quy, chuyên nghiệp.
Các học viên của khóa đào tạo bắt buộc phải nắm vững tất cả các kiến thức và kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp của mình như: cách triển khai kế hoạch bảo vệ trong một trường hợp cụ thể; các kiến thức về luật pháp; biết cách giao tiếp bằng tiếng Anh, ứng xử với những đối tượng khách hàng khác nhau trong những trường hợp khác nhau; biết các kỹ năng phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu y tế; võ tự vệ, khống chế. Ông Lê Hồng Phước – Giám đốc chi nhánh Công ty M.C tại Bình Định cho biết: "Chúng tôi đã mời các giảng viên, cán bộ ở Công an tỉnh, Trường Chính trị Bình Định, Trường CĐSP Bình Định, Hội Chữ thập đỏ, các huấn luyện viên võ thuật trong tỉnh để huấn luyện cho học viên".
Theo xu hướng hiện đại, những người bảo vệ chuyên nghiệp không đơn thuần chỉ có nhiệm vụ bảo vệ mà họ phải là những người "2 trong 1", hoặc "3 trong 1", tức vừa là lái xe vừa là vệ sĩ hoặc có thể vừa lái xe, vừa thư ký, vừa có thể bảo vệ cho "xếp". Vì thế, yêu cầu đặt ra cho một người bảo vệ chuyên nghiệp là phải cố gắng để biết thật nhiều kỹ năng, nghiệp vụ càng tốt. Và đây là một nghề hứa hẹn nhiều tương lai. Ông Nguyễn Thức – Tổng Giám đốc Công ty M.C – nói thêm: "Công ty M.C đã tìm hiểu thị trường miền Trung và nhận thấy nhu cầu bảo vệ chuyên nghiệp ở các khu công nghiệp, các khu nghỉ mát, khách sạn đang rất lớn. Ngoài 2 lớp đào tạo vệ sĩ ở TP HCM và lớp này, chúng tôi cũng đang chiêu sinh một lớp khác ở Quảng Nam. 50% học viên khóa đào tạo vệ sĩ đầu tiên ở TP HCM đã có việc làm. Sau khi khóa học này kết thúc, chúng tôi sẽ tuyển dụng tất cả học viên để bố trí việc làm tại Bình Định hoặc ở nơi khác".
. NGUYÊN SƯƠNG |