Tất cả họ có 5 người, là cán bộ thú y nằm trong tổ dịch vụ kỹ thuật bò sữa của Chi cục Thú y Bình Định, trong đó có 4 người tốt nghiệp đại học khoa thú y. Đó là những chàng trai: Nguyễn Văn Ánh, Nguyễn Thanh Hùng, Lê Phú Bình, Võ Thanh Bình và Lê Chí Đốc. Mới đây, họ đã thực hiện thành công ca mổ lấy thai sớm cho con bò sữa bị bại liệt trước khi đẻ của ông Lê Đình Kính ở thôn Ngọc Thạnh, xã Phước An, huyện Tuy Phước. Đây là ca mổ lấy thai sớm cho bò đầu tiên tại Bình Định, và đã thành công ngoài mong đợi.
Khi chúng tôi đến nhà ông Lê Đình Kính thì thấy chú bê con rất khỏe mạnh, đang mỗi ngày mỗi lớn. Ông Kính cho hay, con bò mẹ chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đẻ, ấy vậy bỗng dưng nó bị liệt nằm một chỗ, mặc dù đã được chữa trị khá tốn kém nhưng vẫn không có chuyển biến gì. Nếu để tình trạng này kéo dài, cả bò mẹ lẫn bê con sẽ chết. Thế là ông Kính nhờ các bác sĩ thú y của Chi cục thú y tỉnh về mổ để trước mắt cứu cho được bê con.
Ca mổ được thực hiện từ 8 giờ sáng ngày 14-10 cho đến quá 12 giờ trưa cùng ngày thì kết thúc. Do những ngày này trời mưa to nên đã gây khó khăn rất nhiều cho ca mổ, mặt khác đây là lần đầu tiên anh em trong tổ dịch vụ thú y mới gặp trường hợp này. Dù đây là ca mổ đầu tiên nhưng 5 anh em ra quyết tâm phải cứu cho được cả bò mẹ lẫn bê con. Anh Ánh là người có kinh nghiệm nhất trong tổ được bầu làm trưởng ca mổ và trực tiếp cầm dao mổ, 4 thành viên còn lại làm phụ tá, mọi thao tác trong lúc mổ đều theo sự chỉ đạo nhất quán của anh Ánh. Sau hơn 4 tiếng đồng hồ, ca mổ đã thành công. Mẹ con chú bê đã "mẹ tròn con vuông" trong niềm vui không kể xiết của các bác sĩ thú y và gia đình ông Kính.
Anh Hùng, phụ tá ca mổ cho biết: "Lâu nay chúng tôi chỉ mổ lấy thai cho mèo, chó chứ chưa bao giờ mổ cho bò." Cũng theo anh Hùng, để thực hiện một ca mổ như vậy, mọi công việc chuẩn bị phải thật chu đáo, nhất lại là ca mổ đầu tiên. Các thao tác trước và trong khi mổ như: tiêm thuốc cầm máu, gây tê cục bộ bằng tủy sống, tiêm thuốc trợ tim, trợ sức, truyền dịch…, cũng phải hết sức cẩn trọng như khi mổ cho người vậy.
Theo anh Ánh, chỉ cần chậm từ 1- 2 ngày mà không mổ lấy bê con ra thì nguy cơ cả bò mẹ lẫn bê con sẽ chết, bởi trước khi mổ 3 ngày đã tiêm thuốc kích dục tố để gây đẻ sớm, nhưng bò mẹ vẫn không đẻ được. Trong lúc mổ, thời gian bốc nhau cho bò mẹ chiếm hơn nửa thời gian, nếu để sót nhau thì sẽ gây sốt cho bò mẹ dẫn đến tử vong. Anh Ánh cho hay, đây là lần đầu tiên anh cầm dao mổ lấy thai từ bò, hầu như chưa có kinh nghiệm gì ngoài một lần anh vào TP Hồ Chí Minh tham gia lớp tập huấn "Sản khoa về bò sữa" và xem qua một đoạn băng ngắn mổ lấy thai bò sữa. Từ chút ít lý thuyết đó anh đã mạnh dạn cầm dao mổ, và đã thành công. Từ sự thành công này, một hộ dân nuôi bò sữa ở Tây Sơn đã đặt vấn đề nhờ tổ dịch vụ thú y của anh Ánh mổ lấy thai bê con được 3 tháng tuổi vừa bị chết trong bụng mẹ.
Hiện nay, chú bê con của ông Kính phát triển khá tốt sau khi mổ. Một điều may mắn không thể không nhắc đến là trước đó 3 ngày, trong chuồng bò của ông Kính cũng có một con bò khác đẻ, nhờ vậy mới có sữa cho bê con mới mổ có sữa bú. Ông Kính tâm sự: "Thật sự tôi không nghĩ là ca mổ thành công cứu được cả bò mẹ lẫn bê con, lại là bê con cái nên giá trị cao. Tôi rất khâm phục anh em trong ca mổ vừa rồi".
Được biết, hiện nay giá một con bò sữa mẹ từ 18-20 triệu đồng, còn bê con cái thì giá từ 5-7 triệu đồng. Hầu hết các hộ dân này phải vay tiền để mua bò, nếu "tai nạn" xảy ra thì lỗ vốn. Do vậy, sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ thú ý khi sự cố xảy ra làm cho người nông dân yên tâm hơn trong việc đầu tư nuôi bò sữa.
. NGUYỄN PHÚC |