|
Tư vấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên tại quán cà phê Tao Đàn (Quy Nhơn). |
Bỏ học, nghiện ma túy, có thai sớm, nạo phá thai, nhiễm AIDS… là những vấn đề mà lứa tuổi vị thành niên (VTN) ngày nay gặp phải ngày càng nhiều. Những chủ nhân tương lai của xã hội này rất cần được cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết để vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách an toàn.
Ông Trần Văn Nhân (Quy Nhơn) – có con học lớp 9 than thở: "Con gái tôi năm nay 15 tuổi. Ở trường, cháu được thầy cô, bạn bè quý mến, thế mà trong gia đình cháu lại gây ra không biết bao nhiêu băn khoăn, lo lắng cho cha mẹ. Cháu hay hờn dỗi, bướng bỉnh ra mặt, thậm chí còn chê ba mẹ là cổ hủ, lạc hậu. Phòng của cháu rất bừa bộn, trên giường thì sách báo, gương lược quăng lung tung, tường thì dán đầy hình ca sĩ, người mẫu. Việc nấu nướng, may vá, làm việc gì cũng chậm chạp, lề mề…".
Theo các nhà tâm lý, xã hội học, cái sự "dở dở ương ương" đó là báo hiệu thời kỳ VTN - một giai đoạn có nhiều biến đổi và có tính chất quyết định trong việc hình thành nhân cách con người. Ở lứa tuổi này (khoảng từ 10 đến 18 tuổi), các em bắt đầu trưởng thành về cơ thể, tâm lý, tình cảm và tinh thần. Sự phát triển này tạo ra những hành vi mới, nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng có những hiểu biết đúng đắn về tâm lý của lứa tuổi VTN để hướng dẫn con em mình. Các em muốn tự khẳng định mình, muốn phát triển theo cách riêng của mình nhưng cha mẹ lại muốn dẫn dắt các em theo kinh nghiệm của họ, mặc dù những kinh nghiệm ấy có thể không còn thích hợp. Trong khi các em có nhu cầu chia sẻ tình cảm với bạn bè cùng lứa (trong đó có tình bạn khác giới) thì người lớn cho rằng con cái nghe theo bạn nhiều hơn cha mẹ nên không ủng hộ quan hệ bạn bè của con...
Trong số những trở ngại cho sự phát triển của lứa tuổi này có việc cha mẹ phong tỏa, cấm kỵ những thông tin về tình dục đối với con cái vì sợ "vẽ đường cho hươu chạy", trong khi các em thực sự có nhu cầu về những thông tin này. Một bạn trẻ ái ngại: "Hồi mình học lớp 8, thấy ti vi quảng cáo bao cao su, mình hỏi ba cách dùng như thế nào liền bị la: "Con còn nhỏ, hỏi làm gì!". Từ đó mình rất ngại hỏi ba mẹ khi có thắc mắc xung quanh "chuyện ấy". Cũng chính vì người lớn ngại đề cập đến vấn đề giới tính, tình dục với giới trẻ, thậm chí cấm đoán nên đã xảy ra tác dụng ngược. Câu chuyện của Thanh, từng là sinh viên Trường ĐHSP Quy Nhơn sau đây là một ví dụ. Ngay từ năm nhất đại học, Thanh và Toàn đã yêu nhau. Mối quan hệ của họ ngày càng nồng thắm, và "điều đó" đã xảy ra. Thanh có thai! Việc học của Thanh và Toàn chấm dứt khi cả hai đang dở dang năm thứ ba bằng một đám cưới chữa cháy. Trong thời gian sống chung, giữa hai người luôn xảy ra mâu thuẫn. Khi đứa con được 1 tuổi, Toàn phạm tội trộm cắp và đi tù. Thanh quyết định ly hôn và nuôi con một mình. Còn mẹ của Thanh thì không thôi day dứt: "Có lần Thanh hỏi tôi về các biện pháp tránh thai, nhưng tôi cho rằng cháu nên tập trung vào việc học, sau này có gia đình sẽ tìm hiểu sau. Giá như lúc đó tôi nói cho cháu biết thì đâu đến nỗi…"
Hiểu biết về những thay đổi của cơ thể, tình cảm của tuổi mới lớn, giúp cho các em hiểu biết thế nào là tình dục và tình dục an toàn, cách phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục... là trách nhiệm của cha mẹ, thầy cô, những nhà tư vấn, và các tổ chức Đoàn, Hội. Người lớn không nên tìm cách giấu "con dao" mà nên chỉ cho các em biết cách để khỏi "đứt tay", và nếu lỡ "đứt tay" thì phải xử lý như thế nào?
. MINH KHƯƠNG |